Thiếu TPP không làm thụt lùi cải cách ở Việt Nam
Dệt may ứng phó ra sao khi TPP không có Mỹ? | |
Số phận TPP và kịch bản nào cho Việt Nam | |
Vắng TPP, dòng thương mại tự do vẫn không ngừng chảy |
Ông Võ Trí Thành |
Cải cách trong nước về cơ bản là một vấn đề nội tại, vấn đề tự thân của nền kinh tế. Đây là quan điểm của TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương.
Theo ông, việc TPP dừng hay bị trì hoãn lại, hoặc sẽ tiến triển theo cách thức khác đi sẽ tác động như thế nào đến Việt Nam?
Sẽ không có TPP nữa hay vẫn có nhưng với những phương án khác đi, hoặc TPP sẽ mất một thời gian dài nữa mới có hiệu lực? Hiện đây vẫn là một câu hỏi lớn. Đi kèm với các kịch bản ấy sẽ là những tác động khác nhau đến kinh tế Việt Nam.
Trong một kịch bản “xuôi chèo, mát mái”, mọi người vẫn kỳ vọng TPP sẽ là một chất xúc tác và có thể tác động rất có ý nghĩa đối với Việt Nam trên các khía cạnh lớn như: Thúc đẩy xuất khẩu, thương mại và nhiều hoạt động kinh tế khác liên quan; Thúc đẩy hoạt động đầu tư; Tạo nên một chất xúc tác cho việc thúc đẩy cải cách, nhất là cải cách thể chế; Thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác trên nhiều mặt giữa Việt Nam với Mỹ và nhiều nước khác trong TPP.
Điều mà chúng ta có thể làm là tiếp tục các nỗ lực cải cách và quyết tâm hội nhập để mở thêm những chân trời mới |
Nhưng điều đó tựu trung lại có nghĩa là gì? Đó là TPP sẽ mang lại một giá trị “Delta” - là phần bổ sung tăng thêm rất có ý nghĩa trên những khía cạnh đề cập trên và đây là điều mà chúng ta kỳ vọng. Nhưng thực tế ngay cả khi chưa tồn tại một TPP trong thực tế thì trên cả bốn khía cạnh đó, trong quan hệ của Việt Nam với thế giới, nhất là quan hệ Việt Nam Mỹ cũng đã có rồi và thậm chí đang có những chiều cạnh được tăng cường.
Ví dụ với Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA, ký năm 2000) đã đóng góp rất mạnh vào nâng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ cũng như việc cải thiện đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tất nhiên trong quá trình đó còn có đóng góp của WTO cũng như nhiều hiệp định khác và quan trọng hơn hết là những cải cách bên trong của chúng ta. Cho nên, nếu Việt Nam tận dụng tốt và hiệu quả những hội nhập đã có, chưa nói đến Việt Nam hiện nay đã, đang và sẽ tham gia vào 15 FTA (chưa kể TPP) thì cơ hội vẫn không nhỏ.
Tức là nếu nhìn TPP chỉ như một giá trị “Delta bổ sung tăng thêm” thì việc không tồn tại một hiệp định như vậy cũng sẽ chẳng mất đi một ý nghĩa lớn nào trên thực tế?
Không phải như vậy. Ngay cả trong trường hợp TPP không có hiệu lực theo lộ trình dự kiến hay phải triển khai theo một cách thức khác thì TPP vẫn có ý nghĩa nhất định. Không phải ngẫu nhiên mà có khá nhiều nước dù chưa tham gia hoặc khả năng tham gia TPP là không cao vẫn nghiên cứu TPP một cách rất cặn kẽ. Lý do vì TPP không chỉ là một hiệp định chất lượng cao mà trong TPP còn phản ánh những vấn đề thương mại mới do những yêu cầu về sản xuất, kinh doanh trong khu vực và trên thế giới đòi hỏi.
TPP dù chưa phải là hoàn hảo nhưng đã đặt ra những vấn đề như vậy và đây cũng là những vấn đề mà mỗi nước phải suy tính, cải cách để thích ứng. Nó phản ánh những xu thế mới của thương mại và đầu tư toàn cầu mà dù muốn hay không, mỗi nước sẽ phải chấp nhận và đáp ứng theo. Ví dụ như liên quan đến giao dịch số, thương mại điện tử, các tiêu chuẩn về môi trường, lao động, minh bạch…
Hơn nữa, những vấn đề được đề cập trong đàm phán và ký kết TPP chắc chắn cũng sẽ được đặt ra và cân nhắc trong nhiều hiệp định đang và sẽ đàm phán khác như RCEP hiện nay, đặc biệt trong việc định hình các cơ chế, nỗ lực kết nối, hội nhập và tự do hóa của khu vực và thế giới. Như vậy, có thể xem TPP được tạo ra như một hình mẫu mà mỗi nền kinh tế hay giữa các nước với nhau đều cần nhìn vào để tự điều chỉnh mình và xem xét, cân nhắc trong các hợp tác tương lai. Đấy chính là ý nghĩa và tác dụng của TPP.
Ý ông là không nên lo ngại nỗ lực cải cách thể chế sẽ bị ngăn lại bởi khả năng TPP bị trì hoãn hoặc thậm chí sẽ dừng hẳn?
Tất nhiên là nếu có TPP hay có các hiệp định chất lượng cao khác sẽ góp phần thêm thúc đẩy quá trình cải cách ở Việt Nam vì đó là những cam kết anh phải thực thi nghiêm túc. Tuy nhiên cần hiểu rằng, hội nhập gắn với cải cách nhưng mà cải cách trong nước về cơ bản là một vấn đề nội tại của nền kinh tế, là vấn đề tự thân của anh.
Theo nghĩa đó, dù có hay không thì nó vẫn là yêu cầu tự thân và anh phải thực thi. Như vậy, vấn đề cải cách trước hết phụ thuộc vào ý chí, quyết tâm và cách làm. Hơn nữa, giả định là chưa có TPP thì với BTA với Hoa Kỳ hay với 15 cái FTA đã, đang và sẽ làm thì chúng ta vẫn còn rất nhiều dư địa để cải thiện thêm.
Tất nhiên chúng ta kỳ vọng nhiều vào cái Delta mà TPP mang lại nhưng giờ cái Delta ấy không có thì nó có thể chưa mang lại như chúng ta mong muốn trong ngắn hạn hoặc là trung hạn và thậm chí có một số chi phí phát sinh (phí tổn) do những khoản đã đầu tư, những khoản chi phí giao dịch để đón đầu TPP…
Thế nhưng, tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là xu thế hội nhập, xu thế kết nối là không thể ngăn cản. Nó có thể gồ ghề, có thể nhanh chậm nhưng là tất yếu. Điều quan trọng nữa là những hiệp định như vậy giúp mình nhận ra chính mình, nắm bắt được vấn đề đòi hỏi mới để mình cải cách.
Bên cạnh cái đó, nếu cải cách được thúc đẩy tốt thì vẫn còn nhiều cơ hội hội nhập để mình vận dụng tốt, thích nghi nhanh và như vậy thì dù không có cái Delta ấy thì có nhiều cái Delta khác để mình khai thác. Một điểm nữa cũng rất quan trọng là Việt Nam sẽ giữ vai trò chủ nhà của APEC năm tới. Thế thì mặc dù mình là nước nhỏ, còn nhiều điểm yếu nhưng cách làm, nỗ lực và tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế có những vai trò rất quan trọng, khẳng định nỗ lực quyết tâm cải cách gắn với hội nhập.
Ông vừa nói đến câu chuyện đầu tư và phí tổn, chi tiết hơn là gì?
Đơn giản thế này thôi. Ví dụ bạn là nhà đầu tư và vừa qua đã đầu tư vào để đón lõng, tận dụng những cơ hội TPP đem lại nhưng các cơ hội ấy giờ lại đang là một dấu hỏi thì sẽ phải tính lại để làm sao có thể giảm thiểu được phí tổn ấy hoặc làm sao để tận dụng được những điều kiện khác với tất cả chiều cạnh và những thông số mới.
Đấy là chưa nói đến cái bối cảnh bên ngoài, ví dụ như dòng vốn có thể quay lại Mỹ do đồng USD lên giá, do chính sách của ông Trump có thể tạo ra những điều kiện thu hút đầu tư quay ngược lại nước Mỹ… tức là có nhiều yếu tố khách quan không phụ thuộc vào mình. Nhưng điều mà chúng ta có thể làm là tiếp tục các nỗ lực cải cách và quyết tâm hội nhập để mở thêm những chân trời mới. Thế thì ở đây, vai trò rất quan trọng là nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách tiếp tục của Việt Nam để NĐT cả trong và ngoài nước thấy Việt Nam vẫn là nơi hấp dẫn.
Xin cảm ơn ông!