Đã huy động vàng, ngoại tệ cho phát triển
|
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, chủ trương chống đô la hóa và vàng hóa đã được ngành Ngân hàng thực hiện rất quyết liệt trong thời gian qua do thấy được những hệ lụy trước đây đã ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Ở giai đoạn giá vàng thế giới tăng cao trước đây, nhiều thời điểm tác động vào thị trường tiền tệ trong nước rất bất thường do tình trạng vàng hóa cao. Theo đánh giá ban đầu, nền kinh tế Việt Nam tồn tại khoảng 300-400 tấn vàng. “Do vậy, khoảng 15-20 tỷ USD đã không được đẩy vào hoạt động kinh tế”, Thống đốc bình luận.
Trong khi đó, những lúc giá vàng biến động mạnh trước đây đã ảnh hưởng đến tỷ giá qua các lần nhập khẩu vàng, tiếp tục vòng ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu nói chung và gián tiếp ảnh hưởng tới lạm phát tăng cao trong những năm vừa qua, tạo ra bất ổn kinh tế vĩ mô.
Trước tình hình đó, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng, chống USD hóa và vàng hóa.
Đề án chống vàng hóa của NHNN có hai mục tiêu chính, thứ nhất là kiếm chế tác động từ biến động giá vàng đối với tỷ giá, lạm phát và tình hình kinh tế vĩ mô; mục tiêu thứ hai là ngăn chặn, đầy lùi hiện tượng vàng hóa trong nền kinh tế để huy động nguồn vốn này cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đề án chống vàng hóa có 3 bước: Một là xây dựng công cụ pháp lý; Hai là chấm dứt hoạt động huy động, cho vay vàng trong hệ thống tín dụng; Ba là chuyển sang quan hệ mua bán vàng.
“Đến nay, chúng ta đã cơ bản hoàn thành hai bước đầu”, Thống đốc cho biết.
Về khuôn khổ pháp lý, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24 về quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh vàng, Nghị định 95 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Đây là hai nội dung pháp lý quan trọng, có tác dụng điều chỉnh mọi hoạt động trên thị trường vàng.
Nghị định 24 có hiệu lực thi hành từ ngày 25/5, đến nay sau tháng 5 triển khai đã có những kết quả nhất định. Từ tháng 5/2012 đến nay, giá vàng trong nước và thế giới chênh nhau khá lớn, từ 1-3 triệu đồng/lượng. Nhưng, thị trường có hai hiện tượng khác trước. Thứ nhất là không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng. Hai là dù giá có biến động lớn nhưng tỷ giá hoàn toàn ổn định, NHNN tiếp tục mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối.
Do việc người dân không đổ xô đi mua vàng một mặt chứng tỏ hiện tượng vàng hóa đã được chặn đứng, mặt khác; từ tháng 5/2012 đến nay, hệ thống ngân hàng đã mua 60 tấn vàng từ nền kinh tế.
"Nói cách khác là có 60 tấn vàng được chuyển thành tiền phục vụ cho phát triển nền kinh tế. Qua 5 tháng thực hiện Nghị định 24, chúng ta đã có những kết quả bước đầu hết sức quyết định”, Thống đốc cho biết thêm.
Giải thích về việc quyết liệt thực hiện chủ trương chống đô la hóa và vàng hóa, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, đây là hai quyết sách có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thời gian qua, khi đất nước đặc biệt khó khăn.
Bước sang năm 2012, hệ thống ngân hàng yếu thanh khoản và tốc độ quay vòng lưu chuyển hàng hóa của nền kinh tế cũng hết sức khó khăn. Trong khi đó, việc xử lý bong bóng tài sản không thể một sớm một chiều.
Để tìm nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội 2012, NHNN, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đã cương quyết thực hiện mạnh chương trình chống đô la hóa và vàng hóa. Kết quả đến nay đã mua vào 10 tỷ USD và 60 tấn vàng, đó là nguồn lực đã chuyển đổi từ ngoại tệ và vàng sang phát triển kinh tế đất nước.
“Nhờ vậy, chúng ta có được thanh khoản cho nền kinh tế, cải thiện thanh khoản hệ thống ngân hàng, giảm được lãi suất, có được tăng trưởng dù còn thấp hơn nhiều so với mong muốn, nhưng ít nhất nền kinh tế cũng ổn định trong thời gian qua”, Thống đốc phân tích.
Liên quan đến việc chọn thương hiệu vàng miếng, theo Nghi định 24, từ ngày 25/5 chỉ có NHNN được thực hiện độc quyền dập vàng miếng. Thống đốc cho hay, việc chọn SJC là thương hiệu vàng miếng của NHNN vì trên thực tế, SJC đến thời điểm hiện nay chiếm 93% thị trường. Cho nên, để tránh xáo trộn trên thị trường vàng miếng và tiết kiệm chi phí nên NHNN sử dụng luôn thương hiệu SJC và độc quyền nhà nước về thương hiệu đó.
Thống đốc lưu ý, cũng theo quy định của Nghị định 24, từ ngày 25/5, các thương hiệu vàng miếng trước đây được phép sản xuất vẫn được lưu hành bình thường, nhà nước không bắt buộc phải chuyển đổi từ vàng miếng này sang vàng miếng khác.
Hiện có nhu cầu chính đáng của người dân chuyển vàng khác sang SJC, NHNN đã bàn với các cơ quan liên quan để nâng cao năng lực thẩm định, giám định để chuyển đổi vàng cho người dân. “Chúng tôi đã kiểm định lô lớn, kể cả ứng trước vàng SJC cho các bên có nhu cầu và sau đó mới chuyển đổi sau…”, Thống đốc nói.
Khẳng định những kết quả ban đầu thể hiện sự đúng đắn của phương án chống vàng hóa của Chính phủ, Thống đốc cho biết NHNN sẽ kiên quyết tiếp tục thực hiện phương án chống vàng hóa và đô la hóa.
Đề cập đến biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, Thống đốc cho biết, từ tháng 4/2012 đến nay đã có 36 nghìn tỷ đồng dư nợ được giãn nợ, khoanh nợ. Trước ngày 15/7, khoảng 80% dư nợ của hệ thống có lãi suất trên 15% thì đến nay con số đó chỉ còn xấp xỉ 20%. Phát huy kết quả đó, NHNN đang phối hợp với các địa phương, bộ ngành tổ chức cầu nối giữa ngân hàng và các DN, tìm khó khăn cụ thể của từng DN, cùng với các ngân hàng xử lý để đạt kết quả cuối cùng. Bên cạnh đó, NHNN cũng nhận thấy việc giải quyết hàng tồn kho có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển sản xuất và cả nền kinh tế. “Nếu tồn kho là 20% tổng hàng hóa sản xuất ra thì quá lớn?”, Thống đốc đặt vấn đề. Dưới góc độ NHNN, giả sử sản xuất chiếm 50% GDP, còn lại là dịch vụ và các hàng hóa khác. Nếu tồn kho 20% GDP thì đã chiếm tới 4% nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Giải quyết được hàng tồn kho này thì nợ xấu ngân hàng xử lý được 4%. |
Anh Quân