Cho vay nông nghiệp nông thôn: Món vay nhỏ, nhưng thị trường lớn
Hiệu quả, an toàn, nợ xấu thấp… là những ưu điểm nổi bật mà các ngân hàng nhận định khi cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Chính vì vậy, các NHTM ngày càng muốn đẩy vốn vào khu vực này. Theo TS. Nguyễn Đức Hưởng – Phó Chủ tịch LienVietPostBank, cho vay nông nghiệp nông thôn được coi là phương châm đầu tư “không bỏ hết trứng vào một giỏ”. Nhiều người vay, món vay nhỏ thì rủi ro thấp hơn so với việc dồn vốn vào một vài khách hàng lớn.
Song, để khai thác hiệu quả khu vực này cũng là bài toán không hề đơn giản đối với các ngân hàng. Có thể nhận thấy, với khu vực nông thôn, nhất là các địa bàn vùng núi, vùng sâu vùng xa thì việc huy động vốn để cho vay của các NHTM gặp nhiều khó khăn. Dù các NHTM đã rất tích cực, chủ động tiếp cận khách hàng bằng nhiều hình thức huy động đa dạng… song tổng nguồn vốn huy động tại các khu vực miền núi khá thấp. Trong khi nhu cầu vay vốn trung và dài hạn tại địa phương rất lớn khiến cung – cầu tín dụng luôn lệch pha.
Nhu cầu vốn để hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp là rất lớn
“Nếu các NHTM chưa tự cân đối đủ nguồn vốn để phục vụ nhu cầu vay vốn, mà “chờ” vốn điều hòa từ Trung ương sẽ không thể phát triển hiệu quả tín dụng nông nghiệp nông thôn”, Viện trưởng Viện chiến lược NHNN Nguyễn Thị Kim Thanh nhận định.
Vậy, các ngân hàng làm thế nào cho vay nông nghiệp nông thôn hiệu quả như kỳ vọng? Đây có phải là mảnh đất màu mỡ để các ngân hàng khai thác không? Theo TS. Nguyễn Đức Hưởng, nếu biết khai thác thì chắc chắn đây là mảnh đất màu mỡ. Nhưng ngược lại nếu không khai thác khéo đây cũng là “núi non hiểm trở”.
TS. Nguyễn Đức Hưởng cho rằng, khó khăn nhất trong cho vay nông nghiệp nông thôn là quy trình cho vay. Nếu ngân hàng máy móc bắt nông dân lập phương án vay vốn hiệu quả thì đa số nông dân không làm được, hoặc không muốn làm. Đối với bà con nông dân thường trình độ dân trí chưa cao nên rất dễ tự ái, nếu cán bộ ngân hàng làm không khéo sẽ không tiếp cận được khách hàng; thậm chí còn khiến nông dân quay lưng lại với ngân hàng.
Một cán bộ tín dụng Agribank chi nhánh Côn Đảo chia sẻ, những ngày đầu ngân hàng này tiếp cận khách hàng rất khó do tâm lý “ngại” vay của người dân nơi đây. Tuy nhiên, các cán bộ tín dụng Agribank Côn Đảo vẫn không nản, mà đang kiên nhẫn “gỡ” dần tâm lý này. “Và nếu ngân hàng đã tạo niềm tin với người nông dân thì họ rất tận tâm với ngân hàng”, Phó giám đốc Agribank Bến Tre Nguyễn Văn Hải cho biết. Người nông dân vay vốn của Agribank hoàn toàn tin tưởng vào cán bộ tín dụng.
Thủ tục vay vốn, phương thức trả lãi vay, cách tính lãi vay… đều được cán bộ tín dụng tư vấn, làm sẵn, bà con nông dân chỉ đến ký nhận để nhận tiền. Thực tế đối tượng khách hàng này lại không quá chú trọng đến lãi suất cho vay mà chỉ cố gắng làm sao vay được tiền đúng lúc cần để tăng gia sản xuất, trả nợ ngân hàng đúng hạn.
Một khó khăn nữa đối với các NHTM khi cho vay nông nghiệp nông thôn, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là khâu thu hoạch sản phẩm thường qua đầu nậu mua “lúa non”, nên ngân hàng sẽ không nắm được dòng tiền để thu nợ. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp vẫn nhỏ lẻ, manh mún và dựa chủ yếu vào kinh nghiệm, giá cả cũng biến động bất thường, nên tăng rủi ro cho người vay vốn; và ngân hàng khó tính được dòng tiền.
Với kinh nghiệm làm việc lâu năm với bà con nông dân, TS. Hưởng chia sẻ: Vùng đồng bằng sông Cửu Long được mệnh danh là “bát cơm châu Á”, vì thế các NHTM phải làm sao trở thành đầu mối trung gian giữa DN và nông dân. “Cho vay tay phải thu nợ tay trái, liên kết các nhà lái xung quanh nhà nông (nhà doanh nghiệp, khoa học)… qua đó giúp nông dân làm ăn và tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả, thoát được cảnh cho vay nặng lãi, bán lúa non. Dân giàu thì ngân hàng giàu” - ông Hưởng nhấn mạnh.
Theo đó, ông Hưởng đề xuất, cần phải có biện pháp tăng hiệu quả của các dự án nghiên cứu phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng thực tế hơn; hỗ trợ để người nông dân ứng dụng khoa học công nghệ nhiều hơn, giảm thiểu rủi ro; đồng thời tăng hiệu quả nguồn vốn đầu tư.
Bà Thanh cũng cho rằng, cơ chế cho vay thông thường yêu cầu khách hàng phải có tài sản đảm bảo thì rất khó, nhất là đối với những khách hàng vùng nông thôn, miền núi. Vì không phải khách hàng nào cũng thuộc đối tượng được vay vốn ưu đãi, hay vay vốn không phải thế chấp. Điều này đòi hỏi sự ra đời của các cơ chế tín dụng đặc biệt, tạo điều kiện cho các TCTD có thể cung cấp vốn cho những khách hàng khu vực khó khăn.
Huyền Thanh