Cho vay tiêu dùng: Đích đến là đẩy lùi tín dụng đen
Không khoan nhượng hoạt động tín dụng đen | |
Hiện đại hóa cho vay tiêu dùng: Giải giải pháp đẩy lùi tín dụng đen |
Ảnh minh họa |
Thống kê của NHNN cho thấy, trong những năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam đã tăng trưởng trung bình gần 20%/năm. Ước tính, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng/tổng tín dụng là 5,6%; tỷ lệ cho vay tiêu dùng/tiêu dùng cuối cùng là 7,3% và dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân đầu người đạt xấp xỉ 1,5 triệu đồng/người.
Với mục tiêu phát triển cho vay tiêu dùng để góp phần đẩy lùi tín dụng đen NHNN đã đưa ra một số giải pháp trọng tâm: Xây dựng dự thảo sửa đổi thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính (CTTC) để phù hợp hơn với thực tế; khuyến khích các TCTD mở rộng mạng lưới hoạt động ở những nơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân.
Đồng thời nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Quyết định 28/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo (kết thúc thực hiện năm 2020).
Bên cạnh đó, NHNN yêu cầu các TCTD bám sát nhu cầu vay vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, người dân. Cùng với đó ngành Ngân hàng đã phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân nắm bắt đầy đủ thông tin về các chương trình chính sách tín dụng, đồng thời cảnh báo các thủ đoạn của các đối tượng, tổ chức cho vay nặng lãi cũng như những hệ lụy nặng nề mà tín dụng đen gây ra.
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, Agribank đã tích cực triển khai Chương trình tín dụng tiêu dùng quy mô khoảng 5.000 tỷ đồng. Khách hàng có thể vay tiêu dùng tối đa 30 triệu đồng, thủ tục xét duyệt, giải ngân trong ngày. Cùng với đó hiện Agribank triển khai đầy đủ các sản phẩm tín dụng qua hơn 2.300 điểm giao dịch, đẩy mạnh cho vay qua các tổ vay vốn, chủ động đăng ký với chính quyền địa phương để mở rộng phạm vi hoạt động của điểm giao dịch lưu động bằng ôtô chuyên dùng ở các huyện, vùng sâu, vùng xa - nơi điều kiện đi lại của người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Ngân hàng Chính sách xã hội đã, đang đẩy mạnh cho vay không phải đảm bảo tiền vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi…
Bên cạnh đó, các nhà băng tích cực cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng mới để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, như: TPBank cho vay mua xe duyệt hồ sơ tối đa trong vòng 8 tiếng, đáp ứng vốn đến 80% giá trị xe; hay MB cho vay siêu nhanh, thấu chi không tài sản bảo đảm với hạn mức vay lên tới 50 triệu đồng…
PGS-TS Ngô Trí Long nhận định, cho vay tiêu dùng đang là một hình thức phổ biến, phát triển tương đối rộng rãi và đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu của người dân. Thế nhưng do một bộ phận người dân không đáp ứng được điều kiện vay ngân hàng, hoặc vay cho những hoạt động không được pháp luật cho phép nên họ tìm đến tín dụng đen với lãi suất “cắt cổ”.
Chuyên gia cho rằng để đẩy lùi tín dụng đen trước hết phải trị tận gốc, đó là về phía người dân cần ý thức được những rủi ro, hệ lụy khi vay tín dụng đen. Về phía ngân hàng cần có những biện pháp để thúc đẩy cho vay tiêu dùng phát triển mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên chuyên gia này cũng khuyến cáo: Cho vay tiêu dùng phát triển nhưng vẫn tiềm ẩn những rủi ro về nợ xấu. Vì vậy, dù phát triển thế nào, ngân hàng vẫn phải đảm bảo những nguyên tắc chặt chẽ trong việc thẩm định cho vay tiêu dùng. Đơn giản hóa thủ tục cho vay nhưng lại gia tăng nợ xấu thì sẽ rất có hại cho nền kinh tế…
Hệ lụy của tín dụng đen tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội, nhưng ngân hàng chỉ có thể cung tín dụng cho những nhu cầu bức thiết, chính đáng người dân. Do đó để đẩy lùi tín dụng đen cần có sự chung tay của bộ, ngành liên quan, đặc biệt là ý thức của người dân khi sử dụng tiền vay.