Đẩy mạnh chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Hội nghị thu hút gần 400 đại biểu là các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại, đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh nhằm cùng nhau nhìn nhận và tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp |
Trong 9 tháng đầu năm các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã giải ngân cho vay đối với 481 doanh nghiệp, dư nợ đạt 4.457 tỷ đồng. Trong đó, cho vay phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao 22 tỷ đồng, cho vay ứng dụng công nghệ cao đạt dư nợ 178 tỷ đồng. Đặc biệt, hệ thống các TCTD trên địa bàn đã hỗ trợ giảm lãi suất, giảm phí... cho 45 doanh nghiệp với dư nợ 232 tỷ đồng. Cùng với đó, các doanh nghiệp khi tham gia mua bảo hiểm đối với đối tượng sản xuất nông nghiệp hình thành từ nguồn vốn vay, sẽ được TCTD giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm so với lãi suất của các khoản cho vay cùng loại và có thời hạn tương ứng.
Hệ thống các TCTD trên địa bàn đã tiếp tục cải tiến, đổi mới, hiện đại hóa quy trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng đến giao dịch. Các TCTD cũng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho khách hàng về các sản phẩm, dịch vụ để khách hàng nắm rõ các quyền lợi, nghĩa vụ khi thực hiện các giao dịch với ngân hàng.
Cùng với đó, các ngân hàng đã nghiên cứu bố trí nguồn vốn cần thiết để phát triển các gói sản phẩm cho vay tiêu dùng đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống chính đáng của người dân; xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả nợ đúng hạn, qua đó giúp người dân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng thuận lợi, hạn chế người dân tìm đến tín dụng đen.
Mặt khác, các ngân hàng cũng tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cung cấp sản phẩm, dịch vụ, tăng tính ưu việt của các sản phẩm, dịch vụ, tiện ích ngân hàng. Tạo điều kiện cho các DNNVV trong quá trình sản xuất gặp khó khăn được cơ cấu lại thời gian trả nợ cho vay mới, cho vay ưu đãi, miễn, giảm lãi tiền vay...
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành khẳng định: Tại Vĩnh Phúc, trong các năm qua lãnh đạo UBND tỉnh đã rất tích cực trong việc chỉ đạo các cấp, các ngành, cùng hệ thống ngân hàng triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận các nguồn vốn nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh; góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp là hội nghị đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng ngân hàng. Đây cũng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hợp lý và các dịch vụ ngân hàng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh doanh của doanh nghiệp. |
Đặc biệt, để khuyến khích nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp và người dân được các TCTD xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa 70% giá trị của dự án, phương án. Theo đó, khách hàng có dự án, phương án sản xuất nông nghiệp thực hiện trong khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Khách hàng doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp không thuộc khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đều có thế tiếp cận vốn vay của các TCTD mà không cần tài sản đảm bảo. Đồng thời, khách hàng còn được sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay của dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp làm tài sản bảo đảm.
Toàn cảnh hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc |
Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Văn Tâm cho biết, trước những khó khăn của doanh nghiệp, người dân, NHNN Chi nhánh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn cải tiến, cắt giảm thủ tục cho vay, quy trình dịch vụ, thúc đẩy tiếp cận tín dụng như cắt giảm các loại giấy tờ trong hồ sơ... Tiếp tục cải tiến mô hình giao dịch một cửa, giảm bớt thông tin phải kê khai của khách hàng từ đó giảm chi phí hoạt động, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ đối với khách hàng. Đồng thời chỉ đạo các TCTD tiến hành đánh giá, rà soát, cắt giảm các loại phí, duy trì công khai trên trang tin điện tử các thông tin về quy trình, thủ tục cung cấp dịch vụ đối với khách hàng...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có khoảng trên 10.000 doanh nghiệp, tuy nhiên số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động chiếm tỷ lệ khá cao gần 30%. Các doanh nghiệp còn đang hoạt động thì đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, năng lực tài chính còn yếu; quy mô hoạt động nhỏ lẻ; tài sản đảm bảo hạn chế; sản phẩm, hàng hóa sản xuất ra không có tính cạnh tranh cao. Cùng với đó, các doanh nghiệp vốn tự có thấp, chủ yếu phụ thuộc vốn vay ngân hàng nên phát triển không bền vững... Đây là những lý do chính khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng, vì khi ngân hàng thẩm định hồ sơ phải đảm bảo doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động kinh doanh hiệu quả...
Cũng theo Giám đốc NHNN tỉnh Vĩnh Phúc, sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các TCTD tuy đã đạt được những kết quả nhất định, song tiến độ xử lý nợ xấu còn chậm, UBND tỉnh cần quan tâm chỉ đạo các cơ quan, ban ngành liên quan thực hiện tốt Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 02/10/2017 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất, thủ tục giao dịch bảo đảm và các thủ tục hành chính liên quan, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ vay vốn ngân hàng.