Chủ động hỗ trợ cơ giới hóa
Đón đầu chính sách
Tiên phong cho mục tiêu này là Chương trình vay vốn ưu đãi lãi suất mua và kinh doanh máy Nông ngư cơ Yanmar – máy gặt đập liên hợp do HDBank triển khai thực hiện.
Cụ thể, theo đại diện của HDBank, bắt đầu từ tháng 2/2014, HDBank triển khai Chương trình cho vay mua sắm máy móc nông nghiệp phục vụ sản xuất, kinh doanh. Các khách hàng cá nhân sẽ được vay tối đa là 1 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi giảm 0,5%/năm so với bảng lãi suất hiện hành của HDBank, thời hạn cho vay không quá 36 tháng. Khách hàng DN có kinh nghiệm kinh doanh ngành nghề máy nông nghiệp trên 2 năm sẽ được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi giảm 1%/năm, thời hạn 2 tháng. Ngoài ra, DN tham gia chương trình sẽ được áp dụng tỷ lệ ký quỹ bảo lãnh 0%, phí bảo lãnh ưu đãi 2%/năm.
Thông tin từ HDBank cho biết, rất nhiều khách hàng quan tâm và liên hệ tìm hiểu chương trình cũng như tiến hành vay vốn sau hơn một tháng triển khai. Nhiều nhất là khách hàng đến từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện đã có gần 100 khách hàng cá nhân và DN được giải ngân. Theo kế hoạch của HDBank, dự kiến trong năm nay, chương trình sẽ tài trợ cho khách hàng mua 1.000 máy Yanmar phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Đại diện HDBank cho biết thêm, thời gian qua, ngân hàng này cũng đã triển khai Chương trình đầu tư kho trữ cà phê để nhận hàng thế chấp của nông dân và DN tại tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, nếu bà con nông dân sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên muốn vay thêm vốn hỗ trợ mua sắm máy móc, thì cũng được hưởng mức ưu đãi lãi suất của chương trình mới này, bên cạnh ưu đãi dành cho bà con trong chương trình cho vay, cầm cố cà phê thành phẩm.
Ảnh minh họa
Rà soát khách hàng vay
Trao đổi với phóng viên TBNH, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh An Giang cho biết, thời gian qua Agribank An Giang là ngân hàng tích cực nhất trên địa bàn tỉnh trong hoạt động cho vay ưu đãi lãi suất theo Quyết định 63 và 65. Tuy nhiên, do một số vướng mắc, chẳng hạn như yêu cầu thiết bị phải đạt tỷ lệ 60% nội địa hóa nên nhiều DN và người dân chưa vay được vốn với chính sách ưu đãi.
Nay, Quyết định 68 đã bắt đầu triển khai, mặc dù Bộ NN&PTNT vẫn chưa ban hành danh mục máy móc thiết bị được hưởng chính sách hỗ trợ, nhưng Agribank An Giang đã chỉ đạo các chi nhánh huyện và các phòng giao dịch trên địa bàn tỉnh An Giang rà soát lại hồ sơ vay của các năm trước để nắm cụ thể nhu cầu vay vốn phục vụ mua sắm máy móc nông nghiệp của DN và bà con nông dân.
Ông Sơn cho rằng, hầu hết các hợp đồng vay theo Quyết định 63 và 65 trước đây đến thời điểm này cũng đã trả nợ xong, do vậy nhu cầu cơ cấu lại lãi suất vay cũng không lớn. “Tuy nhiên, Quyết định 68 đã bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm, do vậy chúng tôi vẫn rà soát lại các khách hàng vay theo Quyết định 63 và 65 trong vòng 1 năm trở lại đây. Một mặt để nắm được nhu cầu vay vốn của người dân, mặt khác có thể thông báo với khách hàng về một số điểm hỗ trợ mới theo Quyết định 68 mà trước đó chưa có. Nếu DN, nông dân có nhu cầu thì họ có thể làm hồ sơ vay mới”, ông Sơn cho biết.
Tương tự tại tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Ngọc Rạng, Giám đốc Agribank Đồng Tháp cho rằng, nút thắt cơ bản nhất của các Quyết định 63 và 65 đã được tháo gỡ. Do đó, thời gian tới, tín dụng cho vay hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp sẽ thông thoáng hơn. Các ngân hàng sẽ tham gia nhiều hơn vào chương trình này so với trước đây.
Ông Rạng cho hay, chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Cao Lãnh, trong thời gian qua Agribank Chi nhánh Đồng Tháp đã đầu tư nguồn vốn trung hạn giúp cho các đối tượng mua máy cày, máy xới, trạm bơm điện, lò sấy lúa, máy cắt gặt đập liên hợp với tổng số tiền là 55 tỷ đồng. Trong thời gian tới, khi danh mục các máy móc thiết bị được Bộ NN&PTNT ban hành thì cơ hội cho vay mua sắm máy móc ở tỉnh Đồng Tháp chắc chắn sẽ nhiều hơn.
Như vậy, có thể nói, với những động thái chủ động của nhiều ngân hàng trong việc cho vay hỗ trợ cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch, cộng với quy định cho phép các NHTMCP tham gia vào hoạt động này, thời gian tới chắc chắn sẽ có nhiều TCTD “dồn vốn” cho các chương trình tín dụng nông nghiệp nông thôn tạo ra những gói tín dụng ưu đãi, cạnh tranh về dịch vụ và khả năng tiếp cận khách hàng. Đây sẽ là cơ hội tốt cho các DN và người nông dân vì có thêm nhiều lựa chọn khi cần nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Thạch Bình