Báo động nạn phá rừng
Theo UBND tỉnh Đăk Lăk, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn đã xảy ra 1.432 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, tịch thu 2.438m3 gỗ các loại, với số vụ khởi tố lên tới 16 vụ. Trong đó, chỉ riêng tại Vườn quốc gia Yok Đôn, có 596 gốc cây bị chặt hạ trái phép với trên 300m3 gỗ. Khu vực rừng bị đốn hạ tập trung chủ yếu ở các tiểu khu 502, 503, 507.
Nhiều cây gỗ quý trong Vườn quốc gia Yok Đôn bị đốn hạ |
Thông tin ban đầu cho thấy, trong 10 thôn buôn khu vực Vườn quốc gia Yok Đôn có nhiều người dân tham gia chặt hạ cây trái phép, trong đó có nhiều người là lâm tặc. Ngoài ra, do chính quyền địa phương phối hợp với Vườn quốc gia Yok Đôn rất hạn chế, chưa đủ mạnh nên khó để ngăn chặn.
Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn cho biết, theo quy định trong khuôn viên vườn nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác lâm sản phụ, chăn nuôi gia súc và canh tác. Tuy nhiên, có khoảng 1.000 con trâu bò được chăn thả trong vườn. Mỗi ngày có khoảng 500 người ra vào rừng, trong vùng lõi còn có buôn Đrăng Phốk, với hàng trăm hộ sinh sống.
“Điều đó tạo điều kiện cho những người khai thác gỗ, lâm tặc, đầu nậu trà trộn để ra vào rừng khai thác, vận chuyển gỗ ra ngoài khiến tình hình khu vực này vô cùng phức tạp”, ông Tùng nói. Trong khi, một lãnh đạo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Đăk Lăk thông tin thêm, nhiều lâm tặc sau đốn hạ gỗ thả xuống sông suối để phi tang, chờ cơ hội trục vớt.
Từ đầu năm 2015 đến nay, các lực lượng chức năng địa phương tổ chức 26 đợt kiểm tra tại các điểm nóng về phá rừng thuộc địa bàn các huyện Ea H’leo, Buôn Đôn, Ea Súp, Cư M’gar… và tịch thu hơn 500m3 gỗ các loại, tạm giữ một số phương tiện ô tô, xe độ chế.
Điển hình, tại huyện Ea Súp, lực lượng kiểm lâm phối hợp với Cục An ninh kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp – Bộ Công an (A86) cùng các cơ quan chức năng của địa phương tiến hành kiểm tra Công ty TNHH MTV Phước Lợi phát hiện khuôn viên doanh nghiệp này đặt 10 máy cưa mâm và 1 máy cưa CD vòng đứng, tại kho bãi cất giữ 18,460m3 gỗ tròn, xẻ các loại.
Qua kiểm tra tại địa bàn thôn 1, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo lực lượng chức năng phát hiện 1.036 lóng, hộp gỗ thông thường từ nhóm III đến nhóm VIII với khối lượng 412,763m3.
Không chỉ chặt phá rừng lấy gỗ mà tình trạng phá rừng làm nương rẫy trái pháp luật cũng nở rộ. Tại lâm phần Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Bông (huyện Krông Bông) xảy ra 46 vụ chặt phá rừng lấy đất sản xuất với diện tích 21,15ha.
Không dừng lại ở đó, việc lâm tặc chống người thi hành công vụ bắt đầu bùng phát trở lại, với nhiều vụ việc ngang nhiên, phức tạp khiến dư luận hết sức bức xúc. Cụ thể, tại địa bàn thôn 8, xã Ea Bung, huyện Ea Súp, phát hiện xe ô tô tải mang BKS 47C – 048.11 vận chuyển 31 lóng gỗ Cẩm nhóm I, khối lượng 3,121m3.
Tuy nhiên, khi lực lượng kiểm lâm yêu cầu dừng xe, tài xế xe tải cố tình tông thẳng vào xe máy của 2 cán bộ kiểm lâm rồi bỏ trốn. Nghiêm trọng hơn, tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn (huyện Buôn Đôn), khi phát hiện 5 xe cày khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, Hạt Kiểm lâm bố trí lực lượng tạm giữ.
Trong lúc đang áp giải xe gỗ về Trạm thì xuất hiện khoảng 25-30 người đồng bào dân tộc tại chỗ ở xã Ea M’đroh (huyện Cư M’gar) mang hung khí, hành hung cán bộ kiểm lâm và lấy lại các xe gỗ.
Gần đây nhất, ngày 13/10/2015, Cơ quan CSĐT Công an huyện Buôn Đôn (tỉnh Đăk Lăk) bắt tạm giam ông Nguyễn Xuân Đức (cán bộ kiểm lâm Đội Kiểm lâm cơ động số 2 của Vườn quốc gia Yok Đôn).
Theo đó, ông Nguyễn Xuân Đức bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi lạm dụng quyền hạn, chức vụ trong khi thi hành nhiệm vụ để chiếm đoạt tài sản, vì nhận tiền hối lộ của một người dân để làm ngơ trước việc vận chuyển gỗ lậu.
Trước tình trạng việc vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày một nghiêm trọng, Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị UBND tỉnh Đăk Lăk chỉ đạo các huyện, xã vùng đệm và cơ quan liên quan tại địa phương phối hợp với Vườn quốc gia Yok Đôn… xác định và lập danh sách các đối tượng khai thác, vận chuyển tàng trữ trái phép lâm sản báo cáo cơ quan chức năng để xử lý.
Cùng đó, chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đăk Lăk chủ trì xây dựng và thực hiện phương án, giải pháp cụ thể về việc kiểm soát hoạt động vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn quản lý…
UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện, sở, ban, ngành xác định các điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản, các tuyến đường vận chuyển lâm sản trái phép để tổ chức truy quét, xử lý. Công an tỉnh chỉ đạo công an cấp huyện lập chuyên án để xử lý các đối tượng lâm tặc, đầu nậu, phần tử dung túng, tiếp tay cho phá rừng, lấn chiếm đất rừng, mua bán sang nhượng đất rừng trái phép.