Chọn trọng tài để giảm thiểu rủi ro tín dụng
Tranh chấp tín dụng đang có xu hướng tăng. Tòa án thì đang quá tải. Nhiều vụ việc kéo dài nhiều năm chưa giải quyết xong. Chính vì thế Hội thảo "Xử lý tranh chấp tín dụng tại trọng tài và tòa án" do Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với tổ chức ngày 27/4, tại Hà Nội đã thu hút sự quan tâm của các NHTM, chuyên gia nghiên cứu kinh tế, tài chính và ngân hàng, DN và giới luật gia.
Bà Trần Thị Hồng Hạnh - Tổng Thư ký VNBA cho biết, những vấn đề đưa ra tại hội thảo, sẽ giúp các TCTD giảm thiểu rủi ro pháp lý trong hoạt động tín dụng. Tranh chấp tín dụng đang là vấn đề và diễn ra khá thường xuyên, nhưng việc giải quyết tranh chấp đang mất nhiều thời gian và gặp rất nhiều vướng mắc.
Theo thống kê, từ năm 2008 - 2014, hệ thống Tòa án đã thụ lý giải quyết 81.214 vụ án kinh doanh, thương mại, bình quân khoảng 13.000 vụ/năm. Trong số án kinh doanh thương mại thì phần lớn là tranh chấp từ hoạt động tín dụng.
Ông Hoàng Ngọc Thành - Chánh Tòa Kinh tế Tòa án Nhân dân Hà Nội cho biết, mỗi thẩm phán phải giải quyết hàng trăm vụ một năm, thế nhưng thời gian giải quyết không đáp ứng yêu cầu do số lượng quá tải. Ngoài ra, việc tống đạt hồ sơ, giấy triệu tập cho các đương sự cũng gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, trọng tài và VIAC là giải pháp tốt, góp phần giảm tải khối lượng công việc của Tòa án.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch VIAC cho biết, các TCTD có hoạt động cấp tín dụng đã gặp nhiều vấn đề pháp lý đang vướng mắc trong các vụ việc tranh chấp tín dụng tại tòa án. Đặc biệt là những vướng mắc lớn thường gặp phải trong quá trình thu hồi các khoản tín dụng. Hiện, trong quá trình một TCTD khởi kiện để đòi lại các khoản nợ từ khách hàng vay vốn tại tòa án có nhiều điểm xử lý còn chưa đồng nhất.
Tại Hội thảo, Luật sư Vũ Ánh Dương, Tổng thư ký VIAC đã giới thiệu phương thức trọng tài với các ưu điểm lớn như thủ tục đơn giản, linh hoạt, các bên có nhiều quyền tự định đoạt và tự do thỏa thuận, lựa chọn trọng tài viên, địa điểm đến thỏa thuận về thời gian và thủ tục trọng tài...
Ngoài ra, việc xét xử tại trọng tài không công khai, phán quyết trọng tài có giá trị chung thẩm và được chuyển thẳng sang cơ quan thi hành án để cưỡng chế thi hành theo Luật thi hành án dân sự.
Để đáp ứng nhu cầu giải quyết tranh chấp của các bên, VIAC đang tiến hành sửa đổi Quy tắc tố tụng trọng tài, trong đó có thủ tục rút gọn, vì vậy thời gian giải quyết tranh chấp sẽ tiếp tục được rút ngắn. Các DN sẽ có thêm lựa chọn phương thức hiệu quả.
Tuy nhiên, điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài cần phải có thỏa thuận trọng tài. Khi đã chọn trọng tài thì phải ghi rõ tên tổ chức trọng tài, không nên quy định chung chung, không nên vừa thỏa thuận trọng tài vừa thỏa thuận chọn tòa án để tránh các rắc rối và tranh cãi về thẩm quyền, gây tốn kém thời gian và chi phí.
Để tạo điều kiện cho các DN sử dụng trọng tài, VIAC đã khuyến nghị các DN sử dụng điều khoản trọng tài mẫu như sau: “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam theo quy tắc tố tụng trọng tài của trung tâm này”.