Hướng tới phát triển đô thị xanh, bền vững
Vay vốn ADB phát triển các đô thị xanh | |
Hướng tới đô thị xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu |
Thách thức đô thị hóa
Tuy nhiên sự tăng nhanh về số lượng và dân số chưa tương xứng với chất lượng đô thị. Nhiều đô thị, đặc biệt là các đô thị từ loại III trở lên đang phải đối mặt với những vấn đề môi trường như ô nhiễm không khí, nguồn nước, thiếu không gian xanh, cũng như các dịch vụ cơ bản của đô thị.
Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn xảy ra thường xuyên tại các đô thị lớn, cho đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục. Mới đây, tại Hà Nội, Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức “Hội thảo quốc tế giao thông công cộng hướng tới phát triển đô thị xanh, bền vững”, nhằm đưa ra các giải pháp khắc phục tình trạng trên.
Ảnh minh họa |
Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, hội thảo được tổ chức nhằm góp phần giải quyết các vấn đề ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn; tăng cường sự hiểu biết về vai trò và tầm quan trọng của giao thông công cộng, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về giao thông công cộng đối với phát triển đô thị theo hướng đô thị xanh và phát triển bền vững; đồng thời khuyến nghị lộ trình phát triển giao thông công cộng phù hợp với năng lực quản lý đô thị và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của mỗi đô thị.
Phát biểu tại hội thảo, bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh và đã có nhiều thành công trong việc quy hoạch và phát triển đô thị. Và để giải quyết những vấn đề bức xúc trên, thì phát triển giao thông công cộng sẽ là hướng để phát triển đô thị xanh, bền vững.
Thời gian qua, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng lập quy hoạch vùng đô thị Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, trong đó có nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng. Tuy nhiên việc triển khai phát triển giao thông công cộng còn gặp nhiều khó khăn, chậm về đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Cùng với đó, hệ thống đô thị Việt Nam còn đang phải đối diện với những thách thức mới nảy sinh do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đây có thể xem là những vấn đề lớn, ảnh hưởng mạnh đến hình ảnh đô thị, điều kiện, môi trường sống dân cư và đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững.
Ưu tiên phát triển giao thông công cộng
Trong 10 năm qua, hệ thống giao thông vận tải tại các thành phố lớn có sự phát triển nhanh chóng. Nhiều công trình giao thông hiện đại như đường cao tốc đô thị, cầu vượt vĩnh cửu, cầu vượt nhẹ, hầm cho người đi bộ... đã được xây dựng. Đặc biệt các dịch vụ vận tải hành khách công cộng đã được quan tâm phát triển.
Tuy nhiên do tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số đô thị, nhu cầu vận tải tăng cao nên giao thông đô thị đang gặp nhiều bất cập. Trước thực tế này, những năm qua Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quan trọng liên quan đến phát triển giao thông đô thị. Đồng thời, có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đô thị.
Có thể nói, phát triển giao thông công cộng đã được các đô thị lớn tại nhiều nước đẩy mạnh phát triển. Tại hội thảo, các diễn giả, chuyên gia trong và ngoài nước cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm của các nước phát triển giao thông công cộng để xây dựng thành phố xanh, sinh thái bền vững như tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... Đó là những tham khảo quý giá đối với Việt Nam.
Theo Bộ Giao thông - Vận tải, hiện nay số lượng các phương tiện giao thông tăng khá nhanh (12-15% mỗi năm). Cả nước có gần 10.000 xe buýt truyền thống với lượng vận hành khoảng 31.000 lượt/ngày; cùng với đó là gần 2,5 triệu ô tô, 43 triệu xe máy.
Đơn cử như tại TP. Hà Nội hiện nay có hơn 535.000 ô tô, gần 5 triệu xe máy lưu thông trên mạng đường chỉ chiếm 6-9% diện tích tự nhiên. Vì vậy quy hoạch phát triển Thủ đô cũng phải ưu tiên phát triển giao thông công cộng, nhất là loại hình vận tải có khối lượng trung bình và lớn, góp phần giải quyết ách tắc, tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô.
Tương tự, tại TP. Hồ Chí Minh trong 10 năm trở lại đây, dân số thành phố đã tăng gần gấp đôi, từ 4,6 triệu người năm 1995 lên 8,2 triệu người năm 2015. Theo thống kê, toàn thành phố có tới 80% số di chuyển được thực hiện bằng xe máy, 7,5% bằng xe ô tô cá nhân, và chỉ có 4,5% bằng giao thông công cộng.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, phát triển giao thông công cộng là xu thế chung của mọi đô thị trên thế giới nhằm nâng cao hiệu quả vận tải hành khách, giảm thiểu ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, giảm chi phí cho xã hội và bảo vệ môi trường. Các thành phố khác nhau có các chiến lược phát triển khác nhau, nhưng đều cần xây dựng một hệ thống giao thông công cộng đồng bộ, liên thông, tích hợp, kết hợp tối đa với việc phát triển không gian đô thị.
Theo đó, quy hoạch phát triển giao thông TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020 sẽ đẩy mạnh giao thông công cộng. Hệ thống vận tải hành khách công cộng của thành phố sẽ bao gồm 8 tuyến metro, 6 tuyến xe buýt nhanh và mạng lưới xe buýt thường.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẳng định, các chính sách phát triển giao thông công cộng được ưu tiên và sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Đây cũng là hướng đi cho các đô thị để phát triển đô thị xanh, bền vững.
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng: Phát triển đô thị xanh, giao thông xanh là định hướng mang tính chiến lược cần có sự quan tâm, phối hợp, vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội từ Trung ương tới địa phương và toàn thể cộng đồng. Vì vậy cần tuyên truyền, vận động, khuyến khích cộng đồng tham gia phát triển đô thị xanh, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo vệ môi trường, cũng như có những chính sách thu hút các nhà tài trợ, các tổ chức phát triển, các nhà đầu tư tham gia xây dựng và phát triển đô thị xanh. |