Điều được giá, người trồng phấn khởi
Ảnh minh họa |
Cùng với Bình Phước, Đắk Nông là một trong những “thủ phủ” của cây điều. Hiện toàn tỉnh có trên 24 nghìn ha điều, tập trung nhiều ở các huyện Đắk R’lấp, Đắk Mil, Chư Jút và Krông Nô.
Trong đó, huyện Đắk R’lấp là địa phương có diện tích điều lớn nhất tỉnh với trên 9,2 nghìn ha. Sau một thời gian bị xem nhẹ, nhưng với mức giá như hiện nay thì người dân Đắk R’lấp đang rất phấn khởi vì cây trồng này đang đem lại nguồn thu nhập.
Ông K’ Bang ở xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp vui mừng cho biết, gia đình đã trồng điều nhiều năm nay, nhưng đây là lần đầu tiên mới bán được giá cao. Các đại lý mua điều cũng không ép giá, có bao nhiêu mua bấy nhiêu. Trước đây, giá điều rẻ nên gia đình không chú ý đầu tư phân bón, gia đình K’ Bang chỉ trồng xen với cây cà phê để lấy bóng mát.
Tuy nhiên, năm nay khi cà phê rớt giá, điều lại được mùa nên phần nào cũng đã bù đắp chi phí cho bà con. Tương tự, gia đình bà Hoàng Thị Hạnh ở phường Nghĩa Tân, thị xã Gia Nghĩa cũng đang rất phấn khởi, bởi hạt điều đang có giá trên thị trường.
Bà Hạnh cho biết, gia đình mới bán 1 tấn hạt điều tươi với giá 32 triệu đồng. Tổng sản lượng điều năm nay của gia đình ước sẽ đạt trên 4 tấn, nếu giá ở mức 30 nghìn đồng/kg thì trừ chi phí, gia đình còn lời xấp xỉ 100 triệu đồng…
Theo đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk R’lấp, hiện trên địa bàn có nhiều nhiều diện tích trồng cây điều cho năng suất thấp do trồng những giống không phù hợp, bị sâu bệnh và già cỗi.
Do vậy, vào thời điểm cây điều rớt giá, chủ trương của huyện là sẽ chuyển đổi khoảng 2,5 nghìn ha điều kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác. Các cơ quan chức năng cũng đã từng khuyến cáo bà con nông dân nên chuyển đổi từ cây điều sang những cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như cà phê, tiêu, cây ăn quả…
Theo đó, trong tổng số 9,2 nghìn ha điều trên địa bàn huyện Đắk R’lấp diện tích trồng thuần gần 1,5 nghìn ha, còn phần lớn diện tích còn lại đều được trồng xen với các loại cây trồng khác, đặc biệt là làm cây che bóng cho cà phê. Nhìn rộng ra, trên địa bàn Đắk Nông, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Đề án phát triển cây điều và chuyển đổi cây điều trên địa bàn Đắk Nông với mục tiêu quy hoạch vùng trồng điều phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và xác định vùng trồng điều sinh trưởng kém, năng suất thấp để chuyển sang cây trồng khác.
Tuy nhiên, các cơ quan chức năng ở địa phương đang lo ngại, cũng giống như hồ tiêu khi giá trên thị trường tăng lên, người dân lại ồ ạt trồng điều, bất chấp những khuyến cáo. Bởi thực tế, có thời điểm tại Đắk Nông nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung do tác động của cơ chế thị trường, nhu cầu sản phẩm từ điều tăng dẫn đến giá cả tăng cao, nên diện tích cây điều trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cũng đã phát triển tự phát một cách ồ ạt.
Mặc dù, đã được ngành nông nghiệp khuyến cáo chỉ nên trồng bằng giống điều ghép cao sản, nhưng nhiều hộ nông dân vẫn mua cây giống không rõ nguồn gốc vì giá rẻ hơn…
Trong 2 tháng đầu năm 2016, cả nước đã xuất khẩu khoảng 37 nghìn tấn điều nhân, đạt giá trị 278 triệu USD, tăng 5,3% về số lượng và trên 11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Theo nhiều người, sở dĩ giá điều năm nay đang tăng lên, do nhu cầu người tiêu dùng sử dụng loại hạt giàu dinh dưỡng này đang tăng, giá trên thế giới nhích lên theo.
Bên cạnh đó, chất lượng hạt điều trong nước đã được nâng lên nên đưa kim ngạch xuất khẩu tăng. Hiện tại, ngành điều trong nước đang đẩy mạnh thực hiện chương trình “cải tạo vườn điều”, với mục tiêu tăng năng suất từ dưới 1 tấn/ha lên 1,5 tấn/ha và nâng chất lượng sản phẩm, thay vì phát triển diện tích trồng một cách mất kiểm soát...