Có hay không có TPP: Việt Nam vẫn chủ động cải cách và hội nhập
Thiếu TPP không làm thụt lùi cải cách ở Việt Nam | |
Dệt may ứng phó ra sao khi TPP không có Mỹ? | |
Số phận TPP và kịch bản nào cho Việt Nam |
Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 1052 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số định hướng, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đa số thành viên Ủy ban này cho rằng, kết quả đạt được tuy có những mức độ khác nhau song về cơ bản đều cho thấy quyết tâm và nỗ lực chung của hệ thống các cơ quan Chính phủ để hướng tới hoàn thành những nhiệm vụ được đề ra.
Hội nhập kinh tế quốc tế đang chỉ ra các bất cập
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, do Nghị quyết mới trải qua một năm thực hiện nên một số nhiệm vụ mang tính chất dài hạn chưa đạt kết quả rõ rệt hoặc mới thu được kết quả bước đầu. Công tác hội nhập kinh tế ngoài nước tương đối tốt với việc chủ động đàm phán ký kết các FTA... nhưng việc triển khai công tác hội nhập trong nước còn yếu, chưa khai thác có hiệu quả các lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế.
Cần gia tăng năng suất lao động có hàm lượng tri thức và công nghệ cao |
Cụ thể, hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần làm bộc lộ những yếu kém cơ bản của nền kinh tế. Cơ cấu kinh tế và chất lượng tăng trưởng vẫn chưa được cải thiện về căn bản. Tăng trưởng của ta thời gian qua phần nhiều dựa vào các yếu tố như tín dụng, lao động rẻ mà thiếu sự đóng góp đáng kể của việc gia tăng năng suất lao động hay hàm lượng tri thức, công nghệ, hiệu quả đầu tư chưa được cao như mong muốn, chậm đổi mới.
Việc thu hút các dự án FDI tăng về số lượng, nhưng chất lượng chưa đảm bảo, công nghệ chưa tốt, đặc biệt công nghệ trong những lĩnh vực Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng. Còn có những dự án đầu tư hàm chứa tiêu cực về môi trường, sinh thái...
Cùng với đó, sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm của ta mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn yếu so với các nước, kể cả các nước trong khu vực. Các ngành kinh tế, các doanh nghiệp mang tính mũi nhọn, có khả năng vươn ra chiếm lĩnh thị trường khu vực và thế giới chưa nhiều, chưa có khả năng đi đầu, kéo các ngành, các doanh nghiệp khác cùng phát triển. Một số sản phẩm đã bắt đầu gặp khó khăn trong cạnh tranh, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu có xu hướng giảm, cơ cấu hàng xuất khẩu còn nghèo nàn, tập trung vào các mặt hàng nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép…
“Cùng với quá trình phát triển, đã xuất hiện các điểm “cổ chai” về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực... gây cản trở cho quá trình phát triển”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thẳng thắn thừa nhận.
Đồng tình với nhận định này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết thêm là khả năng nhận định, đánh giá và dự báo xu thế chưa cao. Các vấn đề về xây dựng cơ chế nhận biết, cảnh báo sớm tác động trong các lĩnh vực hội nhập kinh tế trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới nhìn chung còn yếu. Công tác tham mưu, tư vấn chính sách còn nhiều hạn chế.
Tương lai của TPP khó đoán
Tại phiên họp của UBTVQH ngày 21/12 bàn thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều ý kiến vẫn còn tỏ ý băn khoăn về tương lai của TPP và phương án của Chính phủ sẽ ra sao.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, tương lai của TPP là điều khó đoán định và phải chờ đến sau 20/1/2017, khi Tổng thống Mỹ nhậm chức và công bố chính sách thương mại, đối ngoại của Mỹ ra sao thì mới có thể biết chính xác về Hiệp định này. Phó Thủ tướng cũng thông tin thêm rằng, đầu tháng 1 tới, Thủ tướng Nhật Bản sẽ sang thăm Việt Nam và một trong các mục tiêu là vận động Việt Nam sớm phê chuẩn TPP, để cùng các nước đã phê chuẩn gia tăng áp lực với Hoa Kỳ.
“Chính phủ xác định, dù có hay không có TPP thì Việt Nam vẫn chủ động cải cách và hội nhập sâu vì các Hiệp định chúng ta ký với EU và nhiều quốc gia khác, nhiều tiêu chuẩn cũng tương đồng với TPP. Chính phủ đang rà soát lại để trình Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật trong vòng 3- 5 năm tới”, ông Huệ nói.
Báo cáo của Chính phủ tại phiên họp này cho biết, Việt Nam đã tham gia đàm phán các FTA với các đối tác có chọn lọc và ưu tiên các nước có cơ cấu kinh tế bổ sung cho cơ cấu kinh tế nước ta, có khả năng chuyển giao công nghệ cao, thị trường tiềm năng lớn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam hoặc có nguồn nguyên, vật liệu đầu vào phù hợp cho nhu cầu phát triển kinh tế.
Tính đến nay, đã ký kết và thực thi 10 FTA, trong đó 6 FTA ký kết với tư cách là thành viên ASEAN; 4 FTA ký kết với tư cách là một bên độc lập. Đã kết thúc đàm phán FTA với Liên minh châu Âu vào ngày 2/12/2015 và hai bên đang trong quá trình rà soát pháp lý để tiến tới ký kết. Các bộ, ngành cũng đã và đang tích cực triển khai đàm phán 4 FTA khác gồm: Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA ASEAN - Hồng Kông, FTA với Israel và FTA với Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA).
Về TPP, Việt Nam và 11 nước đối tác đã hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào ngày 4/2/2016. Sau khi hiệp định được ký kết, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành rà soát pháp lý TPP và hiện đang tiếp tục rà soát pháp luật đảm bảo thực thi TPP, đề xuất phương án điều chỉnh pháp luật cụ thể phù hợp với lộ trình và yêu cầu của TPP.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ phải nỗ lực hơn trong thời gian tới khi đàm phán hội nhập quốc tế khá thành công, nhưng hội nhập trong nước chưa tương thích. Tâm thế chuẩn bị hội nhập còn hạn chế nên chưa khai thác hết các cơ hội và vượt qua các thách thức. Điển hình như trong phòng vệ thương mại, một mặt hội nhập, một mặt phải chủ động ngăn những gì bất lợi từ bên ngoài vào. Nhưng thực tế, chúng ta rất lúng túng, nhiều nội dung phòng vệ thương mại còn bất cập, chưa phù hợp thông lệ quốc tế và yêu cầu trong nước…
Sẽ nghiên cứu mô hình ban chỉ đạo hội nhập hiệu quả hơn Trả lời câu hỏi của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về việc trong hội nhập quốc tế hiện nay, khâu nào là yếu nhất, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thẳng thắn cho biết, yếu nhất là khâu tổ chức thực hiện, chỉ đạo phối hợp liên ngành để làm sao rút ngắn được khoảng cách giữa văn bản pháp luật với thực thi của cơ quan công quyền, công chức. Hội nhập quốc tế hiện nay có Ban chỉ đạo chung do Thủ tướng đứng đầu, phân thành 3 mảng chuyên ngành do 3 ban chỉ đạo nhưng việc phối hợp còn lúng túng. Tới đây, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu cho phù hợp để hoạt động hiệu quả hơn. |