Đô thị xanh - ích lợi và thách thức
Xuất hiện Khu đô thị xanh chuẩn “Eco” phía Nam Hà Nội | |
Tăng cường nâng cao năng lực quy hoạch đô thị xanh | |
Hướng tới phát triển đô thị xanh, bền vững |
Ở Việt Nam, việc xây dựng công trình xanh và đô thị xanh còn chưa thật sự được coi trọng. Trong quá trình phát triển, hầu hết các đô thị trong cả nước vẫn tồn tại bất cập và tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu bền vững, tiêu tốn năng lượng, sinh ra lượng khí thải lớn.
Tốc độ đô thị hoá và công nghiệp hoá mạnh mẽ cùng sự bùng nổ các toà nhà cao tầng, các công trình bê tông đã làm gia tăng hiệu ứng nhà kính và tình trạng nóng lên toàn cầu, kéo theo đó là biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt. Vì thế từ hơn 2 thập kỷ qua, trên thế giới, nhất là ở những nơi có tốc độ phát triển đô thị nhanh đã dấy lên phong trào xây dựng đô thị xanh, công trình xanh, Viện Nghiên cứu và phát triển đô thị xanh cho biết.
Tháp Hanoi Telecom với thiết kế của CTCP ACI |
Trong xu thế đó, ở Việt Nam cũng đang xuất hiện những công trình xây dựng mới được thiết kế với giải pháp xanh, sử dụng năng lượng hiệu quả theo tiêu chuẩn quốc tế, nhưng còn rất ít. Theo đánh giá tổng quan của hệ thống mạng lưới công trình xanh châu Á - Thái Bình Dương, hiện chỉ có khoảng 58 công trình xây dựng tại Việt Nam đạt tiêu chí và được chứng nhận công trình xanh. Trong khi đó, tại Singapore, ở thời điểm năm 2012, đã có 21% số tòa nhà được nhận chứng chỉ công trình xanh khi gắn pin năng lượng; sử dụng thang máy, điều hòa tiết kiệm năng lượng, điều hòa không khí có phần mềm theo dõi lượng khí thải CO2… Ở Trung Quốc, tính đến năm 2013 đã có 1.260 công trình đạt tiêu chuẩn xanh
Theo Bộ Xây dựng, các đô thị Việt Nam hiện đang chiếm 30 - 40% tổng số năng lượng sử dụng, tiêu thụ 19% lượng nước sạch, 29% lượng gỗ khai thác, 40 - 50% nhiên liệu thô. GS-TS. Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam cho biết, khu vực xây dựng và phát triển đô thị của Việt Nam hiện nay đang tiêu thụ khoảng 60% vật liệu tự nhiên và phát sinh khoảng 30% khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Trong khi đó, nhận thức về công trình xanh, đô thị xanh nói chung chưa cao. Nhiều chủ đầu tư vẫn chỉ thấy rằng thực hiện công trình xanh sẽ làm tăng tổng chi phí đầu tư thêm khoảng 3-8% so với thông thường. Họ chưa nhìn thấy lợi ích tổng thể, lâu dài mà công trình xanh mang lại cho cả chủ đầu tư và khách hàng khi tiết kiệm được 20% - 40% chi phí vận hành mỗi tháng nhờ thiết kế thông minh và quy trình vận hành được tính toán kỹ lưỡng. Cùng với đó, là chi phí cải tạo, vận hành và bảo dưỡng cũng thấp hơn; hoàn vốn đầu tư nhanh; phí giao dịch thấp; giảm diện tích trống; giảm thời gian ngưng trệ; tạo dựng thương hiệu và nâng cao uy tín cho doanh nghiệp…
Một nghiên cứu toàn cầu khác mới đây của Nielsen chỉ ra rằng, 64% đối tượng tham gia nghiên cứu từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết sẵn sàng trả thêm tiền để được sử dụng các tính năng bền vững (năm 2012, mức này là 50%).
Ở tầm vĩ mô và lợi ích quốc gia, đô thị xanh, công trình xanh tiết kiệm được từ 15 đến 30% năng lượng sử dụng, sẽ giảm khoảng 30 - 35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm từ 30% - 50% lượng nước sử dụng và từ 50% - 70% chi phí xử lý chất thải. Các công trình xanh sẽ góp phần bảo tồn các nguồn tài nguyên, thân thiện với môi trường, chi phí sử dụng thấp, đảm bảo sức khỏe người sử dụng, tuổi thọ công trình cao.
Tốc độ xây dựng ở Việt Nam đang tăng nhanh với mức 12% mỗi năm. Với tốc độ như vậy và lại là một trong 7 quốc gia chịu thiệt hại lớn do biến đổi khí hậu thì “thay đổi nhận thức về công trình xanh tại Việt Nam là vô cùng cần thiết”, bà Nguyễn Thu Nhàn - Quản lý Chương trình Công trình xanh Việt Nam (Tổ chức Tài chính Quốc tế - IFC) phát biểu.
Tuy nhiên, khái niệm “kiến trúc xanh đô thị xanh” cần được hiểu một cách đầy đủ chứ không chỉ là trồng nhiều cây xanh. Theo Viện Nghiên cứu và phát triển đô thị xanh, công trình xanh hội tụ 5 tiêu chuẩn chính: phát triển theo hướng bền vững; tiết kiệm nước và năng lượng; sử dụng các loại vật liệu bền vững và đạt các tiêu chuẩn về an toàn sức khỏe cho người sử dụng; góp phần bảo vệ môi trường; nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Ông Nguyễn Trần Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, nếu kiến trúc xanh được áp dụng đồng loạt với các công trình xây mới, mỗi quốc gia có thể tiết kiệm hàng tỷ USD chi phí năng lượng, theo nghiên cứu của IFC.
Việc phát triển đô thị xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích với nhà đầu tư, với khách hàng và với kinh tế, xã hội và môi trường. Được thiết kế thân thiện với môi trường và sử dụng tài nguyên hiệu quả trong suốt vòng đời của mình, công trình xanh được nhìn nhận như một giải pháp hữu hiệu cho Việt Nam để đạt tới cấp độ phát triển đô thị bền vững. Phát triển công trình xanh, đô thị xanh cũng là điều kiện tốt cho việc chuyển dịch cơ cấu theo hướng nền kinh tế hiệu quả về năng lượng và xanh sạch.