Đàm phán Mỹ-Trung: Bảy vấn đề để đi tới thành công
Trong khi các cuộc đàm phán cấp trung khó có thể tạo được bước đột phá lớn đối với bế tắc hiện nay, rủi ro cao là hai bên phải đối mặt với việc nối lại thuế quan vào tháng 3 tới, nếu không đi đến một thỏa thuận.
Nhiều cuộc thảo luận cấp cao hơn dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng này, tờ South China Morning Post nói rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ hội đàm với Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, dự kiến diễn ra từ 22 - 25/1/2019.
Dưới đây là bảy vấn đề sẽ là mấu chốt giữa Mỹ và Trung Quốc phải giải quyết để đi đến thỏa thuận:
1. Sở hữu trí tuệ
Cáo buộc của Mỹ rằng Trung Quốc buộc các công ty Mỹ chia sẻ công nghệ nhạy cảm và đánh cắp tài sản trí tuệ là một trong những vấn đề nhức nhối nhất và có thể làm phá vỡ bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào.
Các cuộc đàm phán trong vòng 90 ngày ngừng bắn sẽ tập trung vào những thay đổi về cấu trúc trong cách Trung Quốc xử lý về vấn đề chuyển giao công nghệ, bảo vệ tài sản trí tuệ, trộm cắp trên mạng và các vấn đề khác… Tổng thống Mỹ cho biết sau khi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Argentina.
Trung Quốc đã công bố một loạt các hình phạt có thể hạn chế các công ty tiếp cận vay mượn và hỗ trợ tài trợ của nhà nước đối với hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và đang soạn thảo một đạo luật để ngăn chặn việc cưỡng ép chuyển giao công nghệ. Nhưng chi tiết và cách thực hiện cụ thể như thế nào thì không ai có thể biết rõ được.
2. Huawei và 5G
Huawei Technologies Co., nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất Trung Quốc, từ lâu đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ và các đồng minh nước này về việc hãng tạo điều kiện cho hoạt động gián điệp.
Công ty này đang chạy đua để phát triển công nghệ 5G và sở hữu một phần mười bằng sáng chế thiết yếu trên toàn thế giới. Nhưng những nỗ lực của Huawei đang gặp rào cản từ Mỹ, khi đã cấm việc mua sắm các sản phẩm được sản xuất từ Huawei và khuyến khích các quốc gia đồng minh khác làm điều tương tự. FBI cũng đang thăm dò các hành vi vi phạm lệnh trừng phạt có thể xảy ra ở Iran của Huawei.
3. Kế hoạch "Made in China 2025"
Kế hoạch "Made in China 2025" nhằm mục đích biến Trung Quốc thành quốc gia dẫn đầu lĩnh vực sản xuất tiên tiến, nhắm vào 10 lĩnh vực mới nổi, bao gồm: robot, phương tiện năng lượng sạch, công nghệ sinh học… Phía Trung Quốc coi kế hoạch này là thiết yếu để đạt được các mục tiêu kinh tế dài hạn.
Tham vọng này làm gia tăng bất bình của Nhà Trắng. Phía Mỹ lập luận rằng, sự can thiệp của nhà nước Trung Quốc vào hoạt động thương mại và sản xuất đã vi phạm các quy tắc của WTO, có thể tạo ra một sân chơi không công bằng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Thuế quan do Tổng thống Trump áp đặt đã nhắm vào nhiều ngành công nghiệp được coi là mục tiêu trong kế hoạch kể trên.
Các nhà phân tích về Trung Quốc cho biết nước này có thể sẵn sàng sửa đổi kế hoạch "Made in China 2025", thậm chí có thể hoãn một số mục tiêu trong một thập kỷ, nếu điều đó giúp chấm dứt cuộc chiến thương mại với Mỹ.
4. Năng lượng
Căng thẳng thương mại đã phá vỡ cơ hội có thể tạo lợi ích cho cả hai nước: Mỹ trở thành nhà xuất khẩu dầu khí tự nhiên lớn hơn trong khi Trung Quốc nổi lên là người mua lớn nhất thế giới do dịch chuyển các cơ sở sản xuất điện than sang điện khí.
Trung Quốc dỡ bỏ hàng rào thuế quan trả đũa đối với khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ có thể làm hồi sinh doanh thu. Đây cũng là mối quan tâm lâu dài đối với ngành dầu khí đang được khôi phục của nước này, để tạo đủ niềm tin thuyết phục các công ty Trung Quốc đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án xuất khẩu khí hóa lỏng tương lai của Mỹ.
Bất kỳ sự đảm bảo nào từ phía Bắc Kinh rằng họ sẽ không nhắm mục tiêu vào dầu mỏ của Mỹ sẽ giúp xua tan những lo ngại về việc kìm hãm doanh số năm ngoái.
5. Nhập khẩu nông nghiệp
Các nhà đầu tư sẽ theo dõi để xem liệu Trung Quốc có xóa bỏ thuế quan trả đũa đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, bao gồm: đậu nành, ngô, bông, lúa miến và thịt lợn… những sản phẩm có thể gây tổn thương nặng nề cho phía Mỹ. Việc dỡ bỏ thuế quan có thể khuyến khích người mua tư nhân ngay lập tức tiếp tục mua sản phẩm nông nghiệp của Mỹ.
Trung Quốc cũng có thể xóa bỏ thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các loại ngũ cốc khô của Mỹ - những sản phẩm mà Trung Quốc là người mua lớn nhất, cũng như cho phép nhập khẩu gia cầm của Mỹ sau khi họ bật đèn xanh cho việc mua gạo của Mỹ.
Nếu các cuộc đàm phán thất bại, Trung Quốc cũng có thể hủy một số đơn đặt hàng đậu tương đã được đặt trong những tuần qua.
6. Thuế quan tự động
Sau khi áp thuế trả đũa 25% đối với các phương tiện nhập khẩu từ Mỹ, Trung Quốc đã tạm thời hủy bỏ từ ngày 1/1/2019, khi mà hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tìm kiếm cách để làm dịu căng thẳng thương mại.
Thuế bổ sung đã gây thiệt hại tất cả các nhà sản xuất, bán ô tô của Mỹ tại Trung Quốc như: Tesla Inc., BMW AG và Daimler AG. Doanh số bán ô tô tại Trung Quốc đã giảm trong sáu tháng liên tiếp.
7. Tiếp cận thị trường cho ngân hàng
Trung Quốc đã cam kết tăng quyền tiếp cận cho các công ty tài chính nước ngoài. Vào tháng 11 năm ngoái, Tập đoàn UBS AG đã trở thành công ty đầu tiên giành quyền kiểm soát một liên doanh chứng khoán địa phương của Trung Quốc theo các quy tắc đã được nới lỏng vào năm 2018.
Trong khi đó, JPMorgan Chase & Co. và Nomura Holdings Inc. vẫn đang chờ phê duyệt để có 51% cổ phần tại các đối tác ở Trung Quốc.
Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng việc mở cửa đang dần nới rộng và Bloomberg Economics ước tính rằng nếu điều đó xảy ra thì các ngân hàng và công ty chứng khoán nước ngoài có thể thu về lợi nhuận hơn 32 tỷ USD mỗi năm tại Trung Quốc vào năm 2030.