Đánh thuế DNNVV cần phù hợp hơn
Ảnh minh họa |
Các chuyên gia trong lĩnh vực thuế cho rằng, chính sách thuế, cũng như công tác quản lý thuế, trong những năm gần đây đã tính đến yếu tố DNNVV, bước đầu các đối tượng này được đối xử ưu tiên hơn trước.
Ví như theo Thông tư 78/2014/TT-BTC, DN nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp; có hoạt động kinh doanh dịch vụ, hàng hoá phát sinh thu nhập chịu thuế TNDN mà xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh có thể nộp thuế TNDN theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng. Quy định này được cho là phù hợp với các DNNVV, do hệ thống sổ sách, nghiệp vụ kế toán còn nhiều hạn chế…
Thế nhưng đến nay, Bộ Tài chính chưa hướng dẫn cụ thể việc xác định các khoản doanh thu, chi phí, ghi chép sổ sách kế toán… như thế nào cho phù hợp với các DNNVV vốn còn rất nhiều hạn chế về công tác “sổ sách”. Điều này gây khó khăn cho DN trong thực thi quy định có tính chất đơn giản hoá, tạo thuận lợi… nêu trên. Trên thực tế, dù quy định được tính thuế theo tỷ lệ % doanh thu, DNNVV vẫn phải lập báo cáo tài chính và tờ khai quyết toán thuế TNDN gửi cơ quan thuế như các DN lớn.
“Việc đảm bảo đúng các quy định về hóa đơn, chứng từ để hạch toán các khoản chi phí hợp lý được khấu trừ thực tế lại làm chi phí tuân thủ thuế trên tổng doanh thu của các DN nhỏ, DN siêu nhỏ tăng cao”, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nhìn nhận.
Theo quy định, DN có mức doanh thu đến 1 tỷ đồng/năm (dưới ngưỡng chịu thuế GTGT khấu trừ) tính thuế theo tỷ lệ % trên doanh thu. Tuy nhiên, bà Cúc cho rằng khó có thể quản lý được doanh thu của các DN này thông qua kê khai nguồn thu từ hoá đơn GTGT, hay thuế trực thu, bởi phần lớn những giao dịch bán hàng không có hoá đơn GTGT. Trong khi đó, đôi khi chỉ vì cái hoá đơn GTGT khách hàng yêu cầu mà các hộ kinh doanh, sản xuất buộc phải lên đời DN…
Ngược lại, việc “lên đời” DN cũng có thể giúp hộ kinh doanh sản xuất trục lợi. Bởi khoán thuế với kinh doanh sản xuất hộ có thể còn cao hơn nghĩa vụ nộp thuế với DN nộp thuế GTGT, khi những DN này chỉ hạch toán phần doanh thu dựa vào hóa đơn, nhưng có rất nhiều khoản thu ngoài hoá đơn. Đây cũng chính là lý do mà các chuyên gia trong ngành thuế chỉ ra, bên cạnh báo cáo thuế DN luôn có một báo cáo thu chi thật.
Những khoảng trống và chưa phù hợp trong chính sách thuế nêu trên là lý do khiến các chuyên gia cho rằng, cần phải đơn giản hoá hơn nữa những thủ tục hành chính thuế không cần thiết đối với DN. Về thuế với DN siêu nhỏ, quy mô doanh thu dưới 1 tỷ đồng, thì thuế thu nhập DN theo kê khai nên khoán. Vì nếu lấy doanh thu trừ chi phí thì sổ sách kế toán không khác gì DN lớn.
Về thuế TNDN, cũng có thể cho phép lựa chọn phương pháp nộp thuế theo kê khai, hoặc nộp theo tỷ lệ cố định. Tuy nhiên, cần nghiên cứu tỷ lệ khoán đơn giản, phù hợp hơn mức tính tỷ lệ khoán thuế TNDN như hiện nay. Đặc biệt để tránh thất thu thuế, ngành thuế phải xây dựng dữ liệu thu thuế cho từng ngành nghề, quy mô cửa hàng và “phải biết được doanh thu bình quân của họ để khoán thuế”, bà Cúc nói.
Việc đưa ra mức thuế phù hợp để DN chấp nhận được cho là sẽ khuyến khích nhiều người nộp. Còn nếu thu quá cao thì DN sẽ nghĩ cách trốn thuế. Ngược lại, thu quá thấp thì ngân sách thất thu và tạo tâm lý “nhờn luật”.