Doanh nghiệp Nhật cần những điều chỉnh
Ông Sakakibara cho rằng chính sách Abenomics – chính sách kinh tế dưới thời Thủ tướng Abe của Nhật Bản đã hoạt động tốt trong suốt ba năm qua, nhưng những số liệu gần đây cho thấy bây giờ mọi chuyện không còn suôn sẻ như thế nữa.
Các DN Nhật Bản chú trọng vào thị trường nội địa |
"Chu kỳ luân chuyển hiệu quả của nền kinh tế đã chậm lại một chút và chúng tôi nhận thấy rằng, năm tới cần phải chú trọng vào việc tăng tiền lương. Tất nhiên, những cuộc tranh luận sôi nổi sẽ vẫn diễn ra từ giờ cho đến tháng Giêng năm tới, tùy thuộc vào diễn biến tình hình kinh tế", ông Sakakibara cho biết trong một cuộc phỏng vấn với báo Financial Times.
Suy thoái kinh tế và sức tiêu dùng yếu đi của Trung Quốc đang đặt ra một số rủi ro cho sự tiến triển của nền kinh tế Nhật Bản trong ba năm vừa qua. NHTW Nhật Bản cho rằng việc tăng lương là rất cần thiết để làm tăng lạm phát.
Trong năm nay, tiền lương đã tăng thêm 2,52% tại các công ty lớn, cao hơn so với mức tăng 2,28% vào năm trước. Dẫn chứng này của ông Sakakibara đã nhấn mạnh thêm một lần nữa về những cơ hội đối với tiền lương cứng trong năm 2015.
Trong một diễn biến khác, gần đây, Thủ tướng Shinzo Abe đã chuyển hướng chú trọng vào đầu tư để tạo ra lợi nhuận cho nền kinh tế. Tuy các công ty Nhật Bản đã đầu tư rất nhiều ở nước ngoài nhưng phải thúc đẩy hơn nữa chi tiêu tại thị trường nội địa.
"Nếu bạn nhìn vào bản kế hoạch đầu tư, các nhà sản xuất chế tạo lớn đang nói về con số tăng lên là 18,7% trong năm 2015 – đây là một con số lớn. Nhưng vấn đề là việc thực hiện như thế nào", ông Sakakibara nói.
Với sự giảm giá của đồng Yên cùng những thỏa thuận trong Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), hy vọng môi trường đầu tư tại Nhật sẽ được cải thiện. Mức tiêu dùng và đầu tư kinh doanh là các yếu tố quan trọng để thúc đẩy một chu kỳ luân chuyển hiệu quả của nền kinh tế, và quan trọng là phải giữ được sự liên tục.
Chủ tịch Keidanren bày tỏ: “Chúng tôi muốn cắt giảm mạnh mẽ thuế doanh nghiệp, đẩy mạnh các giải pháp về năng lượng. Những quy định về lao động vẫn còn cứng nhắc và chúng tôi muốn phải hành động mạnh mẽ hơn. Tiếp đến, chính là các chính sách về khoa học và đổi mới”.
Bên cạnh đó, ông Sakakibara vẫn thường xuyên lắng nghe tiếng nói từ 23.000 công ty Nhật đang hoạt động ở Trung Quốc và nhận xét rằng đang có một sự suy giảm đáng kể.
"Trung Quốc là một nền kinh tế lớn và đang có những khác biệt lớn trong các khu vực công nghiệp. Nhìn chung, cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đang trải qua một sự suy giảm ngắn hạn ở Trung Quốc, nhưng về trung và dài hạn, trong một, ba hoặc năm năm tới, tôi tin mọi chuyện sẽ khác", ông nói.
Ông Sakakibara cũng tin TPP sẽ mang đến nhiều lợi thế lớn đối với nền kinh tế Nhật Bản và cho rằng đây sẽ là trụ cột, là nền tảng của chiến lược phát triển của DN nước này. Đặc biệt, TPP còn là một cơ hội để cải cách cơ cấu trong ngành nông nghiệp Nhật Bản.