Chống đôla hóa: Hiệu quả, nhưng mới chỉ dựa vào CSTT
Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, trong đó giao Chính phủ xây dựng đề án chống đôla hóa. Đề án này đang được NHNN gấp rút xây dựng. Các nhà nghiên cứu, những người hoạch định chính sách cho rằng, với thực trạng nền kinh tế bị đôla hóa nhiều thập niên, cuộc chiến chống đôla hóa đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ; bền bỉ, không khoan nhượng của nhiều bộ, ngành, chứ không thể chỉ đặt lên vai ngành Ngân hàng.
Tình trạng đôla hóa của Việt Nam đang ở mức nào
Lạm phát phi mã và kéo dài trong suốt thập kỷ 80, đặc biệt là sau thất bại của cuộc cải cách “giá - lương - tiền” năm 1985, đã làm cho siêu lạm phát xuất hiện (lên tới 774,7% năm 1986). Người dân nắm giữ và sử dụng ngày càng nhiều vàng, USD để bảo toàn giá trị tài sản, đã khiến tình trạng đôla hóa của Việt Nam trở nên trầm trọng. Chủ trương chống đôla hóa được “khởi động” từ những năm đó và kéo dài cho đến ngày nay.
Tỷ giá ổn định góp phần giảm đáng kể tâm lý găm giữ ngoại tệ
Trong cả chặng đường dài đó, điểm nhấn thành công nhất của tiến trình này là giai đoạn những năm 1995-1997, khi lạm phát chỉ còn mức một con số; đôla hóa tiền gửi (FCD/M2) giảm mạnh từ mức 41,2% trong năm 1991 xuống còn khoảng 20% vào những năm 1995 – 1996. Nhưng sau đó tình trạng đôla hóa cứ tăng, giảm liên tục: từ mức 30% vào năm 2000 và 2001; rồi giảm còn 23,6% trong năm 2003; và tăng trở lại mức 27,3% vào cuối năm 2005.
Trong giai đoạn những năm 2007 đến 2011, con số này giảm dần về mức 20%; và đến tháng 12/2012 còn 12,36%. Đôla hóa tiền vay cũng diễn ra tương tự khi giảm mạnh từ mức trên 30% vào năm 1995 xuống còn khoảng 12% vào năm 1999, nhưng nhanh chóng tăng trở lại mức gần 25% vào năm 2005, sau đó giảm dần về mức 15% trong năm 2009 trước khi tăng lên mức 20% trong những năm gần đây.
Đôla hóa biểu hiện sự thay thế đồng nội tệ của một quốc gia bằng đồng USD. Đôla hóa xảy ra khi tỷ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ chiếm trên 30% trong tổng khối tiền tệ mở rộng (gồm: tiền mặt trong lưu thông, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn và tiền gửi ngoại tệ). |
Việc kéo tỷ lệ đôla hóa xuống thấp như hiện nay (đặc biệt từ tháng 4/2011 đến nay) nếu xét ở khía cạnh kỹ thuật, chủ yếu dựa vào điều kiện thuận lợi của CSTT với việc NHNN điều hành chính sách tỷ giá ổn định (tỷ giá bình quân liên ngân hàng được giữ ở mức 20.828 đồng/USD trong hơn 1 năm qua); chênh lệch lãi suất VND và ngoại tệ cũng được giữ ở mức hợp lý (lãi suất huy động VND dưới 12 tháng hiện ở mức 7,5%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên khoảng 10% - 11%/năm; lãi suất huy động USD phổ biến 2%/năm đối với tiền gửi của dân cư và 0,5%/năm đối với tiền gửi của tổ chức) nhằm tạo lợi ích kinh tế lớn hơn cho người nắm giữ VND.
Tuy nhiên, xét về dài hạn, những số liệu thống kê trên cho thấy việc giảm đôla hóa ở Việt Nam suốt thời gian qua chưa thực sự bền vững và dễ dàng bùng phát trở lại mỗi khi nền kinh tế không ổn định; hoặc có sự chênh lệch đáng kể giữa lãi suất USD và VND.
Một số tác động tiêu cực của tình trạng đôla hóa
Câu chuyện về tờ tiền một trăm nghìn tỷ đôla ($100.000.000.000.000) của Zimbabwe là một ví dụ thú vị về lợi ích của nền kinh tế được đôla hóa. Đồng tiền này được phát hành tháng 7/2008, khi lạm phát của Zimbabwe tăng kỷ lục: hơn 23 triệu phần trăm).
Từ tháng 2/2009, Chính phủ mới của Zimbabwe đã quyết định sử dụng đôla Mỹ làm đơn vị tiền tệ. Với nhiều chính sách đồng bộ khác, đến tháng 1/2011, CPI của Zimbabwe chỉ tăng 0,9% so với tháng trước. Mặc dù đôla hóa nền kinh tế đã đẩy lùi được siêu lạm phát ở đất nước này nhưng Chính phủ Zimbabwe vẫn khẳng định sẽ nỗ lực hết mình để sử dụng lại đôla Zimbabwe.
Hiện có khoảng hơn 10 quốc gia trên thế giới có tỷ lệ FCD/M2 cao (trên 30%). Với tỷ lệ FCD/M2 như hiện nay, Việt Nam là quốc gia có mức độ đôla hóa vừa phải.
Chỉ số FCD/M2 giảm mạnh từ mức 19,83% vào tháng 4/2011 xuống 12,36% vào cuối tháng 12/2012 - thấp nhất trong vòng hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, sự cải thiện này chủ yếu do CSTT chứ chưa dựa trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn như hiện nay; các chỉ số vĩ mô cơ bản như thâm hụt ngân sách, hệ số sử dụng vốn (chỉ số ICOR), tốc độ tăng trưởng GDP… chưa được cải thiện, thì khả năng FCD/M2 tăng trở lại luôn hiện hữu. |
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, đôla hóa trong những điều kiện cụ thể có thể mang lại một số lợi ích như tăng cung ngoại tệ, thúc đẩy chu chuyển hàng hóa quốc tế, giảm bớt rủi ro tỷ giá, giảm chi phí sử dụng vốn và là phương tiện hữu hiệu để bảo hộ người dân khi có lạm phát.
Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tiễn phát triển kinh tế đất nước cũng như kinh nghiệm quốc tế cho thấy, những lợi ích đó không thể bù đắp được nhược điểm của nền kinh tế bị đôla hóa.
Đôla hóa tạo ra những rủi ro tiềm tàng cho quá trình ổn định kinh tế, làm nền kinh tế trong nước phụ thuộc nhiều hơn vào kinh tế thế giới. Dưới tác động của đôla hóa, các cú sốc của kinh tế thế giới được truyền dẫn nhanh hơn và khuếch đại lớn hơn tới kinh tế Việt Nam, khiến cho quá trình ổn định kinh tế vĩ mô trở nên khó khăn và ảnh hưởng tới hiệu quả điều hành chính sách vĩ mô của Chính phủ.
Cụ thể, trong điều hành CSTT, do lượng ngoại tệ trong lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng lớn đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc tính toán lượng tiền cung ứng cần thiết để kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán (M2) sao cho phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế và mục tiêu kiểm soát giá cả ( CPI). Điều này gây khó khăn cho các nhà hoạch định CSTT khi quyết định mức cung tiền hợp lý cho nền kinh tế.
Đô la hóa cao gây ảnh hưởng tới an toàn hệ thống ngân hàng và khiến cho việc điều hành CSTT nhằm đạt được mục tiêu ổn định tiền tệ gặp khó khăn. Với đặc thù của Việt Nam là tình trạng đôla hóa cả bên tài sản Nợ (tiền gửi ngoại tệ tại hệ thống ngân hàng) và bên tài sản Có (tín dụng ngoại tệ) nên trong các thời điểm lãi suất và tỷ giá có sự thay đổi thì hệ thống ngân hàng xuất hiện tình trạng mất cân đối về loại tiền.
Trong các năm 2009 - 2011, áp lực về cung cầu trên thị trường ngoại hối cùng với áp lực tâm lý đã khiến cho tỷ giá trên thị trường tự do cách biệt lớn với tỷ giá chính thức. Để ổn định thị trường ngoại hối, NHNN đã liên tục điều chỉnh tỷ giá USD/VND cũng như mở rộng biên độ dao động của tỷ giá chính thức; đồng thời bán một lượng không nhỏ ngoại tệ ra lưu thông và “hút” về một lượng VND tương ứng.
Điều này đã ảnh hưởng tới khả năng thanh khoản VND của các TCTD và công tác điều hành CSTT của NHNN.
Như vậy, tình trạng đôla hóa có thể tạo ra những tác động tiêu cực đối với tăng trưởng bền vững, khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương bởi khủng hoảng kinh tế thế giới; làm giảm chất lượng hoạch định và thực thi CSTT; giảm hiệu quả của chính sách tỷ giá, tạo ra nguy cơ đổ vỡ hệ thống ngân hàng, hạn chế vai trò “người cho vay cuối cùng” của NHTW.
Vì vậy, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới phải thực hiện các giải pháp kiên quyết chống đôla hóa nền kinh tế.
Bài 2: Đừng hô khẩu hiệu, hãy hành động
Nhóm PV chuyên đề