Đàm phán thương mại Mỹ - Trung có thành?
Mỹ để ngỏ khả năng kéo dài thời hạn chót tăng thuế với hàng Trung Quốc | |
Nguy cơ một cuộc chiến tranh thương mại mới giữa Mỹ và Ấn Độ | |
Mỹ có thể lùi thời hạn tăng thuế đối với Trung Quốc |
Tuần trước đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã đến Bắc Kinh khi các nhà đàm phán Mỹ - Trung đang nỗ lực đạt được một thỏa thuận nhằm ngăn chặn việc tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc (dự kiến vào ngày 2/3). Nỗ lực này liệu có thành công khi mà bất đồng giữa hai bên không chỉ đơn thuần là vấn đề thương mại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình |
Mỹ và Trung Quốc xung đột về vấn đề gì?
Sau nhiều năm thâm hụt thương mại liên tục với Trung Quốc, cộng thêm những cáo buộc Bắc Kinh đã có được hệ thống sở hữu trí tuệ và bí mật thương mại của Mỹ thông qua cưỡng chế và trộm cắp, chính quyền Trump năm ngoái đã yêu cầu Trung Quốc phải thay đổi cơ bản mô hình kinh tế của mình để cho phép các công ty Mỹ cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng hơn. Trong đó bao gồm yêu cầu trung Quốc phải chấm dứt các chính sách mà phía Mỹ lên án là buộc các công ty của Mỹ chuyển giao công nghệ của họ cho các đối tác Trung Quốc, đồng thời bảo vệ toàn diện cho quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ.
Tuy nhiên, vấn đề cơ bản nhất chính là vị trí thống lĩnh trong các ngành công nghệ cao trong tương lai. Hiện Trung Quốc đang quyết tâm nâng cấp các cơ sở công nghiệp của mình trong 10 lĩnh vực chiến lược vào năm 2025, bao gồm hàng không vũ trụ, robot, chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và phương tiện năng lượng mới. Các quan chức Mỹ nói rằng họ không phản đối việc Trung Quốc muốn tiến lên trên nấc thang công nghệ, nhưng họ không muốn điều đó xảy ra bằng việc có được những bí quyết của Mỹ một cách không công bằng hoặc đánh cắp. Mỹ cũng cho rằng sự hỗ trợ lớn của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp nhà nước đang dẫn đến tình trạng sản xuất quá mức, khiến các công ty của Mỹ khó cạnh tranh trên cơ sở thị trường.
Quan điểm của Trung Quốc về những vấn đề này
Trong khi đó, các quan chức Trung Quốc thường xem các hành động của Mỹ là để ngăn chặn nước này vươn lên vị trí thống trị trong nền kinh tế toàn cầu, điều mà phía Trung Quốc cho là chắc chắn sẽ xảy ra. Phía Trung Quốc cũng phủ nhận cáo buộc của Mỹ là họ ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ, nói rằng những hành động như vậy chỉ là giao dịch thương mại giữa các công ty Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc đang nỗ lực thỏa thuận với Mỹ để giảm bớt thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, đồng thời tìm cách giảm bớt sự mất cân bằng thương mại giữa hai bên thông qua việc tăng mua hàng hóa của Mỹ.
Phía Mỹ đã có những hành động nào?
Tính đến nay, Mỹ đã áp thuế trừng phạt lên 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong đó mức thuế suất 25% được đánh lên 50 tỷ USD hàng hóa, bao gồm máy móc, chất bán dẫn và các sản phẩm liên quan đến công nghệ khác; và mức thuế 10% được áp lên 200 tỷ USD hàng hóa khác, bao gồm nhiều loại hóa chất, vật liệu xây dựng, đồ nội thất và một số thiết bị điện tử tiêu dùng. Mặc dù vậy, cho đến nay phía Mỹ vẫn đang bỏ qua nhiều mặt hàng tiêu dùng, bao gồm cả điện thoại di động, máy tính, quần áo và giày dép... Tuy nhiên, nếu hai bên không đạt được thỏa thuận nào trước ngày 2/3, Mỹ dự kiến sẽ tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc lên 25% từ mức 10% hiện nay.
Trung Quốc đáp trả thế nào?
Về phía mình, Trung Quốc cũng đã áp thuế 25% lên 50 tỷ USD hàng hóa của Mỹ, bao gồm đậu nành, thịt bò, thịt lợn, hải sản, rượu whisky, ethanol và xe cơ giới. Bắc Kinh cũng đã áp thuế từ 5% đến 10% đối với 60 tỷ USD hàng hóa khác của Mỹ, bao gồm khí tự nhiên hóa lỏng, hóa chất, rau quả đông lạnh và các thành phần thực phẩm. Tuy nhiên cho đến nay, Bắc Kinh cũng vẫn chưa áp thuế lên máy bay thương mại nhập khẩu từ Mỹ mà phần lớn do Công ty Boeing sản xuất. Kể từ khi Tổng thống Mỹ Doanld Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thống nhất vào tháng 12/2018 về việc tiếp tục đàm phán, Trung Quốc cũng đã đình chỉ thuế quan đánh lên ô tô do Mỹ sản xuất và đã nối lại một số giao dịch mua đậu nành của Mỹ.
Các cuộc đàm phán cho đến nay đã đạt được những gì?
Trung Quốc đã cam kết thực hiện các chương trình trợ cấp công nghiệp tuân thủ các quy tắc của WTO và không phân biệt thị trường, nhưng không đưa ra thông tin chi tiết về cách thức thực hiện, theo các nguồn tin nói với Reuters. Vì vậy vẫn chưa rõ liệu điều đó có đủ để thỏa mãn phía Mỹ hay không.
Hai bên dường như vẫn còn nhiều bất đồng về vấn đề trợ cấp công nghiệp và chuyển giao công nghệ bắt buộc khi họ gặp nhau vào cuối tháng 1, mặc dù đã đạt được một số tiến bộ xung quanh vấn đề sở hữu trí tuệ.
Một yêu cầu quan trọng của Mỹ là thiết lập một cơ chế đánh giá thường xuyên về những tiến bộ của Trung Quốc trong việc thực hiện bất kỳ cam kết cải cách nào mà họ đưa ra, kế hoạch có thể duy trì sự đe dọa thuế quan vĩnh viễn của Mỹ…
Về cuộc đàm phán diễn ra vào tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhận được các báo cáo cập nhật sau 5 ngày làm việc của các nhà đàm phán hai bên, nhưng Nhà Trắng không công bố chi tiết.
Tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm thứ Sáu, ông Trump nói rằng các cuộc đàm phán với Trung Quốc là rất phức tạp và ông có thể gia hạn thời hạn ngày 1/3 và giữ nguyên thuế quan như hiện nay đối với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc.
Theo các nhà phân tích, các cuộc đàm phán thương mại thường kéo dài tới tận phút chót, do đó một kết quả cuối cùng khó có khả năng đạt được trước cuối tháng Hai, và bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ cần sự chấp thuận của ông Trump và ông Tập. Hiện hai nhà lãnh đạo này không có cuộc họp dự kiến trước thời hạn tháng Ba.