Lãi suất - Điểm sáng trong bức tranh tiền tệ
Lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội là 5%/năm | |
2017: Kỳ vọng cho lãi suất | |
Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng: Kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô |
“Quản” lãi suất thành công
Còn nhớ, đầu năm 2016, khi chúng tôi đến chúc Tết một lãnh đạo DN, vị này rất phấn khởi chia sẻ, trong hai năm trở lại đây, nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía NH, đặc biệt trong giai đoại kinh tế suy thoái, NH đã giúp DN giảm rất nhiều chi phí tài chính, vượt qua khó khăn, kinh doanh hiệu quả... Nhưng khi bàn đến dự định kinh doanh cả năm, giọng ông chùng xuống vẻ đầy lo lắng khi nói về tình hình kinh tế vĩ mô, câu chuyện lãi suất nhiều khả năng sẽ tăng và ảnh hưởng đến “niêu cơm” của mình.
“Mặt bằng lãi suất hiện tại, có thể DN tôi chịu được nhưng với nhiều DN khác thì vẫn đang ngoài tầm với của họ. Vì thế, nếu lãi suất huy động tiếp tục tăng, đồng nghĩa với nguy cơ lãi suất cho vay tăng theo. Mà như bạn biết, các DN vẫn phụ thuộc phần lớn vào nguồn vay NH”- ông nói. Khi đó, không chỉ DN mà nhiều chuyên gia cũng dự báo sức ép lên mặt bằng lãi suất trong năm là rất lớn, khả năng lãi suất tăng rất dễ xảy ra…
Và cũng ngay từ đầu năm 2016 rất nhiều dự báo, lo ngại, thậm chí một công ty chứng khoán đã có riêng một chuyên đề về lãi suất với tiêu đề như: cửa tăng lãi suất vào năm 2016 đang lớn dần. Những yếu tố đe dọa lãi suất tăng được “liệt kê”: Cầu tín dụng của nền kinh tế cao làm tăng nhu cầu huy động vốn; Lạm phát kỳ vọng ở mức cao hơn so với 2015; Fed chủ trương tăng dần lãi suất USD và điều này phần nào làm giảm sức hấp dẫn của việc nắm giữ VND… Trước những sức ép như vậy, nhiều ý kiến hoài nghi không biết nhà điều hành sẽ xoay xở thế nào để “quản” được lãi suất.
Hơn ai hết nhà điều hành cũng cảm nhận rõ nhất điều này khi trong nhiều năm, công cụ lãi suất luôn phải đảm nhiệm trọng trách vừa đảm bảo ổn định tỷ giá, đảm bảo thanh khoản cho TCTD, chống đô la hóa… vừa phải làm sao hỗ trợ được cho DN vay lãi suất thấp. Để “trấn an” thị trường, ngay từ đầu năm NHNN đã ban hành một loạt văn bản, từ Chỉ thị 01, rồi đến 04, 05 với nhiều chính sách mạnh mẽ khẳng định thông điệp: hệ thống NH sẽ giữ mặt bằng lãi suất ổn định hỗ trợ DN, nền kinh tế.
Để thực hiện được, bên cạnh biện pháp cứng rắn, yêu cầu các TCTD nghiêm túc trong việc tiết giảm chi phí, xử lý nợ xấu... có thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay. NHNN xác định sử dụng linh hoạt các công cụ tiền tệ hỗ trợ các TCTD. Trong điều hành hàng ngày, thông qua thị trường mở, NHNN điều tiết lãi suất hợp lý để đạt được mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất và ngăn xu hướng điều chỉnh tăng lãi suất. Nhờ đó, giúp cho các TCTD dễ dàng tiếp cận vốn trên thị trường liên NH với mức lãi suất tương đối thấp để không phải tăng lãi suất huy động trên thị trường 1. Nhưng vẫn phải cân đối lãi suất điều hành ở mức hợp lý để hỗ trợ cho phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP)…
Sau những nỗ lực toàn hệ thống, thị trường ghi nhận những chuyển động tích cực. Nhiều NH giảm lãi suất huy động. Và đến trung tuần tháng 10/2016, đã diễn ra một đợt giảm lãi suất cho vay VND khá mạnh không chỉ ở các NHTM lớn mà cả ở khối NHTMCP như HDBank, LienVietPostBank... Chưa kể, sự thành công trong điều hành lãi suất của NHNN đã hỗ trợ cho Bộ Tài chính hoàn thành kế hoạch phát hành TPCP sớm với lãi suất thấp hơn nhiều so với dự định.
Về phía các DN, đến thời điểm này, vị CEO trên cũng thở phào nhẹ nhõm chia sẻ, DN ông tiếp tục được tiếp cận vốn mức lãi suất tốt nhất của NH khi vay USD chỉ từ 1,7 – 2,2%/năm, vay bằng VND lãi suất còn dưới 5%/năm. Việc giữ ổn định lãi suất cho thấy, lời hứa của NH không phải là lời hứa suông. Qua đó củng cố niềm tin của DN ông nói riêng và nhiều DN khác nói chung.
Gánh nặng “ghìm cương” lãi suất
Nhìn lại một năm qua, theo đánh giá của một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, lãi suất là một trong những điểm sáng trong bức tranh tiền tệ. Lãi suất giảm, nhất là giảm vào thời điểm cuối năm ngay cả khi lạm phát có xu hướng tăng là điều chưa từng xảy ra trong vài năm trở lại đây.
Chính sự kiên định và chủ động trong điều hành chính sách đã giúp NHNN thành công trong việc “ghìm cương” lãi suất trong năm 2016. Sức hấp dẫn, niềm tin vào đồng VND được củng cố, phản ánh qua nguồn tiền gửi VND vào hệ thống NH vẫn tiếp tục tăng trong khi tăng trưởng huy động vốn ngoại tệ giảm mạnh. Theo số liệu ước tính của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, đến cuối năm 2016, nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng 19% so với cuối năm 2015.
Dù để lại những dấu ấn đậm nét trong bức tranh tiền tệ năm 2016, nhưng thử thách chông gai còn rất lớn đối với nhà điều hành khi lãi suất tiếp tục được nhận định là vấn đề khó khăn nhất trong năm 2017. Tỷ giá được xem là nhân tố tác động mạnh đến lãi suất khi trên thế giới diễn biến cả về kinh tế, chính trị ngày càng trở nên khó lường, nhất là chính sách của Mỹ về đồng USD vẫn chưa thể dự báo được.
Sự kiên định và chủ động trong điều hành chính sách đã giúp NHNN thành công trong việc “ghìm cương” lãi suất trong năm 2016. |
Nhận diện khó khăn phía trước, nhưng để nền kinh tế nói chung, DN nói riêng tiếp tục có mức tăng trưởng tốt trong năm 2017, NHNN khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành lãi suất linh hoạt, ổn định được mặt bằng lãi suất cơ bản và cố gắng phấn đấu giảm được mặt bằng lãi suất trung và dài hạn như chỉ đạo của Chính phủ...
Theo đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, với kinh nghiệm điều hành ngày càng nhuần nhuyễn hơn, khả năng giữ ổn định lãi suất vẫn có thể thực hiện được. Cách giảm áp lực lãi suất được vị này gợi mở: NHNN nên có chính sách điều tiết tiền tệ hợp lý. Có thể là tăng cung ứng tiền đồng, mua ngoại tệ hoặc tăng tái cấp vốn cho NH cần như tái cấp vốn bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB)… Dĩ nhiên, việc bơm tiền ra lưu thông phải có giới hạn, liều lượng phù hợp để không tạo sức ép lên lạm phát. Nếu làm tốt các giải pháp trên, khả năng giữ được lãi suất ổn định là khả thi.
Cũng bởi sự bất định trong chính sách của các nước lớn trên thế giới ngày càng tăng, một chuyên gia NH đưa ra khuyến nghị: để “giữ” lãi suất tốt hơn, NHNN nên xây dựng nhiều kịch bản có thể chủ động ứng phó trước những quyết sách mới nhất là của tân Tổng thống Mỹ… Nhưng ông cũng lưu ý, lãi suất là công cụ quản lý tầm vĩ mô và Việt Nam đang định hướng kinh tế thị trường nên phải để mọi thứ phản ánh theo thị trường, chứ không nên quá gò ép. Vấn đề là nhà quản trị chủ động “quản” lãi suất chứ tuyệt đối không đi xử lý tình huống. Lãi suất có lúc tăng, lúc giảm nhưng phải đảm bảo luôn trong tầm kiểm soát của nhà điều hành.
Và để đảm bảo giá vốn hợp lý cho nền kinh tế, rất nhiều ý kiến đề xuất không chỉ mình chính sách tiền tệ thực hiện được, mà còn phụ thuộc nhiều vào chính sách tài khóa. Nếu Chính phủ không tăng kỷ luật ngân sách, tiếp tục bội chi, phải phát hành trái phiếu với lãi suất cao để bù đắp thì dù NH có cố gắng mấy cũng không thể giữ được ổn định lãi suất.