Để khai thác tốt tiềm năng thị trường EU
Nông dân khốn khó vì hồ tiêu | |
Để nâng cao giá trị cho sản phẩm chè | |
Xuất khẩu: Nỗi lo ngắn trên chặng đường dài phát triển |
Theo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương), EU là một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới về rau, củ, quả tươi. Hơn 80% hàng xuất khẩu tươi của các nước EU là cung cấp trong nội khối. Việc trồng trọt ở EU được tổ chức tốt và được tối ưu hóa từ khâu tiếp thị đến bán hàng trực tuyến. Hiện nay, EU có trên 1 triệu hộ trồng rau, 1,5 triệu hộ trồng cây ăn quả. Trong đó, cây cho các loại hạt (óc chó, hạt dẻ, hạnh nhân…) chiếm tỷ lệ diện tích lớn nhất. Tiếp đến là diện tích cây ăn quả, nhóm cây họ táo, lê và các cây khác như đào, mơ, mận và cherry, cây có múi… Nhóm các sản phẩm trái cây nhiệt đới và cận nhiệt đới (như kiwi, chuối, dâu, nho) rất ít nên cũng là nhóm hàng được nhập khẩu nhiều.
Ảnh minh họa |
Về thương mại, sản xuất rau quả tại EU chủ yếu phục vụ nhu cầu nội khối, với giá trị xuất khẩu rau quả nội khối cao gấp 7 lần so với xuất khẩu ra ngoài khu vực EU. Thị trường EU chủ yếu nhập khẩu các loại hạt khô, trái cây tươi và chuối, từ các nước, với giá trị khoảng 19,1 tỷ EUR mỗi năm. Trong đó, nhập khẩu trái cây chiếm tới 88,4% tổng kim ngạch, với các loại chính chuối, dứa, bơ và quả sung (vả), nho và quả có múi. Thị trường cung cấp rau quả nhập khẩu cho EU là nhiều quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Morocco và Costa Rica (khoảng 50% kim ngạch nhập khẩu rau quả vào EU là từ 5 quốc gia này).
Tại EU, khoảng 75% lượng rau quả tươi được tiêu thụ trên thị trường thông qua hệ thống các siêu thị. Các yêu cầu và điều kiện về hàng hóa nhập vào mà các siêu thị ở đây đặt ra là rất khắt khe. Xu hướng tiêu dùng của người dân EU hiện xem rau, quả là một thay thế lành mạnh cho đồ ăn nhẹ truyền thống. Và rau ăn liền là một thị trường đang có tiềm năng lớn tại các nước EU. Các doanh nghiệp xuất khẩu có thể tiếp cận xu hướng này bằng cách cung cấp trái cây chín cũng như các sản phẩm rau, củ cỡ nhỏ, phù hợp người tiêu dùng như, đu đủ bi, dưa hấu bi, dưa chuột bao tử và cà chua anh đào…
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, mặc dù sản xuất nội khối lớn, song nhu cầu tiêu thụ lại lớn hơn, nên EU vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả hàng đầu, chiếm khoảng 50% nhập khẩu rau quả thế giới. Đối với rau quả xuất khẩu của Việt Nam, mặc dù EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2, nhưng hàng Việt lại chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chỉ 0,8% lượng rau quả nhập khẩu của EU, chủ yếu là trái cây (dứa, thanh long, chôm chôm, xoài).
Việc xuất khẩu rau quả vào EU luôn là khó khăn với doanh nghiệp Việt, do sức cạnh tranh còn yếu; đồng thời, là các quy tắc và quy định kỹ thuật nghiêm ngặt như yêu cầu về chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch thực vật rất cao. Ngoài ra, rau quả Việt gần như chưa tiếp cận được phân khúc sản phẩm chế biến tại thị trường này, công nghiệp chế biến nông sản của Việt Nam còn rất yếu và thiếu.
So với nước cạnh tranh là Thái Lan, thì Việt Nam chưa có sản phẩm bưởi, sầu riêng tách vỏ, trong khi người tiêu dùng EU ưa thích rau quả tách vỏ, ăn liền tiện lợi, nhưng được xử lý bằng kỹ thuật hiện đại. Đặc biệt, hiện đến 80%-90% sản phẩm nông sản của Việt Nam có hàng hoá thay thế ở thị trường EU.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, trong tương lai gần, rau quả Việt Nam có nhiều thuận lợi hơn khi xuất khẩu vào thị trường EU, do các Hiệp định thương mại thực thi (EU xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả) từ 2020. Song để có thể tận dụng được lợi thế này, doanh nghiệp xuất khẩu và cả ngành nông nghiệp cần nhiều sự thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ hơn.a