Điện gió và tiềm năng
Khánh thành dự án nhà máy điện gió Phú Lạc - giai đoạn 1 | |
Điện gió chùn bước đầu tư |
Tiềm năng điện gió của Việt Nam rất lớn |
30 năm trước Đan Mạch đã sử dụng điện gió với chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, xây dựng hệ thống năng lượng không phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, bà Charlotte Laursen Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho biết.
Từ chỗ 99% điện năng phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch nhập khẩu, đến nay điện gió là nguồn năng lượng chính của Đan Mạch, tính ở thời điểm năm 2015, điện gió cung cấp 42% nguồn điện năng của quốc gia này.
Ông Peter Jørgensen, Phó Chủ tịch Công ty Energinet.dk – một DN công ích có nhiệm vụ chính là Đảm bảo an ninh nguồn cung điện và gas của Đan Mạch cho biết mục tiêu mà Đan Mạch đặt ra là đến năm 2020, năng lượng gió sẽ đóng góp 50% vào tổng lượng tiêu thụ năng lượng và đến năm 2050, Đan Mạch sẽ không còn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Và Việt Nam đã bắt đầu phải đối mặt với nhiều thách thức, khi nhu cầu năng lượng ngày càng cao, khí phát thải cũng đang ngày một tăng và môi trường ngày càng bị ảnh hưởng lớn. Nguồn nguyên liệu hóa thạch của Việt Nam dù là giàu có nhưng cũng đã bước vào giai đoạn khai thác tới hạn. Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên gió dồi dào nhất khu vực Đông Nam Á.
Theo Ngân hàng Thế giới, trữ lượng gió của Việt Nam đạt tới 2.099 GW. Câu chuyện thành công của Đan Mạch có thể phần nào là những gợi mở cho chiến lược phát triển ngành điện Việt Nam khi chúng ta xác định mục tiêu sẽ đưa tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng sản lượng điện toàn quốc lên 7% vào năm 2020 và 10% vào năm 2030 (không bao gồm thủy điện).
Và theo nhìn nhận của các chuyên gia Đan Mạch, gió chính là một trong những nguồn năng lượng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu này.
Chính phủ Việt Nam đánh giá việc khai thác và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng mang tính chiến lược xét trên mọi khía cạnh cả về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng và phát triển bền vững, giảm thiểu tác động môi trường.
Theo Quy hoạch điện Quốc gia điều chỉnh giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/3/2016, mục tiêu phát triển điện gió được đặt ra là tổng công suất nguồn điện gió đạt 800 MW vào năm 2020, đạt 2.000 MW năm 2025 và đạt khoảng 6.000 MW năng lượng gió vào năm 2030. Tương ứng điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm tỷ trọng khoảng 0,8% vào năm 2020, khoảng 1% vào năm 2025 và khoảng 2,1% vào năm 2030.
Đến nay mới chỉ có rất ít dự án điện gió như: Trang trại gió tại Tuy Phong, Bình Định; Trang trại gió Công Lý, Bạc Liêu; Trang trại gió Phú Lạc... với tổng công suất lắp đặt tới nay mới đạt 159,2 MW, còn quá thấp so với các mục tiêu và so với tiềm năng.
Tiềm năng nhiều nhưng chưa được đánh thức cũng bởi do suất đầu tư dự án điện gió cao so với các nguồn điện truyền thống, giá mua điện gió chưa đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, nguồn nhân lực kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu, năng lực mạng lưới truyền tải và phân phối chưa đáp ứng yêu cầu, thị trường vốn còn hạn chế, thiếu phương án trợ vốn khả thi...
Theo ông Ingmar Stelter, Giám đốc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng hợp tác giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và tổ chức GIZ, để thúc đẩy phát triển điện gió, thời gian tới đây rất cần các chính sách thu hút đầu tư của khu vực tư nhân.
Tuy nhiên để làm được điều này, hàng loạt câu hỏi cần làm rõ như: Điều gì khiến cho các NHTM trong nước hạn chế cho vay trong lĩnh vực mới và tiềm năng sinh lời này?; Đã có những công cụ tài chính liên quan nào? Những công cụ này có phù hợp với ngành điện gió không?; Có rào cản nội bộ nào trong việc cho vay đối với các dự án năng lượng gió không?...
Theo ông Henrik Breum, cố vấn cấp cao của Cục Năng lượng Đan Mạch, một kinh nghiệm và bài học từ quốc gia này là cần tách biệt giữa tăng trưởng kinh tế, khí thải nhà kính và năng lượng tiêu thụ. Đồng thời, cần lập ra một kế hoạch hiệu quả và thích hợp để thu được lợi ích tối đa từ năng lượng gió. Và quan trọng nhất là cần xây dựng được các khung chính sách ổn định trong dài hạn để các NĐT nhìn vào đó yên tâm và quyết tâm rót vốn đầu tư.
Dưới góc nhìn của một NĐT và cũng là đối tác giúp tạo nền móng cho ngành điện gió tại Việt Nam, công ty Vestas vẫn nhìn nhận điện gió có một tương lai rất sáng sủa.
“Việt Nam sẽ gặp phải nhiều thách thức trong quá trình xây dựng một ngành điện gió phát triển đầy đủ và những thách thức này cần phải được nhận diện và giải quyết. Với vai trò là doanh nghiệp tiên phong và đầu tàu trong lĩnh vực điện gió, Vestas cam kết giúp Việt Nam khai thác hết tiềm năng điện gió của mình. Đây chính là lý do Vestas ủng hộ dự án thành lập Hiệp hội Điện gió Quốc gia do Hội đồng Điện gió Toàn cầu triển khai” – ông Chris Beaufait, Chủ tịch Vestas châu Á - Thái Bình Dương và Trung Quốc cho biết.
Mới đây, Vestas đã công bố thành lập pháp nhân Vesta Việt Nam có trụ sở tại Hà Nội. Đây là một minh chứng cho niềm tin và cam kết dài hạn của Vestas đối với thị trường điện gió của Việt Nam. Công ty này cho biết vừa hoàn tất thi công nhà máy điện gió Phú Lạc 1 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, sử dụng 12 tua bin gió mẫu Vestas V100-2MW, công suất 24 MW. Trong năm 2017, Vestas dự kiến sẽ hoàn thành dự án nhà máy điện Hương Linh 2 (địa bàn tỉnh Quảng Trị), sử dụng 15 tua bin gió mẫu V100-2.0 MV với công suất 30 MW.