Kiên quyết xử lý nợ xấu bằng biện pháp mạnh
Xử lý nợ xấu: Không chỉ đặt trên vai NHNN | |
Đại biểu Quốc hội TP.HCM: Muốn có giải pháp đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu | |
Thúc xử lý nợ xấu: Cần sớm tháo gỡ cơ chế cho VAMC |
Nhận thức được tầm quan trọng của việc xử lý nợ xấu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Vietcombank đã huy động mọi nguồn lực từ Hội đồng quản trị, Ban điều hành, phòng ban trụ sở chính đến các đơn vị thành viên; thành lập Ban xử lý có vấn đề tại các đơn vị có nợ xấu lớn để thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp xử lý nợ xấu với phương châm “Đổi mới + Quyết liệt + Kết nối”.
Đổi mới trong phân loại nợ xấu; xây dựng đề án “Ngân hàng tốt – Ngân hàng xấu” đối với đơn vị thành viên có tỷ lệ nợ xấu cao; kiên quyết xử lý nợ xấu bằng biện pháp mạnh như khởi kiện, chuyển cơ quan điều tra đối với khách hàng không thiện chí; thường xuyên phối hợp làm việc với các cơ quan, ban ngành để hỗ trợ công tác xử lý nợ, đặc biệt là Tòa án Nhân dân các cấp, Tổng cục Thi hành án.
Ảnh minh họa |
Nhờ vậy, trong 3 năm từ năm 2013 đến năm 2015, Vietcombank đã xử lý được trên 28.000 tỷ đồng nợ xấu, bằng 130% kế hoạch được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Trong đó, Vietcombank đã tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp như phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, thu nợ trực tiếp khách hàng, sử dụng dự phòng để xử lý nợ xấu... khoảng 21.500 tỷ đồng và bán nợ xấu cho VAMC khoảng 6.460 tỷ đồng (NHNN phê duyệt là 3.133 tỷ đồng).
Tính đến 30/9/2016, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank là 1,66%, thấp hơn kế hoạch đăng ký với Đại hội cổ đông. Trong 9 tháng đầu năm 2016, kết quả thu hồi và xử lý nợ xấu tương đối khả quan, tổng số nợ xấu được xử lý trên 3.400 tỷ đồng, thu hồi nợ ngoại bảng đạt 1.255 tỷ đồng.
Hiện nay, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank thấp hơn chỉ đạo của NHNN (3%), tuy nhiên trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nợ xấu có khả năng còn gia tăng. Do vậy trong thời gian tới, Vietcombank sẽ tiếp tục quyết liệt thực hiện các giải pháp đã và đang thực hiện, góp phần vào sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống các TCTD.
Để tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu, Vietcombank có một số kiến nghị với Chính phủ, NHNN, VAMC, bộ và các cơ quan liên quan:
Thứ nhất, đối với thủ tục tố tụng và quy định liên quan khác sau khi thụ lý vụ án.
Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự (Điều 179) thì đối với các vụ án tranh chấp liên quan đến hoạt động của các TCTD, thời hạn chuẩn bị xét xử là 02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án (đối với những vụ án có tính chất phức tạp thì Chánh án Tòa án có thể gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng), tuy nhiên trên thực tế nhiều Tòa án không thực hiện đúng quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử mà Bộ luật Tố tụng dân sự (thời hạn chuẩn bị xét xử đối với các vụ án tranh chấp Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng bảo đảm tiền vay của các TCTD thường kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm) đưa ra.
Ngay cả khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, nhưng do bị đơn vắng mặt không có lý do, Tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa thì thời gian hoãn phiên tòa cũng không tuân thủ quy định pháp luật, việc trì hoãn phiên tòa nhiều lần, khiến cho thời gian giải quyết vụ án kéo dài rất lâu, không chỉ gây tốn kém về thời gian và chi phí của TCTD, mà còn kéo dài thời gian thu nợ khó đòi, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của TCTD.
Do vậy, Vietcombank kiến nghị Tòa án nhân dân Tối cao cần tiếp tục có văn bản chỉ đạo Tòa án nhân dân cấp địa phương (đặc biệt là tòa án nhân cấp quận, huyện, thị xã...) sớm giải quyết các vụ án tranh chấp liên quan đến hoạt động ngân hàng phù hợp với quy định về thủ tục tố tụng và quy định liên quan khác sau khi thụ lý vụ án.
Thứ hai, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần tiếp tục chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân các địa phương tăng cường giám sát việc tuân thủ pháp luật của Tòa án và cơ quan Thi hành án; và sớm có văn bản trả lời khi nhận được đơn khiếu nại của ngân hàng về việc Tòa án, cơ quan Thi hành án thực hiện chưa đúng quy định pháp luật; đồng thời có văn bản gửi Tòa án, cơ quan Thi hành án yêu cầu tuân thủ pháp luật trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình.
Thứ ba, đẩy mạnh hỗ trợ của Tổng cục thi hành án dân sự. Trong thời gian qua, Vietcombank và Tổng cục thi hành án dân sự đã có nhiều buổi làm việc về công tác thi hành án dân sự. Tiến độ xử lý nợ xấu qua thi hành án của Vietcombank trên nhiều địa bàn đã được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, Tổng cục thi hành án dân sự cần tiếp tục phối hợp với các TCTD rà soát, tổng hợp các bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án mà chưa được thi hành hoặc đang thi hành dở dang để có kế hoạch chỉ đạo cơ quan Thi hành án địa phương đẩy nhanh các vụ án còn tồn đọng, góp phần thu hồi nợ cho các TCTD, bổ sung nguồn vốn kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển. Việc này nên tổ chức thực hiện hàng quý.
Thứ tư, đối với việc thu giữ tài sản bảo đảm. Theo thực tế, cơ quan Công an mới chỉ có trách nhiệm giữ gìn an ninh, trật tự mà không có biện pháp hoặc chế tài để xử lý nếu bên giữ tài sản bảo đảm bất hợp tác, chây ỳ, trì hoãn không chuyển giao tài sản bảo đảm, vì vậy, TCTD rất khó thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm do bên bảo đảm thường bất hợp tác, tìm cách tẩu tán tài sản hoặc chây ỳ, trì hoãn việc chuyển giao tài sản bảo đảm.
Thêm vào đó, việc pháp luật chưa có quy định các biện pháp hoặc chế tài xử lý các đối tượng bất hợp tác, chây ỳ, trì hoãn việc chuyển giao tài sản cho TCTD để xử lý thu hồi nợ càng làm cho các TCTD càng khó khăn hơn trong thực hiện quyền thu giữ tài sản để xử lý nợ. Do vậy, Vietcombank kiến nghị các bộ, ban, ngành liên quan có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn, tạo điều kiện cho các TCTD thu hồi, thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý.
Thứ năm, các bộ, ngành liên quan cần xây dựng cơ chế, khuôn khổ pháp lý nhằm tạo lập một thị trường mua bán nợ phát triển và thu hút được nhiều đối tượng tham gia vào việc mua bán nợ. Việc khuyến khích, cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua bán nợ sẽ thu hút một nguồn vốn lớn, đẩy mạnh cạnh tranh giữa các bên trong thị trường. Ngân hàng Nhà nước cần có văn bản hướng dẫn cụ thể cách xác định giá bán nợ, nhằm giảm thiểu tối đa thời gian định giá khoản nợ, tăng cường năng suất xử lý nợ xấu, tránh rủi ro cho TCTD bán nợ.
Thứ sáu, việc ra đời của VAMC trong thời gian qua đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý nợ xấu của các TCTD. VAMC có vai trò cầu nối giữa việc điều tiết chỉ đạo của Chính phủ với việc xử lý nợ xấu của TCTD, nhờ đó TCTD có thể chủ động hơn trong công tác xử lý nợ xấu, dành nguồn lực và nguồn vốn phát triển các khách hàng mới tiềm năng.
Tuy nhiên thời gian qua, sau khi mua nợ, VAMC chưa phát huy được các thế mạnh của mình trong việc hỗ trợ các TCTD trong công tác xử lý và thu hồi các khoản nợ đã bán cho VAMC (thu giữ và xử lý phát mại tài sản bảo đảm, tìm đối tác mua bán nợ, khởi kiện khách hàng…).
Vì vậy, thời gian tới, đề nghị VAMC đẩy mạnh các quyền hạn này và các cơ quan liên quan (Tòa án nhân dân, cơ quan Thi hành án, chính quyền địa phương…), thực hiện các chức năng hỗ trợ như quy định của Chính phủ tại Nghị định 53. Nên có một cơ chế riêng cho VAMC nhằm trao quyền hơn trong việc phối hợp với các cơ quan ban ngành để VAMC có thể độc lập xử lý tài sản bảo đảm, chuyển nhượng, bán nợ mà không phải xin phép người đi vay.
Bên cạnh đó, VAMC cần phải nâng cao tiềm lực tài chính cũng như năng lực xử lý nợ xấu. Nghị định 34/2015/NĐ-CP ngày 31/3/2015 của Chính phủ đã cho phép VAMC nâng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, số vốn này vẫn còn tương đối khiêm tốn, làm hạn chế khối lượng cũng như giá trị các khoản nợ có thể được mua theo giá thị trường.
Hiện nay, theo quy định của Chính phủ, VAMC chỉ được mua nợ theo giá thị trường của các TCTD đối với nợ xấu nội bảng, trong khi hiện nay các TCTD có nhu cầu bán nợ theo giá thị trường đối với nợ đã xử lý ra ngoại bảng còn rất lớn. Vì vậy, Vietcombank kiến nghị Chính phủ, NHNN cho phép VAMC mở rộng phạm vi mua nợ theo giá thị trường, bao gồm cả nợ đã xử lý ra ngoại bảng và nợ đã bán cho VAMC nhận trái phiếu đặc biệt.