Cú huých tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên | |
Lãi suất - Điểm sáng trong bức tranh tiền tệ |
Ông Cao Sỹ Kiêm |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao NHNN Việt Nam xem xét chỉ đạo, khuyến khích các NHTM nghiên cứu dành một gói tín dụng khoảng 100 nghìn tỷ đồng để cho vay hỗ trợ các DN, các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp sạch với điều kiện ưu đãi hơn so với các khoản cho vay thông thường. Theo đánh giá của TS. Cao Sỹ Kiêm, đây là chủ trương rất đúng của Chính phủ.
Vì sao cần có gói tín dụng quy mô lớn như vậy, thưa ông?
Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (NNNT) được coi là bệ đỡ phát triển đất nước, trong khi đầu tư vào khu vực này, nhất là khoa học kỹ thuật cao chưa đúng yêu cầu thực tế, giá trị gia tăng của lĩnh vực này vì thế còn thấp. Trong bối cảnh kinh tế đang khởi sắc, cùng với quyết tâm triển khai Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ 12, và dư địa lĩnh vực này nhiều tiềm năng chưa được khai thác.
Do đó chủ trương đưa ra gói tín dụng dành cho nông nghiệp công nghệ cao với quy mô lớn như vậy là cần thiết. Đây cũng là đối tượng nằm trong nhóm được ngành NH ưu tiên đầu tư nên ít nhiều chúng ta đã có kinh nghiệm hữu ích, việc triển khai gói tín dụng quy mô lớn như chỉ đạo của Thủ tướng sẽ không gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ tới từng bộ ngành có liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, NHNN, Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Tài nguyên & Môi trường… gói tín dụng sẽ đi vào cuộc sống nhanh chóng, hiệu quả hơn và chắc chắn tạo cú huých góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp thành công. Qua đó, thu hút thêm được nhiều nguồn vốn đầu tư của các DN trong nước cũng như nước ngoài vào lĩnh vực này, giảm áp lực vốn cho ngành NH vẫn đang giữ vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển NNNT.
Nông nghiệp vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo ông cần có cơ chế hỗ trợ ra sao để các NH mạnh dạn đầu tư vốn giá rẻ?
Để các NH mạnh dạn tham gia gói tín dụng này, tôi nghĩ rằng, khả năng Chính phủ hỗ trợ về mặt kinh tế chắc là không, mà có thể là hỗ trợ bằng các chính sách khác như đơn giản hóa thủ tục hành chính, Chính phủ làm cầu nối giữa DN và NH thông qua hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng…
Phải khẳng định là dư địa cho vay lĩnh vực nông nghiệp khá tiềm năng. Nhưng đây là lĩnh vực khá rủi ro nên các NH cho vay cũng phải chấp nhận rủi ro mức độ cao hơn. Nếu tính toán như các đối tượng khác thì việc cho vay hoàn toàn khó khăn.
Tôi nghĩ rằng, các NH tham gia sẽ tự cân đối, hạch toán cụ thể, lấy khoản nọ bù đắp khoản kia, thu xếp bố trí vốn… Đây không chỉ là định hướng của Chính phủ, NHNN mà phục vụ cho bản thân NH trên cơ sở kế hoạch kinh doanh, nhu cầu của họ.
Tất nhiên, để tái cơ cấu nền nông nghiệp đầu tư vốn chỉ là một vấn đề, cùng với đó còn phải có sự phối hợp triển khai đồng bộ nhiều chính sách khác như chính sách để thu hút, mời gọi các thành phần khác tham gia đầu tư nông nghiệp; tổ chức lại sản xuất; liên kết DN theo giá trị ngành hàng; hình thành thị trường bảo hiểm nông nghiệp; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ đồng thời nâng cao trình độ kỹ thuật cho cán bộ để có thể vận hành được máy móc hiện đại…
Nếu đầu tư vốn quá nhiều vào lĩnh vực này liệu có làm mất cân đối cơ cấu lĩnh vực ngành nghề trong nền kinh tế không, thưa ông?
Tôi nghĩ là không. Thực tế dư địa khai thác lĩnh vực này còn nhiều mà nông nghiệp vẫn luôn được coi là bệ đỡ phát triển nền kinh tế, vì thế, đầu tư lớn vào khu vực này hoàn toàn phù hợp. Còn đối với các NH đều có chiến lược kinh doanh cân đối nguồn vốn, điều kiện, trình độ, cách thức quản lý để đảm bảo đồng vốn đầu tư vào đâu để phát huy hiệu quả.
Mặt khác các NH rút kinh nghiệm sâu sắc từ bài học giai đoạn trước đây khi ồ ạt bơm vốn vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro để nợ xấu tăng cao. Về phía cơ quan quản lý, NHNN định hướng chỉ đạo nhưng giám sát khá chặt chẽ dòng vốn tín dụng của các NH nên không lo xảy ra mất cân đối về cơ cấu tín dụng.
Xin cảm ơn ông!