Thiếu trách nhiệm hay tiếp tay?
Phát hiện nhờ… facebook
Dư luận tại TP. Đà Nẵng đang hết sức bức xúc trước việc, một số người dân đã ngang nhiên lập lán trại, mở đường, phát rừng trái phép tại khu vực bán đảo Sơn Trà trong suốt một thời gian dài, nhưng lực lượng chức năng không hề hay biết. Điều đáng nói, khu rừng bị tàn phá chỉ cách trung tâm TP. Đà Nẵng chỉ khoảng 10km…
Cần làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong vụ phá rừng Sơn Trà |
Theo đó, từ thông tin của một cá nhân phản ánh trên trang facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng, UBND quận Sơn Trà đã chỉ đạo UBND phường Thọ Quang, cùng lực lượng chức năng đến hiện trường để kiểm tra. Sau đó, lực lượng chức năng phát hiện ông Phan Hùng Mạnh, trú phường Thọ Quang được giao khoán đất trồng rừng tại Tiểu khu 64 từ tháng 10/1997.
Ông Mạnh có phát quang cây bụi, dây leo từ khu vực suối Om về phía Bắc, chiều dài 200m, chiều sâu đến 30m, có tập kết một số cây giống là xoài và mít để chuẩn bị trồng. Tương tự, ông Nguyễn Văn Tâm cùng trú tại địa phương được giao khoán 7 ha đất trồng rừng tại Tiểu khu 62 từ tháng 10/1998. Sau đó, ông Tâm đã ủy quyền cho ông Lê Việt Hồng sử dụng 1,5 ha rừng.
Sau khi, được ủy quyền, ông Hồng cũng tiến hành phát quang cây bụi, dây leo, xây dựng lán trại và mở đường trái phép với chiều dài khoảng 300m, nơi rộng nhất 2,5m từ đường bêtông đến khu vực lán trại… Ngay sau khi phát hiện vụ việc, lực lượng chức năng đã lập biên bản, tổ chức tháo dỡ lán trại xây dựng trái phép của các cá nhân. Đồng thời, yêu cầu dừng ngay việc phát quang, lập lán trại trong khu vực.
Được biết, bán đảo Sơn Trà chỉ cách trung tâm TP. Đà Nẵng khoảng 10 km, với gần 400 nghìn ha rừng, ở độ cao gần 700m. Theo các nhà sinh thái học, hiện nay Sơn Trà có khoảng gần 300 loài thú, 106 loài chim, 15 loài động vật hoang dã quý hiếm cần được bảo tồn, đặc biệt trong đó có voọc chà vá chân nâu.
Ở nước ta, lượng cá thể của voọc chà vá chân nâu chiếm tới hơn 80% số lượng trên toàn thế giới, với khoảng 530 cá thể, tập trung chủ yếu tại khu vực Sơn Trà… Với việc phá rừng nghiêm trọng vừa xảy ra tại đây, theo nhiều người loài voọc quý hiếm này đối mặt với nguy cơ bị xâm phạm không gian sống, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng.
Thiếu trách nhiệm?
Vụ việc phá rừng tại bán đảo Sơn Trà, càng gây bức xúc dư luận hơn bởi diễn ra trong suốt một thời gian dài, nhưng các lực lượng chức năng ở TP. Đà Nẵng không hề hay biết? Trong khi, khu vực phá rừng diễn ra tại Tiểu khu 62 nằm ngay bên đường thảm nhựa vào khu du lịch Bãi Cát Vàng, đây cũng là tuyến đường lực lượng kiểm lâm thường xuyên tuần tra.
Thế nhưng, một số cá nhân ngang nhiên thuê người dựng lán trái, chặt phá cây rừng, làm đường… trong suốt cả tháng trời mà cơ quan chức năng hoàn toàn không có biện pháp ngăn chặn.
Theo ông Trần Văn Thanh, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP. Đà Nẵng, năm 2015 đơn vị đã bàn giao cho UBND phường Thọ Quang quản lý 1.073 ha đất rừng và Hạt kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn quản lý 2.539ha trong khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Căn cứ vị trí rừng bị chặt phá, khu đất này do UBND phường Thọ Quang quản lý, chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, ông Thanh thừa nhận để xảy ra vụ chặt phá rừng này cũng một phần do anh em cán bộ kiểm lâm chủ quan, nghĩ rằng đất rừng đã giao cho UBND phường quản lý nên lỏng lẻo trong công tác kiểm tra. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Hạt kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn phối hợp với UBND phường Thọ Quang lập hồ sơ, xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, về phía chính quyền địa phương, ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang lại rất bức xúc cho rằng, trách nhiệm lớn nhất khi để người dân phát rừng, xây dựng lán trại, làm đường trái phép thuộc về lực lượng kiểm lâm. Chính lực lượng này đã thiếu ý thức trách nhiệm, thờ ơ với công việc quản lý và bảo vệ rừng.
Đồng quan điểm với ông Công, nhiều người cho rằng, cán bộ là kiểm lâm viên phụ trách địa bàn thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra địa bàn, không phát hiện sai phạm của hộ ông Nguyễn Văn Tâm, Lê Việt Hồng.
Từ đó, chưa tham mưu cho UBND phường Thọ Quang để kịp thời xử lý những trường hợp này. Tuy nhiên, có ý kiến lại cho rằng, cần phải điều tra làm rõ có hay không việc “ngó lơ”, thậm chí tiếp tay của các lực lượng chức năng, nên tình trạng phá rừng, xây dựng lán trại, mở đường trái phép diễn ra trong suốt thời gian dài mà không bị phát hiện.
Do vậy, dư luận ở TP. Đà Nẵng đang rất mong muốn các cơ quan chức năng sớm xử lý đến nơi đến chốn và ai làm sai, thiếu trách nhiệm phải nhận trách nhiệm, hình thức kỷ luật chứ không thể “né” quả bóng trách nhiệm. Theo ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP. Đà Nẵng, Sở đặc biệt quan tâm đến vụ việc phá rừng ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ động thực vật rất phong phú ở đây, trong đó đáng chú ý nhất là loài voọc chà vá chân nâu.
Mới đây nhất, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan đến việc xâm hại rừng Sơn Trà và tổng hợp báo cáo Thường trực Thành ủy, HĐND và Chủ tịch UBND thành phố trước ngày 10/3/2015.