Chuyển nợ xấu thành vốn góp, nên chăng?
Kiên quyết xử lý nợ xấu bằng biện pháp mạnh | |
Cởi nút thắt cho xử lý nợ xấu | |
Xử lý nợ xấu: Ngân hàng không thể “đơn thương độc mã” |
Xử lý nợ xấu của hệ thống NH vẫn là vấn đề nóng trên nghị trường. Nhất là việc xử lý các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua nhưng chưa xử lý được, do những nút thắt về cơ chế chưa được tháo gỡ. Điển hình như thiếu cơ chế xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ, thiếu quy định làm căn cứ cho việc định giá khoản nợ.
Hiện chưa có cơ chế tạo lập, phát triển thị trường mua bán nợ và nguồn vốn xử lý nợ xấu… Nếu VAMC không xử lý được nợ xấu thì khoản nợ xấu này sẽ quay lại các NHTM. Đây là một thách thức lớn đối với các NHTM hiện nay cũng như trong tương lai.
Ảnh minh họa |
Gần đây, dự thảo của NHNN lấy ý kiến việc góp vốn, mua cổ phần của các TCTD, trong đó có phần liên quan đến hoán đổi nợ xấu, cho phép các TCTD được chuyển nợ xấu thành vốn góp. Nhưng chỉ được áp dụng riêng với nợ xấu thuộc nhóm 5 hoặc nợ đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro. Tổng mức góp vốn, mua cổ phần dưới mọi hình thức không vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của NHTM. Phải chăng đó là một trong những giải pháp “hậu” VAMC?
Thực tế đây là một giải pháp đã được áp dụng thành công ở Nhật Bản khi nước này thành lập Cơ quan tái thiết công nghiệp – JRCJ. Tổ chức này hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần. IRCJ tái thiết DN gắn với xử lý nợ thông qua các biện pháp như thực hiện hoán đổi vốn - nợ, xóa nợ cho DN, tái thiết hoạt động, cử người trực tiếp quản lý điều hành DN.
Theo đó, sau khi mua được nợ, IRCJ sẽ cử người xuống DN đảm nhiệm các chức vụ trong bộ máy điều hành của DN, từ vị trí cao nhất đến các cấp trung gian (cấp trưởng, phó phòng)… Tuy nhiên, IRCJ chỉ thực hiện tái thiết DN sau khi nhận đơn đề nghị của DN hoặc TCTD về tái thiết DN khách hàng có nợ từ 70 - 80% do TCTD đề nghị.
Trên cơ sở đó trong vòng 3 năm, IRCJ phải thoái vốn khỏi DN. Do đó khi xây dựng phương án tái thiết, IRCJ phải đánh giá, xác định trong vòng 3 năm đó, DN đó có khả năng có nhà đầu tư quan tâm hay không, nếu không IRCJ sẽ từ chối thực hiện tái thiết DN. Trong trường hợp phương án xác định có nhà đầu tư quan tâm, nhưng sau ba năm, nếu không tìm được nhà đầu tư, IRCJ sẽ áp dụng Luật Đổi mới DN để thực hiện giải thể DN và thu hồi vốn (thông qua tòa án).
Theo đó, chỉ trong vòng 4 năm hoạt động từ 2003 – 2007, IRCJ đã hỗ trợ tái thiết 41 DN, ngân sách thu được 74,5 tỷ Yên (thuế thu được 31,2 tỷ Yên và 43,3 tỷ Yên sau khi thanh lý tài sản và giải thể IRCJ), cổ đông thu hồi đủ vốn đầu tư ban đầu 50,5 tỷ Yên và 200 triệu Yên tiền cổ tức và hoàn trả đầy đủ các khoản vốn huy động.
Bài học từ Nhật Bản là cơ sở để cho ta cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp này. Nếu quy định chuyển nợ thành vốn góp thiếu thận trọng có thể sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, khó lường khi mà năng lực quản trị DN của NH còn hạn chế về nguồn lực và kỹ năng, việc góp vốn mà không theo sát DN, cùng tham gia quản lý, thúc đẩy hoạt động DN phát triển, thì hiệu quả chẳng khác gì như việc góp vốn, mua cổ phần của DN trước đây các NHTM đã làm, mà hiện nay họ đang phải thực hiện thoái vốn.
Hơn nữa, nợ xấu sẽ càng trầm trọng hơn khi mà việc chuyển nợ thành vốn góp không cải thiện được hoạt động của DN. Một vấn đề cần cân nhắc kỹ nữa cho giải pháp này là rủi ro “đạo đức” đang hiện hữu trong nền kinh tế Việt Nam là rất lớn.