Đại hội đồng cổ đông Vietcombank lần thứ 10: Thông qua nhiều quyết sách mới
Kết thúc năm 2016, Vietcombank có tổng tài sản đạt 787.907 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước và vượt 3% so với kế hoạch; Cho vay khách hàng tăng trưởng 19% đạt 460.808 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 25% đạt 8.523 tỷ đồng, đứng thứ hai trong toàn hệ thống. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng giảm từ 1,79% xuống 1,46%; Tỷ lệ chi trả cổ tức 2016 là 8%.
Năm 2017, Vietcombank đặt kế hoạch tổng tài sản tăng 11%, lên mức 874.577 tỷ đồng; Tăng trưởng dư nợ tín dụng ở mức 15%, tương đương 547.133 tỷ đồng; Huy động vốn tăng 14%, lên 684.841 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận 2017 của Vietcombank tăng 8% so với năm trước, đạt 9.200 tỷ đồng; Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%, tỷ lệ cổ tức 8%, không đổi so với năm 2016.
Chia sẻ với các cổ đông, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành cho biết: Vietcombank đã được cấp phép thành lập ngân hàng con 100% vốn tại Lào; đồng thời nghiên cứu thành lập văn phòng đại diện tại NewYork, chi nhánh ngân hàng con tại Australia. Thời gian tới, ngân hàng còn nghiên cứu thành lập công ty kiều hối, công ty tín dụng tiêu dùng và công ty AMC; Triển khai thành lập Trung tâm xử lý tiền mặt tập trung tại Hà Nội. Vietcombank cũng sẽ thành lập 5 chi nhánh và 39 phòng giao dịch trên toàn quốc trên cơ sở phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Tại đại hội, HĐQT cũng trình các cổ đông thông qua việc bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2013 – 2018. Theo đó HĐQT Vietcombank sẽ có 3 gương mặt mới là ông Eiji Sasaki (Giám đốc phụ trách kinh doanh khu vực châu Á) thay thế cho ông Yutaka Abe theo đề xuất của đối tác chiến lược là Ngân hàng Mizuho Nhật Bản, cùng ông Nguyễn Mỹ Hào (hiện là Giám đốc Vietcombank Sở Giao dịch), ông Phạm Anh Tuấn (hiện là Trưởng ban Hiện đại hóa công nghệ Vietcombank).
Vietcombank cũng dự định tăng vốn điều lệ thêm 3.598 tỷ đồng bằng phương thức phát hành cổ phần ra công chúng và chào bán riêng lẻ cho tối đa 10 nhà đầu tư có năng lực tài chính. Số lượng cổ phần chào bán tối đa là 359,8 triệu cổ phiếu (tương đương 10% số cổ phần hiện tại). Mức giá phát hành dự kiến sẽ không thấp hơn giá đóng cửa của phiên giao dịch trên sàn ngày liền kề trước ngày phát hành. Thời gian chào bán dự kiến trong năm 2017 - 2018.
Mục tiêu chính của việc tăng vốn lần này là nhằm nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh, góp phần đảm bảo mức độ đủ vốn theo yêu cầu của Basel II. Đây cũng là một bước chuẩn bị cho khả năng M&A khi điều kiện cho phép.
Trả lời câu hỏi của các cổ đông về việc thoái vốn tại các TCTD khác, Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành cho biết, hiện tại Vietcombank đang sở hữu cổ phần tại 5 TCTD trong đó có 3 TCTD có tỷ lệ sở hữu vượt quá mức quy định 5% của NHNN. Trong đó, cơ bản phần lớn là tại MBBank và Eximbank. MBBank là đơn vị kinh doanh tương đối hiệu quả và hàng năm Vietcombank đều nhận được cổ tức từ hoạt động đầu tư.
Dự kiến trong thời gian tới sẽ tiếp tục đề xuất NHNN thoái khỏi Eximbank, nếu thành công có thể đem lại lợi nhuận trên 700 tỷ đồng. Ngoài ra đối với ba tổ chức còn lại là Ngân hàng Phương Đông, Saigonbank, Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng với tổng số tiền khoảng 300 tỷ đồng. Trong thời gian qua Vietcombank cũng có kế hoạch thoái vốn nhưng do mức giá chưa hợp lý nên chưa thực hiện được.
Ngoài ra ban điều hành Đại hội đồng cổ đông cũng đã trả lời nhiều câu hỏi về phát hành tăng vốn cho đối tác GIC của Singapore, công tác M&A, hỗ trợ tái cơ cấu ngân hàng, mục tiêu lợi nhuận, đầu tư công nghệ…