Để thanh khoản hệ thống ổn định
Thường khi, cứ lãi suất huy động tăng là nghĩ ngay đến lý do “thanh khoản” thiếu. Nhưng thanh khoản của hệ thống ngân hàng được phản ánh chính xác nhất ở diễn biến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.
Từ giữa quý II, khá nhiều NHTM đẩy lãi suất huy động trung dài hạn lên và thị trường cũng xuất hiện những câu hỏi về khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Cũng đã có những ý kiến chỉ ra một vài dấu hiệu căng thẳng cục bộ ở một số NH nhỏ trong quý I và tháng 4 trước đó. Trong khi đó, lãi suất trên thị trường liên NH điều chỉnh giảm liên tục, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố đã nhiều lúc giảm xuống mức chỉ còn vài nghìn tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với mức cao điểm hơn 170 nghìn tỷ đồng hồi gần cuối tháng 1/2017.
Thanh khoản của hệ thống NH dồi dào
Diễn biến đó cho thấy thanh khoản của hệ thống NH ổn định và dồi dào.
Khẳng định “Thanh khoản 6 tháng đầu năm chưa có vấn đề gì”, nhưng TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng “cuối năm thì phải lưu ý”. Điều lưu ý của TS.Cấn Văn Lực cũng được nhìn thấy ở báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia.
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia tính đến hết tháng 6, tỷ lệ cho vay/ huy động (LDR) ước tính cả hệ thống TCTD là 87%, tăng 1,53 điểm % so với cuối năm 2016. Tăng trưởng huy động 6 tháng đầu năm ước tăng 6,1% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ là 10,2%). Thanh khoản tiếp tục được hỗ trợ thêm do tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại các NH tăng trong bối cảnh giải ngân đầu tư công chậm.
Cụ thể tính đến cuối tháng 5/2017, tiền gửi của KBNN là 143 nghìn tỷ đồng, tăng tới 50,2% so với đầu năm. Thanh khoản hệ thống NH dồi dào cùng với sự tham gia mạnh mẽ của khối bảo hiểm và các nhà đầu tư khác ngoài NH cũng giúp cho thị trường trái phiếu hoạt động sôi động hơn, và hiện KBNN đã hoàn thành tới gần 70% kế hoạch huy động vốn cho cả năm.
Tăng trưởng huy động 6 tháng đầu năm ước tăng 6,1% so với cuối năm 2016 |
Tuy nhiên, việc tăng trưởng huy động 6 tháng đầu năm 2017 tăng 6,1% (thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước là 10,2%) trong khi tăng trưởng tín dụng đã gần 8% ít nhiều khiến các chuyên gia lo ngại về tình trạng chênh lệch giữa cung và cầu vốn vay. Đáng lưu ý trong đó, tín dụng ngoại tệ đã tăng khá mạnh, ước tính 6 tháng đầu năm 2017 tăng 7,3% so cuối năm 2016 (trong khi cùng kỳ 2016 giảm 3,5%).
Bên cạnh đó, việc thúc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công cũng chắc chắn sẽ có những tác động nhất định đến thanh khoản. Như báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2017 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) nhận định: “Nếu vốn ngân sách được đẩy mạnh giải ngân vào cuối năm, có thể gây sức ép mới về thanh khoản và lãi suất”. TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VERP cũng lưu ý thêm, thanh khoản sẽ khó khăn hơn nếu tín dụng tăng nhanh như vừa qua trong khi huy động không theo kịp.
Áp lực thanh khoản từ giải ngân vốn đầu tư công
Cùng quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định: “tăng trưởng tín dụng đang cao hơn so với huy động, tức là các NH đang cho vay ra nhiều hơn huy động vào. Nếu tình trạng này tiếp diễn từ nay đến cuối năm thì thanh khoản sẽ khó khăn”.
Giới ngân hàng đang dự trù tình huống sẽ có sự chênh lệch giữa tỷ lệ cho vay và huy động, lại thêm khả năng vốn đầu tư công được thúc đẩy giải ngân mạnh hơn… đây là những yếu tố chính có thể tác động đến thanh khoản hệ thống NH từ nay đến cuối năm.
Theo ông Lực, tăng trưởng tín dụng năm nay tăng khoảng 17-18% gần như là chắc chắn rồi, trong khi tăng trưởng huy động vốn có thể thấp hơn. Hơn nữa, nếu nhìn dưới góc độ thanh khoản hệ thống NH, việc giải ngân nhanh đầu tư công từ nay đến cuối năm chính là áp lực vì lượng tiền KBNN đang gửi tại các NH sẽ giảm đi và chắc chắn điều này sẽ khiến thanh khoản căng hơn”.
TS. Lực cho rằng, để thanh khoản hệ thống tiếp tục ổn định trong thời gian tới, một mặt NHNN cần đảm bảo lượng bơm tiền vào - ra hợp lý qua kênh thị trường mở. Bên cạnh đó, cần tiếp tục mua vào ngoại tệ để vừa tăng thêm ngoại tệ, vừa có tiền đồng đẩy ra cho hệ thống NH. Đồng thời, cần phối hợp tốt chính sách tiền tệ và tài khóa để đảm bảo lượng trái phiếu chính phủ phát hành ra với liều lượng và thời điểm phù hợp để không tạo ra căng thẳng thanh khoản cho hệ thống NH, nhất là khi đã hoàn thành tới 70% kế hoạch đặt ra. Dù quan hệ cung - cầu ngoại tệ năm nay cơ bản là ổn nhưng cũng cần phải lưu ý hơn khi cho vay ngoại tệ đã tăng khoảng 6%, hơn nữa là khả năng Fed tăng lãi suất tiếp sẽ tạo áp lực tăng lãi suất cho vay USD trên thị trường.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, NHNN có trong tay các công cụ để hỗ trợ thanh khoản. Trong đó có công cụ về lãi suất mà NHNN vừa dùng, tức là hạ lãi suất điều hành xuống. Khi hạ như thế sẽ đẩy vốn vào thị trường liên NH tạo thanh khoản cho các NH. Bên cạnh đó, NHTW có thể dùng thị trường mở để có thể đẩy vốn ra. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, các công cụ đó chỉ có thể sử dụng rất chừng mực và phù hợp. Đơn cử, nếu đẩy ra nhiều tiền vào lưu thông thì có thể đẩy bùng lạm phát sau này. “NHNN ở trong thế giằng co giữa việc duy trì thanh khoản cho hệ thống NH với vấn đề giữ ổn định của tiền đồng và ổn định của nền kinh tế. Chính vì thế, NHNN có các công cụ nhưng chỉ có thể sử dụng rất chừng mực”, TS. Hiếu bình luận.