Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 4-8/11
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 7/11 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 6/11 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 5/11 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 4/11 |
Tổng quan
Mười tháng đầu năm 2019, bức tranh đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tương đối sáng khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký tăng nhẹ về số lượng dự án trong khi giảm về số vốn đăng ký so với cùng kỳ 2018, đặc biệt, góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp trong nước tăng tích cực, đồng thời vốn giải ngân tăng đạt mức kỷ lục 5 năm vừa qua. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần được chú ý để tích cực thu hút FDI một cách chọn lọc.
Theo Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 10 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 29,11 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Cụ thể, về vốn đăng ký cấp mới, tính đến ngày 20/10, cả nước có 3.094 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 25,9% số dự án so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn đăng ký cấp mới 12,83 tỷ USD, bằng 85,4% so với cùng kỳ năm 2018. Qua số liệu có thể thấy, mặc dù giảm về giá trị do quy mô dự án giảm nhưng số lượng dự án FDI vẫn tăng.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán SSI, 10 tháng năm nay, FDI có phần thực chất hơn so với năm 2018 khi các dự án quy mô lớn đều thuộc lĩnh vực chế biến chế tạo, ví dụ như dự án tăng vốn của LG Display tại Hải phòng có giá trị 410 triệu USD, dự án đăng ký mới của Goertek (Hồng Kông) tại Bắc Ninh sản xuất thiết bị điện tử có giá trị 260 triệu USD.
Đặc biệt, lượng góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tăng rất mạnh trong 10 tháng đầu năm 2019. Cụ thể trên cả nước có 7.509 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 10,81 tỷ USD, tăng 70,5% so với cùng kỳ 2018 và chiếm 37,1% tổng vốn đăng ký, trong khi cả năm 2017, đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần chiếm 17,02% tổng vốn đăng ký; năm 2018 chiếm 27,78%.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thủ tục đơn giản, thuận tiện chính là một trong những điều kiện quan trọng khiến ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn đầu tư vào Việt Nam theo hình thức góp vốn, mua cổ phần.
Bên cạnh đó, một hiện tượng đáng chú ý là lượng vốn đầu tư từ Trung Quốc, Hồng Kông có xu hướng tăng nhanh. 10 tháng qua, vốn FDI từ Trung Quốc đã tăng 2 lần (đạt 3,2 tỷ USD), từ Hồng Kông tăng 3,94 lần (6,447 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018.
Nhiều chuyên gia cho rằng đây là do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, các quy định càng ngày càng khắt khe về môi trường tại Trung Quốc cũng tác động đến việc dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp Trung Quốc sang các quốc gia lân cận, trong đó có Việt Nam. Ví dụ, nhiều dự án lớn của Trung Quốc được cấp giấy phép đầu tư trong 4 tháng đầu năm như Hoá chất dệt nhuộm Huanyu (60 triệu USD, cấp phép tháng 1), Lốp Advance (214 triệu USD, tháng 2), Lốp xe Radian toàn thép ACTR (280 triệu USD, tháng 4) đều là các nhà máy có nguy cơ ô nhiễm cao.
Đặc biệt, lượng vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 16,21 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018, đạt mức kỷ lục 5 năm trở lại đây. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện các năm 2015-2019 lần lượt là: 11,8 tỷ USD; 12,7 tỷ USD; 14,2 tỷ USD; 15,1 tỷ USD; 16,2 tỷ USD.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra một số vấn đề đối với việc tiếp nhận vốn FDI, nếu không xử lý tốt sẽ khó đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ nhất, xu hướng xuất khẩu ô nhiễm từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển thông qua đầu tư FDI ngày càng gia tăng. Nhiều dự án FDI vào các nước đang phát triển là những ngành sản xuất không gắn với chế biến sâu, giá trị gia tăng tạo ra thấp như nông sản thô hay ngành nghề có tính gia công cao như lắp ráp, giày da, may mặc; các lĩnh vực tiêu tốn năng lượng có mức độ phát thải lớn, không thân thiện với môi trường như sửa chữa tàu biển, sản xuất bột giấy, thuộc da, nhuộm vải, sản xuất hóa chất hay khai thác khoáng sản...
Do đó, nếu không lựa chọn, một bộ phận FDI có thể biến nước chủ nhà thành nơi tập kết máy móc, công nghệ cũ, lạc hậu, gây ra hệ lụy không chỉ về kinh tế mà còn cả đối với môi trường.
Thứ hai, theo kết quả nghiên cứu mới nhất do IMF phối hợp với Đại học Copenhagen thực hiện, gần 40% vốn FDI toàn cầu, tương đương 15.000 tỷ USD, chỉ là “vốn ma”, không tạo ra hoạt động sản xuất hay thương mại, mà chỉ nhằm trốn thuế hoặc để hưởng mức thuế thấp.
Điều đáng chú ý là vốn “FDI ma” đang trong xu hướng gia tăng, từ mức 31% của năm 2010 lên 38% trong năm 2017 và hiện nay là khoảng 40%, nhanh hơn nhiều so với mức tăng trưởng GDP toàn cầu trong cùng thời gian.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 4-8/11, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng/giảm nhẹ qua các phiên. Chốt tuần 8/11, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.133 VND/USD, chỉ giảm 5 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.200 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.777 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.
Tỷ giá liên ngân hàng trong tuần qua gần như không biến động. Kết thúc phiên cuối tuần 08/11, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.200 VND/USD, không thay đổi so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do cũng đứng yên ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.180 - 23.210 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 4-8/11, lãi suất liên ngân hàng VND tăng mạnh trở lại ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống trong 2 phiên đầu tuần và giảm nhẹ trở lại sau đó. Phiên thứ Sáu 8/11, lãi suất liên ngân hàng VND giao dịch quanh mức: qua đêm 2,07% (+0,35 điểm phần trăm); 1 tuần 2,27% (+0,34 điểm phần trăm); 2 tuần 2,38% (+0,28 điểm phần trăm); 1 tháng 2,62% (+0,17 điểm phần trăm).
Trái lại, lãi suất liên ngân hàng USD tiếp tục giảm ở tất cả các kỳ hạn qua hầu hết các phiên trong tuần vừa qua. Cuối tuần 08/11, lãi suất đứng ở mức: qua đêm 1,78% (-0,09 điểm phần trăm); 1 tuần 1,89% (-0,12 điểm phần trăm), 2 tuần 2,02% (-0,12 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,20% (-0,16 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần qua, Ngân hàng Nhà nước chỉ chào thầu 46.000 tỷ đồng tín phiếu với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2,25%/năm. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được gần như toàn bộ khối lượng này. Trong tuần có 52.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 6.000 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 46.000 tỷ đồng.
Trên kênh cầm cố, Ngân hàng Nhà nước vẫn chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trong cả 5 phiên tuần qua với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất ở mức 4,50%/năm, tuy nhiên không có khối lượng trúng thầu.
Thị trường trái phiếu sơ cấp, tuần từ 4-8/11, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 3.316/4.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 83%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm và 15 năm huy động được toàn bộ 1.500 tỷ đồng/kỳ hạn, kỳ hạn 30 năm huy động được 316/1.000 tỷ đồng.
Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm, 15 năm và 30 năm lần lượt tại 3,6%/năm (+0,02%); 3,78%/năm (+0,02%) và 4,65%/năm (không thay đổi so với phiên đấu thầu trước).
Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch Outright và Repos trung bình trên thị trường tuần qua đạt 9.993 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ so với mức 9.430 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ giảm nhẹ so với tuần trước đó ở các kỳ hạn dưới 5 năm trong khi tăng ở các kỳ hạn từ 7 năm trở lên. Cụ thể, lợi suất trái phiếu Chính phủ phiên cuối tuần 8/11 giao dịch quanh: 1 năm 2,12% (-0,08 điểm phần trăm); 2 năm 2,21% (-0,09 điểm phần trăm); 3 năm 2,36% (-0,05 điểm phần trăm); 5 năm 2,49% (-0,04 điểm phần trăm); 7 năm 3,15% (+0,06 điểm phần trăm); 10 năm 3,71% (+0,06 điểm phần trăm); 15 năm 3,85% (+0,08 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tuần qua không có nhiều biến động khi các chỉ số tăng/giảm nhẹ qua các phiên. Chốt phiên cuối tuần 8/11, VN-Index đứng ở mức 1.022,49 điểm, tăng nhẹ 6,90 điểm (+0,68%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 1,52 điểm (+1,44%), lên mức 107,27 điểm; UPCOM-Index tăng 0,51 điểm (+0,91%) lên mức 56,73 điểm.
Thanh khoản thị trường không cải thiện đáng kể so với tuần trước đó khi giá trị giao dịch khoảng gần 4.900 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại mua ròng hơn 113 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần vừa qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Trên thị trường quốc tế, việc Mỹ và Trung Quốc đưa nhiều thông tin trái chiều về thuế quan và BOE đưa thông điệp về lãi suất là những thông tin được quan tâm nhiều nhất trong tuần vừa qua.
Cụ thể, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 8/11 vừa qua đưa tin Bắc Kinh và Washington đã đạt được đồng thuận rằng hai nước sẽ gỡ bỏ các loại thuế quan bổ sung trong suốt thời kỳ chiến tranh thương mại, các mức thuế này sẽ được gỡ bỏ theo giai đoạn và có sự bàn bạc cụ thể.
Tuy nhiên, cùng ngày, Tổng thống Mỹ - Donald Trump lên tiếng rằng ông chưa đưa ra sự đồng ý gỡ bỏ thuế quan nào như phía Trung Quốc đã tuyên bố. Tổng thống Trump cũng cho biết ông hy vọng sẽ ký kết thành công thỏa thuận giai đoạn một với Trung Quốc, tuy nhiên ông cũng chỉ đồng ý khi là một thỏa thuận đủ tốt cho nước Mỹ.
Liên quan đến NHTW Anh BOE, trong tuần vừa qua NHTW này quyết định giữ lãi suất chính sách ở mức 0,75%, bên cạnh đó cũng cho thấy rõ định hướng sẽ tăng lãi suất trong tương lai nếu kinh tế trở nên tích cực hơn, trong bối cảnh các rủi ro địa chính trị được đẩy lùi. BOE cho biết mục đích tăng lãi suất vẫn là để kiểm soát lạm phát ở mức mục tiêu 2,0%.
Trong tuần này, thị trường chờ đợi thông tin về cuộc bầu cử tại nước Anh diễn ra ngày 12/12, kết quả cuộc bầu cử này có thể liên quan tới việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu hay còn gọi là Brexit.