Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ chủ động
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Thủ công mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, thông qua các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với các nước, các khu vực khác nhau trên thế giới, đã góp phần thúc đẩy sự quan tâm của các khách hàng trên thế giới hướng đến Việt Nam. Trong đó có nhiều quốc gia lần đầu được nhắc đến như Mexico, Canada hay Argentina.
Các DN chế biến và xuất khẩu đồ gỗ khu vực miền Đông Nam bộ (các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh) từ đầu năm 2019 đã liên tục có đơn đặt hàng xuất khẩu.
Cụ thể, theo ông Huỳnh Quang Thanh - Giám đốc công ty Đồ gỗ Hiệp Long (tỉnh Bình Dương), công ty hiện đã có đơn đặt hàng đến hết năm 2019 và sang cả quý I, II/2020. Điều này cho thấy, tình hình xuất khẩu năm nay tốt hơn năm ngoái, các hợp đồng xuất khẩu đã tăng lên 30% so với năm 2018.
Ngoài thị trường chính là các nước trong Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, từ năm 2018 đến nay, công ty còn có thêm một số khách hàng mới tại khu vực Bắc Mỹ và Argentina. Nhiều ý kiến cho rằng, ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đang có nhiều thuận lợi nhờ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Tuy nhiên, bên cạnh đó, thị trường đồ nội thất thế giới cũng đang rất lớn và đầy tiềm năng.
Ông Trần Anh Vũ - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Gỗ Bình Dương cho rằng, việc tăng đơn hàng xuất khẩu vừa là cơ hội, cũng vừa là thách thức đối với các DN chế biến gỗ Việt Nam, bởi phần lớn DN trong ngành là DNNVV (chiếm khoảng 85%). Như thế, khi đơn đặt hàng tăng lên thì các DN phải mở rộng quy mô sản xuất, cũng như đầu tư nâng cấp trang thiết bị sản xuất, để nâng cao năng lực, thực hiện đầy đủ đơn hàng.
Cùng với đó, thách thức về đáp ứng xuất xứ nguồn nguyên liệu gỗ chế biến cũng là khó khăn lớn của các DN. Do ngành chế biến gỗ Việt Nam sử dụng nguồn cung gỗ rất lớn, nên phải nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác nhau, do vậy tới đây cần phải siết chặt quản lý nguồn gỗ nhập khẩu.
Hiện Việt Nam nhập khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ và ván nhân tạo từ các nước Malaysia, Chile, New Zealand. Đây là 3 quốc gia có tham gia CPTPP, là các nhà cung cấp nguyên liệu lớn, nằm trong TOP 10 nước mà Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu gỗ. Như vậy, còn lại 7 quốc gia mà Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu lớn lại không nằm trong CPTPP.
Như thế, khi thực thi các điều khoản đã cam kết trong CPTPP thì đây sẽ là một khó khăn không nhỏ cho DN chế biến gỗ xuất khẩu. Điều này buộc các DN ngành gỗ phải chủ động nguồn nguyên liệu để sản xuất. Và điều đáng mừng là dù đơn đặt hàng tăng từ đầu năm 2019, nhiều DN vẫn không phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, do đã chủ động được gần 70% nguồn gỗ rừng trồng trong nước, gỗ nhập khẩu chỉ còn khoảng 30%.
Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, để nâng cao năng lực của ngành, các DN chế biến gỗ đã kiến nghị Chính phủ phát triển các khu công nghiệp tập trung, để DN trong ngành tập hợp lại tạo ra sức mạnh. Theo đó, các công ty sản xuất, chế biến, xuất khẩu đồ gỗ sẽ liên kết nhau, với mỗi công ty phụ trách một công đoạn trong chuỗi cung ứng. Bằng cách đó, năng suất và quy mô sản xuất của ngành công nghiệp gỗ sẽ tăng mạnh và phát triển bền vững hơn.