Dân phá rừng, chính quyền bất lực?
Thiếu trách nhiệm hay tiếp tay? | |
Báo động nạn phá rừng | |
Nhức nhối nạn phá rừng |
Gian nan giữ rừng
Năm 1993, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk) phát hiện 7 hộ dân tộc H’Mông kéo nhau vào sinh sống và chặt phá rừng tại tiểu khu 540. Đến nay, 23 năm đã trôi qua, mặc dù DN này làm hàng trăm văn bản đề nghị chính quyền địa phương vào cuộc để di dời, ngăn chặn tình trạng phá rừng. Song chính quyền sở tại dường như bất lực, chỉ tính đến năm 2009, số hộ Mông đã tăng lên gần 200 hộ, 700 khẩu, diện tích rừng bị phá hơn 400ha.
Mất hàng trăm hecta rừng chỉ vì thiếu sự quyết liệt của chính quyền |
Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ và tổ chức sản xuất kinh doanh 8.837ha rừng và đất rừng nằm trên địa bàn 2 xã Ea Kuêh, Ea Kiết (huyện Cư M’gar).
Mặc dù, DN nỗ lực tăng cường nhân lực, trang bị các trang thiết bị nhằm bảo vệ những khu vực rừng trọng yếu. DN đã thành lập 6 trạm quản lý bảo vệ rừng và thành lập 3 tổ lực lượng cơ động, với số lượng hơn 40 người được huy động ở tất cả các đơn vị trực thuộc để thường xuyên tuần tra, giám sát, ngăn chặn tình trạng dân di cư tự do phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy. Nhiều giải pháp quyết liệt của DN đề ra, song tình hình vẫn ngày một diễn biến phức tạp.
Theo thống kê của DN, năm 2014, trên toàn bộ lâm phần do DN quản lý xảy ra hơn 30 vụ vi phạm lâm luật, 17 vụ phá rừng làm nương rẫy với diện tích gần 6ha, 15 vụ tái lấn chiếm đất rừng. Năm 2015, số vụ phá rừng và tái chiếm đất rừng tăng lên hơn 40 vụ. Điều đáng nói, khi phát hiện người dân phá rừng, cán bộ của công ty còn bị người dân hăm dọa, uy hiếp, chặn đánh, rải đinh trên đường.
Anh Hoàng Văn Quyền, cán bộ bảo vệ rừng của công ty chia sẻ, người dân càng ngày càng manh động và hung dữ. Họ chọn thời điểm phá rừng vào ban đêm hoặc sáng sớm, nếu bị phát hiện, họ kéo cả bản mấy chục người vây lấy chúng tôi. Trên người tôi giờ có hơn 30 mũi khâu ở đầu và tay do bị người dân chém khi phát hiện phá rừng.
Từ Cao Bằng vào phá rừng lấy đất ở và sản xuất vào năm 2012, chị Hoàng Thị Lý (SN 1986, dân tộc H’Mông) cùng chồng và 5 người con sống chen chúc trong ngôi nhà xập xệ gần 20m2. Không điện, đường, trường, trạm... mỗi ngày, cháu lớn học lớp 4 cùng 2 đứa em phải dậy từ 4 giờ sáng đạp xe để tới trường. Đời sống hết sức khó khăn nhưng gia đình này vẫn nhất quyết bám lấy rừng, không chịu di dời. Chị Lý chia sẻ, được cán bộ vào vận động ra khu tái định cư nhưng chồng mình bảo không có tiền, cứ ở lại rừng.
Vì sao chính quyền không phối hợp?
Ông Dương Văn Sơn, Tổng giám đốc Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm cho biết, kể từ khi phát hiện thấy dân di cư tự do vào định cư ở rừng, đến nay hơn 23 năm trôi qua, công ty đã nhiều lần làm báo cáo gửi các cơ quan chức năng địa phương, nêu thực trạng và đưa ra các đề xuất kiến nghị để giải quyết dứt điểm tình trạng lập làng trong rừng của người di cư tự do.
Nhưng ông Sơn khẳng định, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa được các cấp, ngành chỉ đạo, phối hợp để xem xét giải quyết một cách triệt để. “Quyền hạn của công ty chỉ dừng lại ở việc phát hiện, giữ nguyên hiện trạng và báo cáo lên các cơ quan chức năng chứ không được xử lý, xử phạt.
Thêm đó, con người là do chính quyền quản lý, DN không được quyền tự ý di dời các hộ dân. Mặc dù, công ty đã rất nỗ lực giữ rừng, nhưng dân di cư tự do ngày một đông, lại ở giữa rừng không chịu ra khiến việc giữ rừng muôn phần khó khăn. Càng giữ, họ càng chặt”, ông Sơn nói.
Tối ngày 18/2/2016, công ty phát hiện và bắt giữ một số đối tượng người dân tộc H’Mông đang chặt phá rừng. Sau khi đưa về trụ sở công ty làm việc, họ im lặng và lấy lý do không biết chữ để không ký vào biên bản. Chúng tôi đã tiến hành bàn giao các đối tượng cho Hạt Kiểm lâm huyện Cư M’gar và báo lên chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý. “Hy vọng các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc một cách quyết liệt để giải quyết dứt điểm tình trạng dân di cư tự do phá rừng”, ông Sơn nhấn mạnh.
Còn phải chờ!
Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó phòng Dân tộc, UBND huyện Cư M’gar xác nhận, chính quyền địa phương nhiều lần nhận được văn bản báo cáo của Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm về tình trạng dân di cư tự do sống giữa rừng, chặt phá và lấn chiếm đất rừng.
Năm 2003, chính quyền huyện Cư M’gar đã lập kế hoạch di dời các hộ dân trên ra khu tái định cư. Năm 2009, địa phương tiến hành điều chỉnh kế hoạch, chọn lại địa điểm lập khu tái định cư để người dân sinh sống gần hơn với đất sản xuất.
Theo ông Tuấn Anh, thực tế, đến nay chỉ mới di dời được 67 hộ, còn gần trăm hộ vẫn sống trong rừng. Kế hoạch di dời dân di cư chưa thực hiện được là do phía người dân không chịu hợp tác.
Trước đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đăk Lăk đã đồng ý khoanh vùng số đất người dân lấn chiếm để cấp luôn cho người dân sử dụng, quản lý nhưng người dân không cho đo đạc, giải thửa. Các hộ di cư tự do này sợ cơ quan chức năng thấy nhiều đất sẽ thu hồi, vì có hộ lên tới chục hecta.
Theo ông Tuấn Anh, sắp tới, Phòng Dân tộc, UBND huyện Cư M’gar sẽ phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến của UBND huyện về việc đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cho khoanh vùng nhưng để nguyên trạng, không giải thửa để dân di cư tự do đồng ý di dời.
“Quan điểm của chúng tôi là sẽ di dời các hộ dân di cư tự do ra khỏi rừng. Nhưng nay chưa thực hiện được vì còn nhiều vấn đề phức tạp. Chúng tôi vẫn sử dụng biện pháp tuyên truyền, vận động là chủ yếu. Còn việc cưỡng chế chúng tôi chưa có kế hoạch”, ông Tuấn Anh cho biết thêm.
Có thể nói, việc chậm trễ, không kịp thời vào cuộc giải quyết triệt để, thiếu kiên quyết đối với người dân di cư “nhảy dù” lập làng phá rừng làm nương rẫy của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng như kiểm lâm, tài nguyên môi trường, ngành nông nghiệp đã khiến cho tình hình phá rừng chiếm đất ngày càng phức tạp và khó giải quyết dứt điểm.
Trong khi, rừng thì càng ngày càng mất qua năm tháng, do đó rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn từ phía chính quyền tỉnh Đăk Lăk và các cơ quan chức năng; đồng thời cần làm rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, có biện pháp xử lý cụ thể… có như thế mới mong giữ được rừng.