Cho vay nông nghiệp sạch chủ yếu vào dự án lớn
Tháo gỡ vướng mắc trong triển khai Chương trình cho vay nông nghiệp CNC, sạch | |
Tạo động lực mạnh để thu hút đầu tư | |
Nông nghiệp hữu cơ: Cần chính sách thu hút doanh nghiệp |
Trong buổi làm việc với lãnh đạo NHNN chi nhánh TP.HCM và đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM về hoạt động cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại địa bàn TP.HCM ngày 5/12, ông Trần Văn Tần - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, đến nay trong tổng số gần 36.000 tỷ đồng cho vay lĩnh vực nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao trên toàn hệ thống, có khoảng 30.000 tỷ đồng được các TCTD cho vay vào các khu, vùng, doanh nghiệp và dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Số còn lại cho vay vào các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chứng nhận.
Ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) làm việc về cho vay nông nghiệp công nghệ cao tại TP.HCM |
Thông tin về hoạt động cho vay đối với lĩnh vực này trên địa bàn TP.HCM, ông Trần Đình Cường - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, tính đến thời điểm cuối tháng 10/2017 dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sạch trên địa bàn thành phố đạt khoảng 2.398 tỷ đồng với 28 khách hàng vay vốn. Trong đó, cho vay ngắn hạn đạt khoảng 1.800 tỷ đồng, cho vay trung - dài hạn đạt khoảng 596 tỷ đồng. Hiện lãi suất cho vay đối với các DN nhóm này phổ biến ở mức 3,6 – 8,5%/năm (ngắn hạn) và 7 - 10,9% (trung, dài hạn).
Tuy nhiên, vướng mắc cơ bản nhất ảnh hưởng đến hoạt động cho vay phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của các TCTD ở TP.HCM hiện nay là khâu thẩm định tài sản thế chấp để ký hợp đồng tín dụng.
Mặc dù Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Thông tư 33/2017/TT-BTNMT trong đó công nhận giá trị các tài sản gắn liền với đất nông nghiệp (như nhà kính, nhà lưới), nhưng chưa có những hướng dẫn cụ thể và chưa cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản nên không đủ điều kiện thế chấp vay vốn.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa thống nhất cụ thể các định mức kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch làm cơ sở để các NHTM thẩm định cho vay. Việc cấp giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp, dự án đủ điều kiện sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cũng còn chậm.
Vì vậy các TCTD vẫn gặp khó khăn trong việc xác định đối tượng cho vay và áp dụng các mức ưu đãi phù hợp khi ký hợp đồng tín dụng và giải ngân vốn.