Điều gì xảy ra khi đồng nhân dân tệ xuyên thủng ngưỡng 7?
Đồng nhân dân tệ (NDT) đã giảm khoảng 2,5% kể từ đầu tháng 5 đến nay và đang hướng tới tháng giảm giá tồi tệ nhất kể từ tháng 7/2018 cũng như trở thành đồng tiền mất giá mạnh nhất ở châu Á. NDT đã rơi xuống mức thấp trong 5 tháng là 6,9217 NDT/USD vào tuần trước. Hiện một số chiến lược gia nhận thấy nguy cơ ngày càng lớn là chiến tranh thương mại leo thang có thể đẩy đồng NDT xuyên thủng ngưỡng 7 NDT/USD lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ. Tuy nhiên, họ lại không đồng thuận về những hậu quả có thể xảy ra sau đó.
Ảnh minh họa |
Theo Citigroup Inc., việc NDT xuyên thủng ngưỡng tâm lý quan trọng này có thể kích hoạt động thái bán tháo cổ phiếu, phá giá cạnh tranh và thậm chí là bất ổn tài chính. Tuy nhiên Bank of America Merrill Lynch (BofAML) lại cho rằng, đồng NDT yếu hơn đã được chứng minh sẽ khiến tăng trưởng chậm hơn, song không có khả năng kích hoạt dòng vốn chảy ra lớn.
Đây là lần thứ 3 ngưỡng tâm lý 7 NDT/USD được kiểm tra kể từ sau khi đồng tiền này bị phá giá mạnh vào năm 2015. “Điều khác biệt của lần này là sự gia tăng căng thẳng thương mại”, Claudio Piron - đồng lãnh đạo bộ phận chiến lược tiền tệ và tỷ giá châu Á tại BofAML cho biết. “Khi chúng ta xem xét tất cả các công cụ mà Trung Quốc có thể sử dụng, việc điều chỉnh đồng NDT là cách dễ nhất”.
Chuyên gia này nói thêm, đồng NDT có thể trượt xuống mức 7,13 nếu Trung Quốc và Mỹ mở rộng diện áp thuế lên hàng hóa khác của nhau. Tỷ lệ đặt cược việc NDT xuyên thủng ngưỡng 7 trong vòng một năm tới đã tăng gấp đôi trong tháng qua lên 38% sau sự lao dốc của đồng NDT gần đây, theo dữ liệu của Bloomberg.
Các yếu tố kinh tế cũng đang củng cố cho quan điểm về sự giảm giá của NDT. Theo đó, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đã mất đà trong tháng 4, do xuất khẩu giảm trong khi sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ cũng yếu hơn dự kiến. Trong khi đó, sự giảm giá của NDT được dự báo ít có khả năng kích hoạt dòng vốn chảy ra mạnh như những năm trước do nước này đã thắt chặt kiểm soát vốn.
Thế nhưng có một thực tế hiển hiện đó là khả năng can thiệp sẽ tăng lên khi NDT tiến sát ngưỡng 7. Theo đó chính quyền đã nhiều lần bán phá giá đồng USD cũng như làm cạn kiệt thanh khoản NDT ở nước ngoài trong những năm gần đây. Hiện các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng liên tục lên tiếng trấn an thị trường. Đơn cử, cơ quan quản lý ngân hàng của Trung Quốc đã cảnh báo rằng các nhà đầu cơ sẽ hứng chịu tổn thất lớn nếu họ bán khống NDT, trong khi Thống đốc NHTW Trung Quốc (PBoC) cũng tuyên bố sẽ giữ tiền tệ ổn định. PBoC cho biết họ sẽ phát hành giấy tờ có giá tại Hồng Kông trong thời gian tới, một công cụ để hút bớt thanh khoản và củng cố đồng NDT ở nước ngoài. Các nhà hoạch định chính sách cũng thường xuyên ấn định tỷ giá tham chiếu mạnh hơn mức 6,9 cho dù tỷ giá thị trường yếu hơn mức đó trong hầu hết tuần qua.
“NHTW đang cố gắng làm dịu đà mất giá nhưng đây là điều không thể ngăn cản được bởi bất kỳ ai”, Linan Liu - một chiến lược gia vĩ mô lớn hơn của Trung Quốc tại Deutsche Bank AG cho biết. “Cần phải hiểu là tiền tệ cần phải thích ứng với rủi ro tài khoản vãng lai chuyển sang thâm hụt, tăng trưởng kinh tế chậm lại và dòng vốn đầu tư chậm hoặc chảy ra”.
Đồng NDT giảm đã khiến việc nắm giữ tài sản của Trung Quốc trở nên kém hấp dẫn hơn đối với người nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài đã bán hơn 50 tỷ NDT (7,2 tỷ USD) các cổ phiếu trong tháng 5, gấp hơn 3 lần so với mức 18 tỷ NDT của tháng trước đó, qua đó đẩy chỉ số Shanghai Composite Index giảm 5,3%, mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 10/2018.