Cởi nút thắt cho xử lý nợ xấu
Xử lý nợ xấu: Ngân hàng không thể “đơn thương độc mã” | |
Cần có luật riêng để xử lý nợ xấu | |
Cần thông tư liên Bộ để gỡ khó xử lý nợ xấu |
Cần có cơ chế đột phá với những hành động chính sách cụ thể mới đảm bảo xử lý nợ xấu hiệu quả và nhanh chóng. Đây là quan điểm đồng thuận của nhiều chuyên gia kinh tế, đại biểu tại cuộc Hội thảo “Xử lý nợ xấu – Những nút thắt cần tháo gỡ” doNHNN phối hợp với Văn phòng Quốc hội, VAMC và Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 26/10/2016 tại Hà Nội.
Vì sao nợ xấu xử lý chậm?
Theo đánh giá của Luật sư Trương Thanh Đức, việc nợ xấu của ngành NH chậm được xử lý vì nút thắt quan điểm. Ông liệt kê có ít nhất 3 quan điểm sai lầm: Thứ nhất là đổ hết lỗi gây ra nợ xấu cho ngân hàng. Thứ hai là phó thác hết trách nhiệm xử lý nợ xấu cho ngân hàng. Và thứ ba là không sửa đổi pháp luật hỗ trợ xử lý nợ xấu cho ngân hàng.
Còn theo phân tích của TS. Lê Xuân Nghĩa, nợ xấu không chỉ là tội của DN, hay NH mà trong đó còn có cả lỗi của Chính phủ, lỗi của chính sách, nền kinh tế thị trường. Nhưng DN, NH, Chính phủ chiếm một nửa lỗi gây ra nợ xấu. Cũng thẳng thắn nhìn nhận về vấn đề này, NHNN cho rằng: đúng là ngành Ngân hàng phải chịu trách nhiệm về nợ xấu, tuy nhiên nguồn gốc của nợ xấu là do các doanh nghiệp, hộ gia đình vay vốn nhưng không trả được nợ vay.
Tại Hội thảo các đại biểu chỉ ra một nguyên nhân rất quan trọng khiến nợ xấu chậm được xử lý đó là ngân hàng đối mặt với nguy cơ hình sự hoá trách nhiệm dân sự, lao động. Kinh doanh luôn gắn liền với rủi ro. Kinh doanh ngân hàng càng nhiều rủi ro. Nhưng trên thực tế cứ rủi ro mất tiền ngân hàng là đồng nghĩa với nguy cơ có tội.
Hồ sơ tín dụng, với hàng trăm trang và hàng chục loại giấy tờ… thì khó tránh khỏi sai sót ít nhiều, trong bối cảnh giấy tờ, sổ sách rất thiếu tin cậy. Hồ sơ cho dù đúng tới 99%, nhưng chỉ cần 1% sai sót là đã có thể thành tội phạm. Vậy thì cán bộ ngân hàng khác nào như cá nằm trên thớt, như tù nhân dự bị?
Những nút thắt quan trọng nữa đang “trói” nợ xấu được Chủ tịch HĐTV VAMC Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ đó là xử lý tài sản bảo đảm vướng quá nhiều thủ tục; Thủ tục tố tụng và thi hành án cũng gây khó cho công tác xử lý nợ. Đặc biệt, cơ sở pháp lý vận hành thị trường mua bán nợ đang bị nhiều giới hạn.
Và nếu cứ kéo dài tình trạng như trên, thì không những nan giải trong xử lý nợ xấu hiện tại, mà còn nguy cơ tái diễn nợ xấu trầm trọng trong tương lai. Xử lý nợ xấu trong bối cảnh, mức độ nặng nề, thời gian thì cấp bách, hành lang pháp lý thì vướng mắc và thị trường thì khó khăn như hiện nay, vì vậy, cần phải chấp nhận chọn cái ít xấu nhất trong những cái xấu, chứ không thể đòi hỏi phải là cái đúng nhất, tốt nhất.
Đồng tình quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, đến thời điểm này, DN cũng như NH không đủ sức giải quyết số nợ xấu đang tồn đọng. Mà nếu không giải quyết được, hệ thống NH dễ sụp đổ, kinh tế vĩ mô rơi vào khủng hoảng. Vấn đề lúc này sẽ không còn là bệnh của riêng ai (NH, DN) mà bệnh sẽ lây ra toàn dân.
Phải có chính sách đột phá
Đến lúc này theo các diễn giả tham gia tại Hội thảo, không nên bàn đến vấn đề ai gây ra nợ xấu nữa mà phải bàn đến các giải pháp cụ thể, tính khả thi cao để xử lý nợ xấu.
Chuyên gia NH TS. Cấn Văn Lực cho rằng, đến lúc phải có đột phá trong xử lý nợ xấu. 3 đột phá chính sách mà TS Cấn Văn Lực đề xuất, do nợ xấu đến lúc cấp bách khó có thể chờ sửa từng luật được vì thế có đạo luật riêng về nợ xấu trong đó tăng quyền năng VAMC khi cho phép công ty này được định đoạt tài sản, bán TSĐB, bán nợ xấu chấp nhận lỗ. Hai là theo kinh nghiệm của các nước xử lý nợ xấu thành công phải có thị trường mua bán nợ theo giá thị trường.
Định giá mua bán nợ, phải có tổ chức công lập đảm bảo khách quan công khai minh bạch; Có chính sách khuyến khích NĐT trong và ngoài nước tham gia mua bán nợ xấu. Và một giải pháp tối ưu được vị chuyên gia này gợi mở là cho phép NĐT nước ngoài uỷ thác bên thứ 3 tại Việt Nam. Hình thức này đã được thực hiện thành công tại Hàn Quốc. Thứ 3 là nguồn lực tài chính. Cụ thể, Chính phủ, Quốc hội xem xét tạm ứng cho VAMC một khoản tiền để công ty này mua bán nợ xấu chứ không phải cho không.
Nếu nợ xấu không xử lý được thì lãi suất cho vay sẽ khó hạ vì NH phải lo chi phí trích lập rủi ro |
Ông Dương Quốc Anh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai thẳng thắn: cần phải thay đổi về mặt nhận thức. Từ xưa đến nay, tất cả pháp luật cũng như thực tiễn đều bảo vệ khách hàng chứ không bảo vệ chủ nợ. Không thể để ngân hàng mãi rơi vào cảnh “cho vay thì đứng, đi thu hồi nợ thì quỳ”. Vì vậy, pháp luật cần phải làm sao để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NH.
Ông Dương Quốc Anh cũng đề nghị: do thời điểm này ngân sách đang rất khó khăn nên việc “bơm” thêm vốn cho VAMC khó có thể thực hiện được. Vì vậy, VAMC nên phân tích, phân loại lại các khoản nợ xấu, những khoản nào Chính phủ chỉ định hay bảo lãnh thì đề xuất ngân sách xử lý…
TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, đúng là xử lý nợ xấu không bằng tiền tươi thóc thật chỉ có duy nhất ở Việt Nam. Đã từng làm trưởng ban xử lý nợ xấu nên theo kinh nghiệm của ông nếu không có tiền phải có cơ chế mà phải là cơ chế mạnh thì mới giải quyết được. Vì quy mô nợ xấu thời điểm này lớn hơn rất nhiều thời gian trước đây.
Vì vậy, ông đề xuất là có hai cơ chế một là cơ chế đặc thù cho cả VAMC lẫn TCTD. Hai là cần bộ luật riêng để xử lý nợ xấu. Sau khi nợ xấu được xử lý xong thì Bộ luật này cũng chính thức hết hiệu lực. Đây là giải pháp mà nhiều nước thực hiện rất thành công. Ông Dương Quốc Anh ủng hộ đề xuất, một luật sửa nhiều luật của TS. Lê Xuân Nghĩa. Ông cho rằng đến thời điểm này không thể chần chừ trong giải quyết nợ xấu nữa. Vì nếu nợ xấu không xử lý được thì lãi suất cho vay không thể hạ vì NH lo chi phí trích lập rủi ro, DN phải vay lãi suất cao sẽ không thể cạnh tranh được.
Ông Nguyễn Văn Thân, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV: Cần giải pháp cho cả DN và NH Đúng là vấn đề XLNX hiện nay đang gặp vướng mắc, điều này khiến cho NH và cả DN đều gặp một số khó khăn nhất định. Chính vì vậy, cần phải có giải pháp cho cả phía DN và NH mà ở đây là Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC). Với DN, theo tôi, Chính phủ cần có giải pháp khoanh nợ cho một số DN gặp khó khăn nhưng có khả năng hồi phục, bắt đầu từ việc khoanh nợ và lãi để DN trả dần, giúp DN vượt qua khó khăn, quay trở lại trả nợ NH. Một khó khăn nữa trong vấn đề XLNX hiện nay đang được quan tâm là vướng mắc của VAMC, trong đó chủ yếu là nút thắt về cơ chế pháp lý. Vì vậy, chúng ta nên có nghị quyết về XLNX và có khung pháp lý rõ ràng để VAMC thực hiện được các nhiệm vụ, quyền năng của mình. Nếu không có giải pháp đột phá, cụ thể là cho VAMC hiện nay, thì khó có thể giải quyết được triệt để nợ xấu. Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh: Tập trung giải quyết vấn đề nợ xấu Giải pháp XLNX thông qua VAMC đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là cần có cơ chế để xử lý được nợ VAMC đã mua lại. Khi giảm được nợ xấu thì trích lập dự phòng của NH giảm đi, tạo điều kiện cho NH giảm lãi suất và lưu thông dòng vốn linh hoạt, hiệu quả hơn. Trong các thảo luận về kinh tế - xã hội mới đây, đã có nhiều ý kiến đặt ra với vấn đề XLNX. Cá nhân tôi cũng cho rằng, vẫn cần giải pháp về cơ chế chính sách của Nhà nước để hỗ trợ DN. Bên cạnh đó cũng cần giải pháp về thể chế pháp lý trong đó các cơ quan như công an, tòa án… cùng đồng hành, đồng bộ hỗ trợ NH cho việc XLNX. Nhất là VAMC phải có đủ điều kiện pháp lý để xử lý nợ, tạo chủ động cho VAMC hơn nữa, bằng các cơ chế chính sách. Ông Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh: Cứ theo trình tự thì XLNX rất chậm Việc triển khai Đề án Cơ cấu lại TCTD giai đoạn 2011-2015 và thành lập VAMC để XLNX, giúp các NHTM bán nợ xấu sang VAMC, là hợp lý. Đến nay chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật rằng, thành lập VAMC là giải pháp tạm thời nhưng cũng đã phát huy hiệu quả rõ rệt, khi tăng trưởng tín dụng tăng trở lại và góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Không chỉ VAMC mà bản thân các NHTM cũng đang rất quyết tâm để XLNX, nhưng việc này đòi hỏi phải có cơ chế về trình tự pháp lý. Nếu chúng ta cứ theo trình tự thông thường thì quá trình xử lý rất chậm. Do đó theo tôi cần phải có cơ chế liên bộ, ví dụ như cần một nghị quyết liên bộ để giúp NHTM XLNX một cách nhanh nhất. Đặc biệt, cần phải bỏ bớt đi các trình tự trong việc phát mãi tài sản hay đấu giá tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu. Có như vậy chúng ta mới giải quyết nhanh bài toán về nợ xấu. Chí Kiên ghi |