Chung tay chống biến đổi khí hậu
Ảnh minh họa |
Cụ thể, 4 tỷ USD sẽ dành cho việc mở rộng hỗ trợ lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, giao thông vận tải bền vững và xây dựng các thành phố thông minh; 2 tỷ USD còn lại sẽ hỗ trợ các chương trình thích ứng với BĐKH thông qua xây dựng hạ tầng cơ sở bền vững, phát triển nông nghiệp và sự chuẩn bị đối phó với các thảm họa liên quan đến khí hậu.
Tháng 12/2015, Pháp sẽ đăng cai Hội nghị lần thứ 21 của các bên tham gia Công ước khung Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21). Đây có thể là “cơ hội cuối cùng” để các nước cam kết có ràng buộc pháp lý lâu dài về giảm phát thải, với kỳ vọng là đạt được thỏa thuận toàn cầu nhằm giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp để thay thế cho Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2020.
Ông Remi Renevey, Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam cảnh báo, Việt Nam có tới 17 triệu dân tại khu vực ĐBSCL đang chịu ảnh hưởng rất nặng nề của BĐKH, mà một phần đáng kể là do sự gia tăng phát thải khí nhà kính gây ra.
Từ nhiều năm nay AFD đã cam kết hỗ trợ phát triển trên cơ sở dung hòa mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường và khí hậu. Trước đó, tháng 9/2014, AFD đã phát hành trái phiếu khí hậu đầu tiên với hạn mức 1 tỷ euro hướng tới các nhà đầu tư, đặc biệt là những người có tinh thần trách nhiệm xã hội, đầu tư mua trái phiếu với đặc thù vượt chuẩn quốc tế của trái phiếu xanh thông thường.
Pháp hy vọng trái phiếu khí hậu của AFD sẽ là nguồn tài trợ cho các dự án có tác động trực tiếp đến việc giảm khí phát thải nhà kính phục vụ đấu tranh chống BĐKH, ông Remi Renevey cho biết thêm.
COP 21 là hạn chót cho chống BĐKH, do vậy nếu thỏa thuận được thông qua, Công ước khung Liên Hợp quốc về BĐKH sẽ được áp dụng cho mọi quốc gia và thỏa thuận phải dựa trên nguyên tắc: trách nhiệm chung nhưng có phân biệt và phù hợp với hoàn cảnh từng quốc gia.
“Vì vậy không chỉ là cam kết hạn chế sự nóng lên toàn cầu, mà các quốc gia phát triển còn cần phải tăng cường hỗ trợ tài chính và kỹ thuật; không chỉ hỗ trợ mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng trong quốc gia của mình, mà còn tại cả các quốc gia đang phát triển cũng như hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật cho các quốc gia đang phát triển để tạo ra các nền kinh tế carbon thấp; đảm bảo các hành động khí hậu có mối liên kết rõ ràng với các mục tiêu phát triển bền vững (SDG)”, bà Vũ Minh Hải – Chủ tịch CCWG đề xuất.