Dịch vụ cầm đồ, tiếp tay cho tội phạm?
Cầm hàng… “không chính chủ”
Trên địa bàn TP. Đà Nẵng hiện có khoảng 300 cơ sở đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Sự hưng thịnh, ăn nên làm ra của nghề này đã hình thành các phố chuyên cầm đồ ở đường Trần Cao Vân, Tôn Đức Thắng, Phan Thanh hay Ngô Quyền… Điều đáng nói, bên cạnh những tiệm cầm đồ làm ăn chân chính, vẫn còn nhiều tiệm vì lợi nhuận nên bất chấp cả pháp luật, tiếp tay cho tội phạm…
Phố cầm đồ trên đường Trần Cao Vân, Đà Nẵng
Trong thực tế, không ít vụ án hình sự được lực lượng cảnh sát hình sự khám phá, khi thu lại tài sản, tang vật vụ án đều nằm ở… các tiệm cầm đồ. Tại TP. Đà Nẵng, có thể kể đến chuyên án công an quận Thanh Khê đấu tranh, bóc gỡ một đường dây trộm cắp, tiêu thụ tài sản. Hầu hết, tang vật của vụ án đều được công an phát hiện tại tiệm cầm đồ Thu Hương, trên đường Trần Cao Vân, do Trương Thị T. trú phường Thạc Gián, quận Thanh Khê làm chủ.
Tại cơ quan công an, T. khai nhận là chủ đầu mối tiêu thụ chủ yếu các tài sản do các đối tượng trộm, cướp. Cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có đối với đối tượng này, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng rút giấy phép kinh doanh…
Hay trường hợp, tiệm cầm đồ của bà Trần Thị N. ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, cầm xe máy mang BKS 43D1-14456 của anh Lê T. cùng trú tại quận Thanh Khê. Điều đáng nói, chiếc xe này là tang vật của một vụ cướp tài sản trắng trợn diễn ra trên địa bàn quận Sơn Trà.
Ngoài ra, còn có thể kể đến vụ công an TP. Đà Nẵng bắt giữ Nguyễn Phước Tân, trú quận Liên Chiểu và Nguyễn Văn Nhật, trú quận Thanh Khê gây ra hàng loạt vụ trộm, chiếm đoạt nhiều tài sản có giá trị như điện thoại di động, đồng hồ... Hầu hết số tài sản các đối tượng trộm cắp được đều “gửi” vào 2 tiệm cầm đồ trên địa bàn.
Cầm đồ là dịch vụ kinh doanh có điều kiện, được pháp luật công nhận. Tuy nhiên, từ sự dễ dãi kèm với công tác quản lý khá lỏng lẻo vô hình trung biến những cơ sở dịch vụ nhạy cảm này thành nơi “tiếp tay” cho tội phạm. Một người từng làm dịch vụ này, hiện trú tại quận Sơn Trà cho biết, thực tế các chủ tiệm hầu như đều phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng “mượn tạm”.
Tuy nhiên, muốn làm ăn lâu dài phải chấp nhận “ngó lơ” để kiếm lời. Trong khi, khách của các tiệm cầm đồ, ít có chính nhân quân tử mà toàn là những tay thua bài bạc, thua cá độ rồi cầm cố gỡ vốn. Hoặc, các đối tượng trộm, cướp khi chiếm đoạt được tài sản thì ngay lập tức nghĩ đến tiệm cầm đồ để cầm cố lấy tiền tiêu xài…
Chủ tiệm lách luật
Có thể nói, cách thức hoạt động của các tiệm cầm đồ còn nhiều khuất tất, tài sản được cầm cố không xác định nguồn gốc, quy định lãi suất cho vay tuỳ thuộc vào từng chủ tiệm, cộng với đó là thái độ nhắm mắt làm ngơ của các chủ tiệm đã biến không ít điểm cầm đồ thành nơi tiêu thụ của gian…
Dịch vụ cầm đồ được quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được quản lý theo Thông tư 33/2010/TT-BCA của Bộ Công an và Nghị định 72/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Tại Thông tư 33 quy định: Khi thực hiện dịch vụ cầm đồ, chủ cơ sở kinh doanh phải lập hợp đồng theo quy định. Người đến cầm đồ, thế chấp phải xuất trình CMND hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng để chủ cơ sở kiểm tra, đối chiếu và photocopy lưu lại tại cơ sở.
Đối với những hàng hóa, tài sản cầm đồ thuộc sở hữu của người thứ ba phải có giấy ủy quyền hợp lệ của chủ sở hữu. Không được nhận cầm đồ đối với hàng hóa, tài sản không rõ nguồn gốc hoặc tài sản do các hành vi vi phạm pháp luật mà có. Khi có nghi ngờ hàng hóa, tài sản do phạm tội mà có, chủ tiệm phải thông báo ngay với cơ quan công an có thẩm quyền kiểm tra, xử lý...
Tuy đã có quy định rõ ràng, song trên thực tế do việc quản lý còn khá lỏng lẻo nên các chủ tiệm vẫn cố tình lách luật để trục lợi. Lợi dụng việc dịch vụ cầm đồ chưa có quy định mức lãi suất cho vay cụ thể. Hầu hết các chủ tiệm cầm đồ khi cầm cố các loại tài sản, đều thỏa thuận miệng với khách, chỉ ghi vào hợp đồng giá trị phần trăm thấp, để đối phó với cơ quan chức năng. Trong khi, mỗi tài sản cầm cố tiền lãi được tính từ 5-15%/tháng đối với số tiền được cầm, tùy thuộc vào khách quen hay lạ.
Cho vay lãi suất càng cao thì chủ tiệm càng lợi, ngoài số tiền lời nhiều, còn dễ xảy ra khả năng khách sẽ không lấy lại tài sản thế chấp, đến khi hoá giá các chủ tiệm sẽ hốt bạc… Ngoài ra, nhiều chủ tiệm còn sẵn sàng cầm cố các loại tài sản không rõ nguồn gốc, không cần đến giấy tờ tuỳ thân của khách hàng…
Việc biến tướng của các dịch vụ cầm đồ, không tuân thủ quy định của pháp luật, là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các loại tội phạm trộm cắp, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản... khi tang vật của các vụ án đã có nơi tẩu tán nhanh chóng, thuận tiện. Đã đến lúc các cơ quan bảo vệ pháp luật có chế tài quy định cụ thể hơn, đồng thời siết chặt công tác quản lý để dịch vụ này hoạt động một cách đúng hướng…
Bài và ảnh Nghi Lộc