Để giảm lãi suất cho vay phải tiết giảm chi phí, xử lý nợ xấu
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã khuyến nghị như vậy khi đánh giá về thị trường tiền tệ - ngân hàng tại Báo cáo Tình hình kinh tế tháng 7 và 7 tháng đầu năm. Theo Ủy ban, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong tháng 7 vẫn ở mức dồi dào, biểu hiện ở mặt bằng lãi suất liên ngân hàng qua đêm tính đến 18/7 là 1,11%, giảm 0,14 điểm % so với tháng 6. Đây là mức lãi suất O/N thấp nhất trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục hút ròng hơn 26.000 tỷ trong khoảng 3 tuần từ 01-22/7.
Đi sâu phân tích nguyên nhân khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng khá dồi dào, NFSC cho biết chủ yếu do huy động tăng cao so với cùng kỳ (tính đến cuối tháng 6 tăng 10,2% so với đầu năm; cùng kỳ 2015: tăng 6%), trong khi tín dụng chỉ tăng ở mức tương đương (tính đến 30/6/2015, tăng trưởng tín dụng đạt 8,16% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm 2015 là 7,86%).
Một nguyên nhân nữa là cung tiền tăng khá mạnh (tính đến 31/5/2016, M2 tăng 6,77% so với cuối năm 2015; cùng kỳ 2015: tăng 3,8%) do NHNN đã bơm vào hệ thống khoảng 180.000 tỷ đồng thông qua việc mua ngoại tệ, trong khi tính đến 22/7/2016 hút ròng khoảng 116.000 tỷ đồng.
Một điểm tích cực nữa là mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì được sự ổn định mặc dù sức ép lạm phát tăng cao.
Theo NFSC, việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong những tháng cuối năm để hỗ trợ doanh nghiệp có sơ sở thực hiện nhờ mấy yếu tố.
Thứ nhất, thanh khoản hệ thống đang khá dồi dào, có thể đảm bảo được nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế trong năm 2016. Bên cạnh đó, cơ cấu tín dụng đang chuyển dịch tập trung cho 5 lĩnh vực ưu tiên, phù hợp với chủ trương của Chính phủ.
Thứ hai, lãi suất TPCP tiếp tục giảm ở các kỳ hạn. Việc phát hành trái phiếu Chính phủ đã đạt 85% kế hoạch năm (phát hành 250 nghìn tỷ đồng) sẽ giảm thiểu gây áp lực tăng lãi suất.
Thứ ba, lạm phát tăng so với năm trước nhưng dự báo cả năm vẫn ở mức thấp (3,5-4%).
Thứ tư, tỷ giá và thị trường ngoại hối từ đầu năm vẫn khá ổn định. Dự báo tỷ giá cuối năm chỉ dao động trong khoảng kỳ vọng (3%).
Cuối cùng, lợi nhuận 6 tháng đầu năm các NHTM tương đối khả quan, tạo dư địa cho việc xử lý nợ xấu và tiết giảm chi phí hoạt động của hệ thống.
Mặc dù các điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất đang có nhiều yếu tố thuận lợi, song theo NFSC, để duy trì việc giảm mặt bằng lãi suất, “hệ thống ngân hàng cần phải chủ động tiết giảm chi phí hoạt động, đẩy mạnh xử lý nợ xấu để giảm trích lập dự phòng”.