Đẩy mạnh hợp tác khơi thông dòng vốn
Tổ chức hội nghị trực tuyến ngành Ngân hàng | |
Hành động vì doanh nghiệp | |
Cam kết đồng hành lâu dài với DN |
Đó là điều mà Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hoàng Công Thủy, cũng như Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Phú Thọ Phạm Trường Giang mong muốn từ cuộc gặp gỡ với các TCTD trên địa bàn tỉnh, các sở, ban ngành liên quan, Hiệp hội DNNVV, Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ.
Cái lạ tại cuộc họp ấy, là Chủ tịch Hiệp hội DNNVV của tỉnh Nguyễn Mạnh Thản không đề xuất kiến nghị thắc mắc nào từ phía các DN thành viên của ông. Thay vào đó là nhắc lại những lời giải thích mà ông đã từng nói với các hội viên của mình.
“Cái mắc khiến ngân hàng không cho vay được trong khi DN có nhu cầu là vì DN không đủ điều kiện cho vay. Giống như DN khi bán hàng phải tính đến việc có thu được tiền về không, ngân hàng cũng vậy, khi cho vay phải tính chuyện thu được gốc, được lãi về. Nếu DN có tài sản thế chấp và dự án được thẩm định khả thi thì ngân hàng cho vay nhẹ tênh. Nhưng nếu không đáp ứng được những yếu tố này thì khó cho ngân hàng”, ông nói.
Với một người gắn bó lâu năm với hoạt động của DN cũng như Hiệp hội DNNVV, hơn ai hết ông hiểu rằng “hoạt động của ngân hàng thể hiện sức sống của địa phương”. Những con số của NHNN Chi nhánh Phú Thọ đưa ra một bức tranh nhiều gam sáng với sự phát triển kinh tế của tỉnh mà hạt nhân là DN.
Việc triển khai quyết liệt nhiệm vụ kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu ngân hàng, chính sách tiền tệ triển khai đồng bộ linh hoạt, lãi suất áp dụng hợp lý trên cơ sở tiết giảm chi phí hoạt động kinh doanh mà NHNN đã yêu cầu các TCTD thực hiện thời gian qua đã góp phần chia sẻ khó khăn cho DN.
Nỗ lực kết nối với chính quyền địa phương để đưa tín dụng vào các chương trình trọng điểm kinh tế tỉnh, cùng với việc mở rộng hợp tác với Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Ban Dân vận Tỉnh uỷ từ năm 2014, Chi nhánh NHNN cùng hệ thống các TCTD đã kịp thời lắng nghe, thấu hiểu từ đó khơi thông dòng vốn tín dụng cho DN và người dân trên địa bàn.
Hiệu quả của Chương trình kết nối NH và DN được triển khai sâu rộng từ trước đó đã góp phần đưa tín dụng vào sản xuất. Cái thời DN kêu khó vay vốn đã không còn, thay vào đó là sự chủ động tìm kiếm khách hàng của 18 chi nhánh ngân hàng cấp I, 15 chi nhánh ngân hàng cấp huyện, thị xã thuộc hệ thống Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 122 phòng giao dịch, 36 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở hoạt động tại 53 xã.
Dòng vốn tín dụng vì thế cũng đã có màu sắc mới trong 6 tháng đầu năm 2016 khi đã tăng trưởng từ đầu năm thay vì quy luật những năm trước phải sang quý III, đã góp phần tích cực hỗ trợ phát triển kinh tế của tỉnh.
Dòng vốn tín dụng không chỉ được trải rộng theo các ngành nghề, lĩnh vực đa dạng với tín dụng trung và dài hạn tăng phản ánh kỳ vọng của người dân và DN về sự phát triển của nền kinh tế nói chung và Phú Thọ nói riêng. Tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm thấp hơn so cùng kỳ do hàng tồn kho giảm, thanh khoản tăng cao cũng cho thấy một dự cảm kinh tế sáng rạng hơn.
Giám đốc NHNN Chi nhánh Phú Thọ Phạm Trường Giang cho biết trong hơn 2.200 DN có phát sinh thuế của tỉnh, con số các DN có quan hệ với ngân hàng đã lên tới hơn 1.700 DN. Dòng vốn ấy cũng trở thành một trợ lực cho thu hút cũng như gắn bó nhà đầu tư nước ngoài vào tỉnh với 34 DN FDI có quan hệ tín dụng, chủ yếu cho vay vốn lưu động, bổ sung thanh toán.
Những dự định cho việc khơi thông hơn nữa môi trường kinh doanh cho DN, trong đó có việc công khai minh bạch thông tin tín dụng, tạo điều kiện cho các DN tiếp cận vốn đã được NHNN Chi nhánh tỉnh cũng như các TCTD đặt ra, như tiếp tục cho vay vào các chương trình trọng điểm của tỉnh, với ngành chè, chế biến nông, lâm sản, DN xuất khẩu, cho vay thí điểm theo chuỗi từ đầu vào đến đầu ra, tham mưu cho tỉnh để hỗ trợ các gắn kết này; làm tốt công tác truyền thông…
Tuy nhiên, những nỗ lực từ phía ngành Ngân hàng đang rất cần sự chia sẻ từ các đơn vị liên quan. Chính vì vậy, theo Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Phú Thọ, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phát huy vai trò tham mưu, quản lý, chỉ đạo triển khai các chủ trương, chính sách của Nhà nước, của Ngành và cấp uỷ, chính quyền địa phương quản lý điều hành hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng trên địa bàn đảm bảo an toàn toàn hệ thống.
Và quan trọng hơn, NHNN sẽ tiếp tục siết chặt bắt tay hợp tác với Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Ban Dân vận Tỉnh uỷ và các sở, ban ngành để tiếp tục tháo gỡ những rào cản tín dụng mà nhiều khi không phát sinh từ nội tại các quy định của ngân hàng.
Những khó khăn, trăn trở của các TCTD đã được Phó Chủ tịch tỉnh cũng như các sở, ban ngành chia sẻ. Tuy nhiên, trong bối cảnh của một tỉnh đang trên đà phát triển, lãnh đạo tỉnh cũng đã đặt ra những bài toán cũng như những gợi ý chính sách cho NHNN Chi nhánh cũng như các TCTD trên địa bàn để phát huy tối đa các lợi thế kinh tế của địa phương.
Trong đó, bên cạnh việc tiếp tục mở rộng tín dụng nhưng đảm bảo chất lượng tín dụng đưa tín dụng đến vùng sâu, vùng xa, thực hiện tốt Chương trình kết nối NH - DN, Phó Chủ tịch tỉnh Hoàng Công Thuỷ mong muốn hệ thống ngân hàng trên địa bàn cần hướng đến kinh tế hợp tác với sự bắt tay chặt chẽ để khơi dòng tín dụng cho nông trại, trang trại và nông dân…
Những gam màu của hoạt động ngân hàng đang được sáng hơn khi Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhìn nhận những năm qua, mối quan hệ của lãnh đạo Chi nhánh NHNN, ngân hàng chuyên doanh với lãnh đạo tỉnh, và các sở ngành đã có những đổi mới căn bản. Sự gắn kết này hứa hẹn những chuyển động mạnh của tín dụng theo dòng chảy phát triển kinh tế - xã hội trên quê hương đất Tổ.