Dệt may rộng cửa
Dệt may cần thoát khỏi xưởng gia công | |
Dệt may Việt Nam: Tận dụng cơ hội vào Mỹ |
Lợi thế
Ông Ngô Chung Khanh - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, DN nào đã hoặc đang có ý định xuất khẩu sang Canada thì đến đầu năm 2019 là cơ hội thuận lợi. Hiệp định CPTPP đầu năm 2019 có hiệu lực, tại thị trường Canada, hàng dệt may từ giảm thuế mạnh đến xóa bỏ hoàn toàn thuế nên sẽ là lợi thế của DN dệt may. Thực vậy, theo thống kê sơ bộ của các DN dệt may, từ đầu năm tới nay, các đơn hàng xuất đi nước ngoài, nhất là vào Canada đã tăng mạnh khoảng 30-40% so với cùng kỳ.
Dệt may là một trong những lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất nhờ CPTPP |
Với việc được hưởng thuế suất 0% từ CPTPP, cộng với nhu cầu về mặt hàng may mặc làm từ sợi tự nhiên phù hợp với mặt hàng may mặc Việt Nam, giới chuyên môn dự báo, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dệt may sang Canada có thể tăng khoảng trên dưới 20% mỗi năm. Hiện nay tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào Canada chỉ 10%, khi mức thuế về 0%, xuất khẩu dệt may nước ta sẽ nhanh chóng vượt qua Bangladesh hay Campuchia (10%), thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc (40%) là những nước nằm ngoài CPTPP xuất khẩu sản phẩm dệt may lớn nhất vào thị trường Canada.
Hiệp định CPTPP quy định thuế suất hầu hết mặt hàng sẽ giảm về 0% trong vòng 7 năm, Việt Nam có thể nới lỏng đến 10 năm. Nắm bắt cơ hội này, nhiều DN trong ngành dệt may như Công ty cổ phần may Nhà Bè, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân... đã đầu tư lên đến hàng chục triệu USD xây dựng nhà máy dệt để có thể sản xuất theo chuỗi khép kín, chủ động trong toàn chuỗi cung ứng từ sợi đến sản phẩm hoàn chỉnh...
Thậm chí, nhiều DN còn có phương án hợp tác với các DN nước ngoài để đảm bảo chuỗi cung ứng về quy tắc xuất xứ từ sợi trong CPTPP. Và kết quả của việc này là trong 8 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đầu tư FDI vào ngành dệt may Việt Nam đạt trên 2 tỷ USD với các DN đến từ EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hong Kong (Trung Quốc)...
Chuẩn bị tạo đà
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối quý III/2018, xuất khẩu dệt may đạt 22,6 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước, đưa dệt may lên vị trí thứ 2, sau xuất khẩu điện thoại và linh kiện. Mỹ hiện vẫn là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất với trị giá đạt 10,33 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 46% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước.
Tiếp theo là thị trường EU (28 nước) đạt 3,08 tỷ đô la, tăng 11,4%; thị trường Nhật Bản là 2,8 tỉ đô la, tăng 24,2%;... Ngoài các mặt hàng dệt may truyền thống thì Việt Nam cũng bắt đầu tăng cường xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao như vải, xơ sợi, vải địa kỹ thuật, phụ liệu dệt may…
Số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy 10 tháng của năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt khoảng 29 tỷ USD, tăng khoảng 16% so với cùng kỳ, tăng mạnh so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2017 so với năm 2016 và hoàn thành khoảng 79% kế hoạch xuất khẩu cả năm. Điều này dự báo sẽ giúp ngành dệt may đạt mục tiêu xuất khẩu 34-34,5 tỷ đô la trong năm nay, tăng khoảng 10% so với kết quả năm 2017.
Trên thực tế, dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực dệt may được dự báo sẽ còn tăng cao do tiềm năng xuất khẩu còn khá rộng lớn nhờ Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), có nhiều lợi thế về sản xuất, và gần đây là do căng thẳng Mỹ-Trung, sẽ dẫn đến việc dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Tuy nhiên, cái lo lắng hiện tại của Việt Nam đó là chứng minh nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm... Bởi hiện nay, nguyên liệu vải mà các công ty may tại Việt Nam sử dụng đa phần nhập từ Trung Quốc, trong khi nước này không tham gia CPTPP, nên những sản phẩm dệt may có vải xuất xứ từ Trung Quốc sẽ không được hưởng ưu đãi thuế từ hiệp định này.
“Để đảm bảo quy tắc xuất xứ trong nội khối CPTPP và hưởng lợi nhờ thuế giảm, Vitas kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào phần cung thiếu hụt này”, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Vitas cho biết.
Chính vì vậy, để DN Việt Nam nối kết với chuỗi công nghiệp dệt may quốc tế, Bộ Công thương cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may VTG 2018. Theo đó, đại diện của Bộ Công thương cho rằng thông qua nền tảng triển lãm dệt may, các DN sẽ có được các chiến lược, giải pháp thực tế để có thể lựa chọn thiết bị sản xuất cũng như công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả trong việc hướng đến chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm.