Chủ tịch ECB củng cố kỳ vọng tăng lãi suất vào cuối năm 2019
ECB giữ nguyên lãi suất, chưa tính chuyện tái đầu tư | |
Chủ tịch Fed: Cách tốt nhất là tiếp tục tăng dần lãi suất |
Hội đồng cũng dự kiến các mức lãi suất chủ chốt này sẽ tiếp tục được duy trì ở mức hiện tại ít nhất là hết mùa hè năm 2019 và có thể lâu hơn nếu cần để đảm bảo lạm phát tiếp tục tăng bền vững tới mức ngay sát dưới 2% trong trung hạn.
Về các biện pháp chính sách tiền tệ phi truyền thống, ECB quyết định sẽ tiếp tục thực hiện mua ròng theo chương trình mua tài sản (APP) với tốc độ hàng tháng là 30 tỷ euro cho đến cuối tháng 9/2018. ECB dự kiến, sau tháng 9/2018, tùy thuộc vào các dữ liệu sắp tới xác nhận triển vọng lạm phát trung hạn của ECB, tốc độ mua ròng hàng tháng sẽ được giảm xuống còn 15 tỷ euro cho đến cuối tháng 12/2018 và chương trình mua tài sản sẽ kết thúc từ đó.
Tuy nhiên, ECB vẫn dự kiến sẽ tái đầu tư các khoản thanh toán từ các chứng khoán đáo hạn trong một thời gian dài sau khi kết thúc chương trình mua tài sản ròng cho tới khi nào vẫn còn thấy cần thiết để duy trì điều kiện thanh khoản thuận lợi và mức độ nới lỏng tiền tệ.
Phát biểu tại buổi họp báo được tiến hành sau đó, Chủ tịch ECB Mario Draghi đã tỏ ra khá lạc quan về triển vọng kinh tế và tái khẳng định kế hoạch kết thúc chương trình kích thích (chương trình mua tài sản) quy mô 2,6 nghìn tỷ euro của ECB trong năm nay và sẽ giữ mức lãi suất thấp kỷ lục của họ “suốt mùa hè năm 2019”.
Khi được yêu cầu cắt nghĩa rõ hơn về cụm từ trên, điều mà các nhà đầu tư và ngay cả các nhà hoạch định chính sách đang bất đồng, vị Chủ tịch ECB cho biết, kỳ vọng của thị trường “rất phù hợp” với ngân hàng trung ương. “Theo như kỳ vọng hiện nay (của thị trường), chúng rất phù hợp với dự đoán của Hội đồng Thống đốc”, Draghi nói.
Theo như các nguồn tin nói với Reuters hồi đầu tháng này, các quan chức có quyền thiết lập lãi suất của ECB vẫn bị chia rẽ về thời điểm mà có thể tăng lãi suất và có nhiều cách cắt nghĩa cụm từ “suốt qua mùa hè”. Trong khi một số người cho biết, động thái tăng lãi suất có thể diễn ra vào đầu tháng 7/2019, một số người khác lại cho rằng sẽ không có bất kỳ một động thái nào cho đến mùa thu.
Tuy nhiên, Draghi cho biết, họ không cảm thấy cần phải thay đổi cụm từ đó. “Ở giai đoạn này, chúng tôi không thấy cần phải sửa đổi hoặc thêm ngôn ngữ mới để hướng dẫn về lãi suất của chúng tôi”, Draghi nói với các phóng viên.
Hiện thị trường tiền tệ đang đặt cược là ECB sẽ tăng lãi suất tiền gửi 10 điểm cơ bản vào tháng 10/2019, lần tăng đầu tiên kể từ năm 2011 sau nhiều năm nới lỏng tiền tệ. Tuy nhiên, kỳ vọng rất có thể thay đổi tùy thuộc vào diễn biến trong mối quan hệ thương mại Mỹ - EU.
Tại buổi họp báo, Chủ tịch ECB Mario Draghi cũng một lần nữa nhắc lại những nguy cơ ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế châu Âu, và qua đó là chính sách của ECB, liên quan tới sự gia tăng của xu hướng bảo hộ thương mại, đặc biệt là sau một loạt chính sách thuế của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ các đối tác lớn gồm Trung Quốc, EU, Canada...
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU bắt đầu sau khi Mỹ áp thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm từ EU. Căng thẳng có chiều hướng leo thang khi mà gần đây Tổng thống Trump đe dọa đánh thuế 20% đối với tất cả ôtô nhập khẩu từ EU. Ngay lập tức EU tuyên bố sẽ đáp trả nếu lời đe dọa của Tổng thống Mỹ áp thuế 20% lên ôtô nhập khẩu từ khối này được triển khai thực hiện.
Tuy nhiên căng thẳng thương mại Mỹ - EU đã có chiều hướng dịu bớt sau cuộc hội đàm của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker diễn ra chỉ 1 ngày trước cuộc họp báo của ông Draghi. Tại buổi hội đàm này, hai bên đã nhất trí hợp tác cùng nhau loại bỏ thuế quan và các rào cản thương mại, giúp giảm căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và EU, nhân tố có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương.
Mặc dù nhận định diễn biến cuộc gặp trên là một “tín hiệu tốt”, song theo ông Draghi, vẫn còn quá sớm để nói về kết quả cuối cùng.