Đấu tranh mạnh với thực phẩm bẩn
Xây chuỗi liên kết để chống thực phẩm bẩn | |
Gian nan kiểm soát thực phẩm bẩn |
Hà Nội có hàng trăm cơ sở sản xuất bánh Trung Thu, rất khó để kiểm soát vệ sinh ATTP |
Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh ATTP TP. Hà Nội cho biết thêm, từ đầu năm đến nay tỷ lệ các cơ sở bị xử phạt do vi phạm ATTP trên địa bàn tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ tính riêng trong Tháng hành động vì ATTP (từ ngày 15/4 đến 15/5/2016), các đoàn kiểm tra ATTP của thành phố đã kiểm tra hơn 10.000 cơ sở, phát hiện hơn 3.000 cơ sở vi phạm, phạt cảnh cáo 571 cơ sở, xử phạt hành chính 448 cơ sở với số tiền hơn 1,67 tỷ đồng, tiêu hủy nhiều sản phẩm không bảo đảm an toàn...
Các con số thống kê trên cho thấy, ATTP đang là vấn nạn nhức nhối, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân. Trong khi đó, cũng theo ông Tụ, các vụ việc vi phạm về ATTP ngày càng tinh vi hơn, nên việc phát hiện và xử lý gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, một trong những mối lo thường trực và nhức nhối nhất hiện nay trong công tác đảm bảo vệ sinh ATTP là việc sử dụng hóa chất độc hại, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh trong sản xuất, nuôi trồng và chế biến thực phẩm.
Tuy nhiên, rủi ro mất ATTP có thể còn lớn hơn nữa trong thời gian tới, bởi Hà Nội đang bước vào mùa sản xuất kinh doanh bánh Trung thu. Việc đảm bảo vệ sinh ATTP trong dịp này lâu nay luôn là nỗi lo thường trực không chỉ cho cơ quan quản lý mà cả với người dân, khi mà Hà Nội có tới vài trăm cơ sở sản xuất loại bánh truyền thống này. Trong đó, nhiều cơ sở sản xuất một cách tự phát, nhỏ lẻ, cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn khi kiểm soát chất lượng sản phẩm và vệ sinh ATTP.
Các chuyên gia cho rằng, phòng chống thực phẩm bẩn thậm chí đã trở thành một cuộc chiến thực sự và lâu dài, bởi các cơ sở sản xuất “đến hẹn lại lên” với vòng quay vi phạm-xử phạt-tiếp tục vi phạm. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng rất cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định vệ sinh ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giết mổ, chế biến thực phẩm.
Chính quyền địa phương cần đẩy mạnh các hoạt động thanh tra chuyên ngành ATTP, nhất là tại các quận, huyện; tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chất lượng thực phẩm tại các chợ, siêu thị...
Trước tình hình đó, Hà Nội chủ trương quyết liệt đấu tranh với nạn thực phẩm bẩn đang tràn lan. Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa qua đã chỉ đạo thành lập 5 đoàn kiểm tra gắt gao công tác vệ sinh ATTP tại nơi giết mổ, địa điểm bán hàng tươi sống và tại các chợ.
Đây là các đoàn kiểm tra liên ngành, mà trực tiếp phụ trách là lãnh đạo các Sở Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ngoài ra còn có sự tham gia của lực lượng Công an TP. Hà Nội. UBND TP. Hà Nội cho biết, toàn bộ 5 đoàn sẽ áp dụng hình thức kiểm tra đột xuất từ tháng 6/2016 đến hết năm nay.
Theo đó, một số tiêu chí cần tập trung thanh tra nghiêm ngặt như nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, thiết bị bảo quản, dụng cụ, thiết bị bảo hộ lao động. Người bán hàng cũng phải có kiến thức, được đào tạo, có chứng chỉ, được cập nhật hàng năm về vệ sinh ATTP.
Đại tá Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an TP. Hà Nội khẳng định sẽ kiên quyết không để thực phẩm bẩn lưu thông trên thị trường. Các lực lượng chức năng của thành phố sẽ đẩy mạnh phối hợp, phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng kinh doanh, vận chuyển thực phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh ATTP, vệ sinh môi trường; kiên quyết không để tồn tại thực phẩm bẩn lưu thông.
Các lực lượng cũng sẽ tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm; tăng cường kiểm tra vệ sinh thú y, phòng chống dịch bệnh; quản lý chặt chẽ hoạt động giết mổ, tiêu thụ...
Còn theo Sở Y tế Hà Nội, trong 6 tháng cuối năm các đơn vị trực thuộc sở sẽ tăng cường triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo ATTP. Đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra chuyên ngành, đặc biệt là thanh kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm vi phạm hành chính về ATTP; phối hợp chặt chẽ với liên ngành và đẩy nhanh tiến độ thí điểm thanh tra chuyên ngành tại 5 quận huyện và 10 xã phường.
Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn để bảo đảm sức khỏe cho bản thân và người tiêu dùng.