Cửa cho tín dụng đen sẽ bị thu hẹp
Nhức nhối tín dụng đen
Tín dụng đen (TDĐ) đang là vấn đề nhức nhối gây bức xúc trong xã hội thời gian gần đây. Những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến TDĐ diễn biến phức tạp, diễn ra khắp nơi từ thành thị đến nông thôn.
Thượng tá Lại Quang Huấn, Phó trưởng Phòng 6, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cũng thừa nhận, những đối tượng này sử dụng các thủ đoạn rất tinh vi như: Thông qua hình thức từ phát tờ rơi, treo áp phích nơi công cộng đến sử dụng mạng xã hội hoặc núp bóng dưới hình thức cửa hàng cầm đồ, công ty tư vấn đầu tư, dịch vụ tài chính… thời gian cho vay nhanh, thủ tục vay đơn giản, thường không quy định lãi suất mà tính số tiền lãi phải trả hằng ngày. Việc không hiểu về cách tính lãi suất lập lờ khiến con nợ rơi vào vòng xoáy “lãi mẹ đẻ lãi con”, tiền lãi thậm chí gấp hàng trăm lần tiền vay gốc. Cũng có một bộ phận người dân dù biết lãi suất cao nhưng vì túng quá làm liều nên vẫn vay TDĐ. Cái giá phải trả khi người vay không trả nợ đúng thời hạn sẽ bị các đối tượng này khủng bố với nhiều hành vi nguy hiểm.
Bên cạnh đó, các quy định pháp luật hình sự, hành chính và dân sự về xử phạt hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động TDĐ chưa cụ thể, rõ ràng và nghiêm khắc. Đối tượng vay TDĐ thường là những người làm nghề tự do, không có tài sản thế chấp, không có mục đích vay vốn chính đáng hoặc do sống ở nông thôn, ít giao tiếp nên ngại tiếp xúc với nhân viên ngân hàng. Mặt khác, TDĐ là hoạt động ngầm nên việc quản lý và nắm bắt thông tin gặp rất nhiều khó khăn, nhiều vụ việc chỉ khi đổ bể mới bị phát hiện.
Thời gian qua, NHNN đã phối hợp với cơ quan công an, các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương xử lý 218 vụ việc liên quan đến tín dụng đen tại 16 tỉnh, thành phố, với tổng số tiền khoảng 117 tỷ đồng. Về vấn đề này, một lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cũng thừa nhận, trong quá trình đấu tranh, triệt phá các ổ nhóm cho vay nặng lãi… lực lượng công an các tỉnh, thành phố cũng gặp nhiều khó khăn, bất cập như nhiều nạn nhân bị các đối tượng khống chế, đe dọa cho nên không dám tố cáo.
Mạnh tay trấn áp
Những hệ lụy mà TDĐ gây ra đang ảnh hưởng lớn tới an ninh, trật tự xã hội và đời sống kinh tế. Chính vì vậy, tại cuộc họp thường kỳ của Chính phủ đầu tháng 12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có biện pháp quyết liệt để loại trừ tình trạng này.
Nhằm chung tay hạn chế vấn nạn TDĐ, NHNN luôn khuyến khích các TCTD mở rộng mạng lưới về khu vực nông thôn để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân. Bên cạnh đó NHNN cũng khuyến khích các công ty tài chính nhằm đẩy mạnh cho vay tiêu dùng tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần hạn chế tình trạng TDĐ.
Đặc biệt, mô hình xe ngân hàng lưu động của Agribank đã và đang triển khai rất hiệu quả, hiệu ứng chính sách rất tích cực. Lãnh đạo Agribank cho biết, từ đầu năm 2018, Agribank chính thức triển khai Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng với 30 xe tại 30 chi nhánh trong đó nhiều xe đã tới các điểm được đánh giá là điểm nóng TDĐ.
Minh chứng cho điều này, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn luôn tăng cao hơn mức chung toàn hệ thống. Tính đến thời điểm này, tín dụng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng hơn 15% cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn Ngành.
Một chính sách được ngành Ngân hàng kỳ vọng đẩy lùi TDĐ đó là Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Thay đổi đáng chú ý của Nghị định này là nâng mức cho vay tối đa không có tài sản đảm bảo của một số đối tượng khách hàng lên gấp 2 lần hạn mức cho vay tối đa cũ. Cụ thể, cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng. Còn cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), việc một hộ gia đình ở nông thôn được vay tới 200 triệu đồng mà không phải thế chấp được coi là bước đột phá trong hoạt động tín dụng. Bởi mức vốn trên hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu sản kinh doanh cho hộ gia đình.
Ông Hùng cho biết thêm, thời gian tới NHNN yêu cầu các ngân hàng tiếp tục nghiên cứu cải cách, đơn giản hóa thủ tục cho vay, phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng phù hợp từng đối tượng khách hàng. Trong đó phải công khai, minh bạch các mức lãi suất, phí cho vay, đồng thời chủ động tiếp cận và hướng dẫn người dân về thủ tục vay vốn. Bên cạnh đó, NHNN sẽ yêu cầu một số ngân hàng chủ lực trên địa bàn nông thôn như Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội tích cực phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên trên địa bàn triển khai mạnh một loạt chương trình tín dụng như cho vay xuất khẩu lao động để làm sao giúp cho con em của họ đi lao động ở nước ngoài mà không phải vay ở ngoài. Các QTDND cũng phải vào cuộc mạnh mẽ hơn cho vay khu vực nông thôn…
Tuy nhiên, để đẩy lùi TDĐ, không thể một mình hệ thống ngân hàng mà đòi hỏi phải có sự vào cuộc của toàn xã hội. Nhất là có chế tài đủ mạnh để răn đe đối với đối tượng này. Về phần mình, lãnh đạo Bộ Công an cho biết, Bộ sẽ mở đợt cao điểm trấn áp tội phạm, trong đó có liên quan đến tội phạm TDĐ. “Chúng tôi tập trung tổng rà soát tiệm cầm đồ, công ty cho vay tài chính cả có phép và không phép để từ đó phân công, phân cấp quản lý, đấu tranh, phối hợp với chi nhánh NHNN ở các địa phương, các sở, ngành liên quan kiểm tra, xử lý, thu hồi giấy phép hoạt động cơ sở vi phạm”, vị lãnh đạo trên cho hay.