Dầu ăn hút vốn nhiều đại gia mới
Ảnh minh họa |
Mới đây, Công ty TNHH Dầu thực vật Miền Bắc (Nortalic) - đơn vị liên doanh giữa Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) và Công ty Musim mas Vietnam oils & Fats Pte. Ltd. của Singapore - đã xây dựng dự án nhà máy tinh chế sản xuất dầu ăn và các sản phẩm chiết xuất từ dầu ăn tại tỉnh Thanh Hóa.
Theo chủ đầu tư, nhà máy có tổng vốn đầu tư hơn 71,5 triệu USD, công suất thiết kế 1.500 tấn/ngày, sau giai đoạn I, hoàn thành vào tháng 12/2016, nhà máy có thể đạt công suất 600 tấn, với các sản phẩm dầu đậu nành, dầu hạt cải, dầu cọ, dầu cá... phục vụ thị trường Việt Nam và quốc tế.
Việc nhà đầu tư Singapore “nhảy” vào sản xuất dầu ăn tại Việt Nam chứng tỏ thị trường này vẫn còn sức hút rất lớn. Bởi thực tế, trước thời điểm nhà máy này được khởi công, Tập đoàn Kinh Đô (nay là CTCP Tập đoàn KIDO) cũng đã thoái vốn đầu tư bánh kẹo để lấn sân sang thị trường dầu ăn.
Cuối tháng 6/2015, “gã khổng lồ” của ngành bánh kẹo những năm trước đã hợp tác với 2 tập đoàn lớn của Malaysia để đầu tư mạnh vào sản xuất các sản phẩm dầu cọ đóng chai tại thị trường Việt. Trong khi đó, Tập đoàn Sao Mai An Giang (Sao Mai Group) cũng không chịu kém cạnh khi mạnh tay chi ra hơn 500 tỷ đồng để xây dựng nhà máy dầu ăn chế biến từ mỡ cá tra tại Đồng Tháp với công suất dự kiến lên tới 200 tấn/ngày.
Quan sát thị trường dầu ăn trong vòng 3 năm trở lại đây có thể thấy, mặc dù có sự sụt giảm về sản lượng và doanh thu (các thương hiệu dầu ăn lớn như Happi Koki của CTCP Thực phẩm An Long, Marvela của Công ty Golden Hope – Nhà Bè, Nakydaco của CTCP dầu thực vật Tân Bình… đều giảm số lượng bán ra hoặc ghi nhận kinh doanh lỗ trong các năm 2012-2013) nhưng các nhà đầu tư trong nước vẫn không ngừng tăng vốn và phát triển các sản phẩm mới.
Lý do khiến các tập đoàn này mạnh dạn đầu tư vì sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu đã được khắc phục ở nhiều dự án mới. Chẳng hạn Vocarimex đã chủ động liên kết với nhóm Công ty Hùng Cá (Đồng Tháp) xây dựng vùng nguyên liệu đậu nành quy mô 10.000 ha, Tập đoàn Sao Mai đã tận dụng được nguồn mỡ cá tra ước khoảng 140.000 tấn/năm từ các tỉnh khu vực ĐBSCL mà trước đây chỉ được dùng làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thức ăn gia súc, sản xuất dầu biodiesel và xuất khẩu thô với giá bán thấp.
Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor cho rằng, nguyên nhân chính gây sụt giảm doanh thu trong các năm qua của các DN ngành dầu ăn Việt Nam do phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Bởi quy mô thị trường dầu ăn Việt Nam hiện nay đạt khoảng 30.000 tỷ đồng/năm, nhưng đến 90% nguyên liệu phải nhập từ Malaysia và Indonesia.
Ngoài ra, từ năm 2012, thuế nhập khẩu dầu thực vật đã giảm về 0% theo lộ trình của các hiệp định thương mại ASEAN, do đó mức cạnh tranh trong nội bộ ngành trở nên khốc liệt khi các sản phẩm dầu ăn đến từ các quốc gia trong khu vực đổ bộ vào thị trường Việt.
Tuy nhiên, Euromonitor cũng nhận định rằng, giai đoạn 2011-2020, nhu cầu dầu ăn của người dân Việt Nam vẫn có thể ở mức cao nhất khu vực châu Á, tốc độ tiêu thụ dầu ăn tăng nhanh theo từng năm. Chính vì vậy sự nhộn nhịp đầu tư vào thị trường này của nhiều DN mới, trong đó có những dự án lên tới hàng trăm triệu USD cho thấy rằng, sức nóng của ngành này vẫn đang duy trì được tốc độ tăng trưởng đều đặn 7-9%/năm.
Và trong vòng 1-2 năm tới, khi các tập đoàn mới hình thành và đưa vào hoạt động các nhà máy mới với công suất lớn thì rất có thể sẽ có những toan tính phân chia lại thị phần bằng các chiến lược bán hàng và các thương vụ sáp nhập DN ngành dầu ăn trong nước.