CSTT thận trọng giúp lạm phát cơ bản giảm, hứa hẹn vĩ mô ổn định hơn
Tính đến hết quý 1, tín dụng tăng 4,0% cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế có dấu hệu tăng |
Báo cáo của VEPR cho biết, sau giai đoạn tăng giá liên tiếp từ đầu năm 2016, lạm phát đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong quý 1/2017. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng sau khi tăng 5,22% (yoy) vào cuối tháng 1 đã giảm xuống mức 4,65% (yoy) vào cuối quý.
“Lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt trong quý 1, hứa hẹn một môi trường vĩ mô ổn định hơn trông năm 2017”, TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc VEPR cho biết. Tuy nhiên theo ông, lạm phát thấp chủ yếu do yếu tố giá cơ bản. Theo đó, lạm phát cơ bản đã giảm từ mức 1,88% (yoy) trong tháng 1 xuống còn 1,51% và 1,6% (yoy) trong tháng 2 và tháng 3.
Cũng theo Báo cáo này, việc lạm phát cơ bản giảm một phần cũng nhờ việc điều hành chính sách tiền tệ thận trọng của NHNN. Dẫn báo cáo của NHNN Việt Nam để minh chứng cho nhận định này, VEPR cho biết, tổng phương tiện thanh toán trong ba tháng đầu năm tăng 3,52% so với cuối năm 2016, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo VEPR, tín dụng trong quý 1 đạt mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, tăng 4,0% so với cuối năm 2016. “Mức tăng này cho thấy sự hấp thụ vốn của các doanh nghiệp có dấu hiệu tăng”, Báo cáo của VEPR nhận xét.
Tuy nhiên, cũng theo báo cáo, tăng trưởng huy động chỉ ở mức thấp đã tạo ra chênh lệch giữa huy động và tín dụng và điều này có thể là nguyên nhân khiến lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại mức trung bình của nửa đầu năm, dao động quanh ngưỡng 2-5%.
Mặc dù lãi suát huy động trong quý 1 biến động nhẹ, song theo Báo cáo của VEPR, chủ yếu đối với các gói huy động trung, dài hạn tại các NHTM nhỏ và nguyên nhân sâu xa là để đáp ứng yêu cầu của Thông tư 06/2016/TT-NHNN.
Cụ thể, theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN, tỷ lê ̣ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn đã giảm xuống còn 50% kể từ đầu năm 2017. Điều này gây ra áp lực thay đổi cơ cấu nguồn huy động, đặc biệt đối với các NHTM nhỏ