Xuất khẩu: Nỗi lo ngắn trên chặng đường dài phát triển
Cà phê xuất khẩu giảm cả lượng và chất | |
Thường trực Chính phủ bàn giải pháp thúc đẩy thương mại với các đối tác lớn | |
Xuất khẩu trực tuyến: Cơ hội mới của doanh nghiệp Việt |
Xuất khẩu giảm tốc
Trong 7 tháng qua, một điểm đáng mừng là xuất khẩu của các DN trong nước tăng trưởng tốt hơn (tăng 12,2%), nhưng nhiều sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm nông sản chủ lực (gạo, cà phê, điều…) và thủy sản (cá tra) cũng giảm mạnh. Bên cạnh đó, sự giảm tốc của khu vực FDI đã làm cho xuất khẩu 7 tháng ước tính đạt 145,13 tỷ USD, chỉ tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây.
Xuất khẩu nửa cuối năm được kỳ vọng sẽ có những cải thiện nhất định |
Nguyên nhân quan trọng nhất khiến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giảm trong 7 tháng qua là nhu cầu suy giảm và bất định gia tăng của thương mại toàn cầu, nhất là liên quan đến một số thị trường lớn của Việt Nam như Trung Quốc (chỉ tăng 0,1%), EU (chỉ tăng 0,4%). Trong khi đó, báo cáo theo dõi thương mại Việt Nam của Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân (Công ty SSI) công bố mới đây nhận định, mặc dù được kỳ vọng hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và các FTA đã có nhưng xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn chưa tận dụng được thời cơ để tạo lợi thế với các đối thủ cạnh tranh.
Tuy nhiên, trong 7 tháng qua, xuất khẩu hàng dệt may đạt 18,3 tỷ USD, tăng 10,5% và là mức tăng cơ bản ổn định. Ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD (kịch bản thấp là đạt hơn 38 tỷ USD) trong năm 2019. Hơn nửa chặng đường đã đi qua và có lẽ ngành này sẽ cần đến hai từ “đột phá” mới mong đạt được mục tiêu đề ra. Tương tự như vậy, trong nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ lực, thì giày dép có kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng đạt 10,4 tỷ USD, tăng 13,8%, chỉ cải thiện nhẹ so với cùng kỳ.
Đồng thời, do trong nhiều năm qua, xuất khẩu phụ thuộc chủ yếu vào khu vực FDI, nên sự giảm tốc mạnh của khu vực này khiến đà tăng chung nhanh chóng giảm sút.
Lời giải đến từ năng lực cạnh tranh
Tuy nhiên nửa cuối năm, xuất khẩu được kỳ vọng sẽ có những cải thiện nhất định. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất có tín hiệu tích cực hơn (đạt 52,5 điểm trong tháng 6), với lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng và số việc làm cũng tăng trở lại. Trong khi đó, nhập khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng - một chỉ báo quan trọng cho hoạt động sản xuất trong 7 tháng đạt 20,8 tỷ USD, tăng 12,7%; nhập khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đạt 28,2 tỷ USD, tăng 19%; nhập khẩu điện thoại và linh kiện sau khi giảm mạnh trong quý I (giảm 16%) đã tăng tốt trở lại trong quý II (tăng 14%) và tiếp tục tăng mạnh trong tháng 7 (tăng 30,2% so với tháng trước). Điều này củng cố cho sự hồi phục của xuất khẩu điện thoại trong ít nhất là quý III, từ đó hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế nói chung.
Trong nông nghiệp, dù còn nhiều khó khăn nhưng cũng xuất hiệu những yếu tố tích cực. Đơn cử, mặt hàng rau quả dù xuất khẩu 7 tháng chỉ đạt 2,3 tỷ USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ nhưng lại là sự vươn lên mạnh mẽ sau khi sụt giảm mạnh trong quý I. Đáng chú ý, Việt Nam đã có được tăng trưởng cao về xuất khẩu nông sản vào các thị trường phát triển như EU, Mỹ, Australia…
Việc nhiều sản phẩm trái cây (xoài, thanh long, nhãn, chôm chôm, vải thiều, vú sữa…) đang từng bước thâm nhập được vào các thị trường “khó tính” cho thấy khả năng mở rộng thị trường và đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản chủ lực khác vẫn ghi nhận tốc độ tăng tích cực cả về giá và lượng trong 7 tháng qua, như cao su đạt 1,1 tỷ USD, tăng 4,4% (lượng tăng 8,2%) và hạt tiêu đạt 528 triệu USD, tăng 1,9% (lượng tăng 35,1%) và kỳ vọng đà tăng sẽ tiếp tục được duy trì.
Như vậy, vẫn có thể hy vọng xuất khẩu Việt Nam sẽ tiếp tục có cải thiện trong những tháng còn lại của năm 2019. “Dẫu có hy vọng, nhưng tăng trưởng toàn cầu yếu và những hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là từ Trung Quốc sẽ còn kìm hãm xuất khẩu của Việt Nam, ít nhất là trong năm 2019. Các FTA là chưa đủ để tạo lợi thế nổi trội trong cuộc cạnh tranh giành thị phần với các quốc gia khác”, báo cáo theo dõi thương mại Việt Nam của Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân (Công ty SSI) nhận định.
Hiện xuất khẩu Việt Nam được hưởng nhiều ưu đãi với 12 FTA đang có hiệu lực kể cả CPTPP, cùng với 4 FTA đang trong quá trình đàm phán và hoàn tất. Tuy nhiên, để tận dụng được những ưu đãi này đòi hỏi các DN phải nỗ lực cải thiện năng lực sản xuất để mở rộng thị trường, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế nhiều quốc gia đang tăng trưởng chậm lại khiến sức cầu suy yếu. Do đó, sự năng động của các DN, nhất là khối DN trong nước, mới là nhân tố quyết định để tận dụng được các cơ hội đến từ các FTA hay chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Nhìn dài hạn hơn, một nền tảng vững chắc đến từ năng lực cạnh tranh của các DN, với nòng cốt là khối tư nhân mới thực sự là những hứa hẹn và kỳ vọng cho tăng trưởng của Việt Nam. Điều đáng mừng là chính sách thúc đẩy kinh tế tư nhân từ Nghị quyết 10 đã và đang mang lại kết quả rõ rệt (thể hiện qua số liệu tăng trưởng đầu tư và số liệu tăng trưởng nhập khẩu máy móc thiết bị từ khối tư nhân trong nước đều tăng cao cho thấy sự vươn lên nhanh chóng). Vấn đề đặt ra là cần “giữ lửa” cho những thay đổi tích cực này tiếp tục diễn ra, đẩy mạnh hơn nữa cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tận dụng được các cơ hội mà hội nhập và các FTA mang tới.