Đẩy mạnh kiểm soát an toàn thực phẩm
Nước mắm độc hay không? | |
Đấu tranh mạnh với thực phẩm bẩn |
Ảnh minh họa |
Trong thời gian qua, TP.HCM luôn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn, vệ sinh thực phẩm, thực hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tiêu hủy thực phẩm không an toàn, truy xuất nguồn gốc hàng hóa thực phẩm... Tuy nhiên, vẫn còn đó nỗi lo về thực phẩm không an toàn trên địa bàn thành phố với trên 12 triệu dân và là đầu mối lưu thông, tiêu thụ lượng lớn thực phẩm trong nước và nhập khẩu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân...
Vừa qua, báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 13 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, trong thời gian qua, UBND TP.HCM cho biết, thực trạng sản xuất và kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn thành phố chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ lẻ.
Lãnh đạo TP.HCM thẳng thắn nhìn nhận, một bộ phận không nhỏ hộ sản xuất, kinh doanh do thiếu lương tâm, thiếu ý thức đạo đức kinh doanh, chạy theo lợi nhuận, đưa ra thị trường những sản phẩm thực phẩm không an toàn, vệ sinh.
Hiện, trên địa bàn thành phố có 55.931 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong 9 tháng đầu năm 2016, cơ quan chức năng đã lấy 6.763 mẫu thực phẩm để kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm kết quả có 2.266 mẫu không đạt (tỷ lệ 33,5%, tăng 8,5% so với cùng kỳ là 25%).
Số mẫu thực phẩm không đạt đã được chuyển cho các đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm thành phố và quận, huyện để tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý theo quy định. Tổng số tiền xử phạt về an toàn vệ sinh thực phẩm sau khi thanh tra kiểm tra hơn 20.612.338.962 đồng và thu hồi, tiêu huỷ khoảng 270 tấn thực phẩm các loại.
Riêng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiểm tra và xử phạt 4.355 trường hợp vi phạm với số tiền phạt hơn 5 tỷ đồng với các lỗi vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch; kinh doanh các sản phẩm nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm; kinh doanh rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn tối đa cho phép...
Lãnh đạo UBND nhận định khó khăn trong việc kiểm soát đối với nông sản thực phẩm, thủy hải sản từ các tỉnh vào thành phố. Khoảng 70% lượng nông sản thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn có nguồn gốc từ các tỉnh, trong khi nạn sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt tại các tỉnh đang là vấn đề nóng chưa giải quyết được.
Vẫn còn bất cập trong quản lý thức ăn đường phố, cửa hàng ăn uống không phép: tràn lan, thiếu quy hoạch, gây mất trật tự giao thông, mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường và không kiểm soát được về điều kiện chế biến, nguyên liệu chế biến, phụ gia sử dụng, bảo quản, cũng không xử lý được vì đối tượng rất cơ động, không có nơi cư ngụ ổn định, thậm chí không có giấy tờ tùy thân.
Để giải bài toán khó này, lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết, nhiều đơn vị tham gia sử dụng nhãn hiệu “Chuỗi thực phẩm an toàn” trên các sản phẩm đã được công nhận quản lý và đã được kết nối tiêu thụ sản phẩm tại các siêu thị, cửa hàng kinh doanh sản phẩm an toàn.
Trong khi sản lượng nông sản tự sản xuất tại thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 15 - 20% nhu cầu, phần còn lại phải nhập từ các tỉnh hoặc nhập khẩu qua nhiều đường khác nhau, phần lớn chưa kiểm soát được nguồn gốc. Chính vì vậy, ngoài việc đảm bảo giám sát thực phẩm từ các nguồn sản xuất trên địa bàn, TP. HCM cũng đã hướng đến phối hợp với các tỉnh thành khác giám sát nguồn sản xuất thực phẩm cung ứng cho thị trường thành phố.
Cho đến nay, thành phố đã cấp 97 Giấy Chứng nhận đủ điều kiện tham gia “chuỗi thực phẩm an toàn” cho trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế vào chuỗi cho 45 cơ sở thuộc địa bàn TP.HCM và 10 tỉnh khác như Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu.
Tổng sản lượng dự kiến cung cấp cho thành phố là 34.699 tấn/năm chưa tính 202.575.000 quả trứng gà/năm và nước mắm 4,4 triệu lít/năm. Các sản phẩm được chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn cũng đã sử dụng logo chuỗi thực phẩm an toàn; các sản phẩm đạt chuỗi đã được phân phối tiêu thụ trong các điểm kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố.
Không dừng lại đó, TP.HCM đã tổ chức và triển khai ký kết thỏa thuận hợp tác quản lý với 21 tỉnh khác trong việc kiểm soát nguồn nông sản thực phẩm theo chuỗi. Thực phẩm sẽ được kiểm soát từ khâu chăn nuôi, sản xuất, nuôi trồng đến tiêu thụ sản phẩm; đảm bảo truy xuất nguồn gốc và từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm an toàn, thông tin tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm.
Đồng thời, đề xuất Chính phủ kéo dài thời gian và mở rộng đối tượng được thí điểm thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm để có thêm thời gian triển khai hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm hiệu quả trên địa bàn và đúc kết nhiều kinh nghiệm cho hoạt động thanh tra chuyên ngành của thành phố.
Để thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người dân, UBND TP.HCM cũng kiến nghị Chính phủ cho phép thành lập thí điểm Ban Quản lý An toàn, vệ sinh thực phẩm trực thuộc UBND.