Đổi thay ở Lao Chải
“Thông qua các chương trình tín dụng đang triển khai cho vay tại xã, nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển chăn nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 88,78% năm 2011 xuống còn 64,16% năm 2015, bình quân mỗi năm giảm 4,8%”, ông Giàng A Lử - Chủ tịch UBND xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) khẳng định.
Đồng bào dân tộc Mông phấn khởi nhận vốn vay ưu đãi từ NHCSXH huyện Mù Cang Chải |
Lao Chải là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Mù Cang Chải, đồng bào dân tộc Mông chiếm 99%, đời sống của bà con nhân dân trước đây rất khó khăn, một phần vì bà con chưa biết cách làm ăn kinh tế, sản xuất còn mang nặng tính chất tự cung tự cấp, lạc hậu, một phần vì thiếu vốn để sản xuất. Gần như 100% số hộ trong xã đều là hộ nghèo.
Trước thực tế đó, Đảng bộ xã Lao Chải xác định, để tạo được bước đột phá vươn lên phải tập trung lãnh đạo khai thác được nội lực của địa phương, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước từ các chương trình, dự án; khơi dậy sức mạnh đoàn kết dân tộc; coi sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp là mũi nhọn đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới luôn là nhiệm vụ trọng tâm được Đảng bộ xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải quan tâm, thực hiện tốt trong nhiều năm qua. Đây là yếu tố quyết định làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của địa phương cũng như nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Tổng diện tích tự nhiên toàn xã là 15.860ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 6.591ha, đất lâm nghiệp là 7.047ha. Xác định được lợi thế đồi rừng, nhưng lại không có vốn để đầu tư vào phát triển chăn nuôi, những năm qua, Đảng bộ xã Lao Chải đã chỉ đạo chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tạo điều kiện, đứng ra tín chấp với NHCSXH cho bà con được vay vốn ưu đãi của Nhà nước để phát triển đàn gia súc, gia cầm.
Tính đến hết tháng 8/2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn xã đạt gần 21 tỷ đồng với 901 hộ còn dư nợ, chiếm 65% số hộ dân trong xã; đặc biệt không có nợ quá hạn, lãi tồn đọng; dư nợ tập trung chủ yếu ở chương trình hộ nghèo hơn 13 tỷ đồng, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn gần 4 tỷ đồng…
Xuất phát từ thực tế điều kiện địa hình, khí hậu địa phương thuộc vùng núi cao, thường xuyên chịu ảnh hưởng rét hại, rét đậm. Do đó, để giúp bà con giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi, UBND xã đã phối hợp với cơ quan khuyến nông, thú y hướng dẫn người dân làm chuồng trại nuôi nhốt trâu bò theo hình thức bán chăn thả, cách thức vệ sinh chuồng trại, biện pháp phòng chống dịch bệnh, chống rét cho đàn gia súc; hướng dẫn việc lồng ghép các chương trình trồng cỏ, dự trữ rơm rạ, tích trữ cỏ khô co trâu bò trong mùa đông, đến nay trên 80% hộ dân trong xã đã làm chuồng trại nuôi nhốt trâu bò theo hình thức bán chăn thả.
Đến hết năm 2015, tổng đàn gia súc toàn xã đã lên tới 12.550 con, đàn gia cầm 26.400 con. Từ chỗ trước đây hộ nào có điều kiện mới có 1 con trâu hoặc bò, có hộ không có thì đến giờ bình quân mỗi hộ có 2 - 3 con; có nhiều hộ đàn trâu, bò lên tới hơn chục con như hộ ông Giàng A Chinh ở bản Tà Ghênh.
Được biết, gần chục năm trở về trước, gia đình ông Giàng A Chinh rất nghèo, mỗi năm thiếu ăn từ 2 đến 3 tháng. Nguyên nhân là do thiếu vốn, thiếu phương tiện sản xuất, chưa có kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt. Năm 2009, ông Chinh được vay 15 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH huyện để đầu tư khai hoang được 2ha ruộng nước, hơn 1ha nương trồng ngô và cũng từ đây ông có cơ sở để xây dựng mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rừng kinh tế.
Nhờ đó, kinh tế dần ổn định và ông cùng gia đình tiếp tục trồng thêm 1,5ha sơn tra, 2,3ha rừng thông và trồng lại 1,5ha chuối rừng làm thức ăn cho chăn nuôi. Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và khai hoang, thâm canh tăng vụ, mỗi năm gia đình ông thu được 5 - 6 tấn thóc, trên 3 tấn ngô hạt.
Đến nay, gia đình ông đã có 4 con trâu làm sức kéo, đàn bò 13 con, mỗi năm cho thu nhập từ chăn nuôi đại gia súc 35 - 40 triệu đồng; duy trì đàn lợn từ 25 - 30 con, mỗi năm xuất chuồng 1,5 tấn lợn hơi, đàn gia cầm gần trăm con, trừ chi phí thu nhập mỗi năm của gia đình lên đến cả trăm triệu đồng.
Nhiều gia đình khác cũng đã vươn lên làm giàu từ chăn nuôi gia súc và trồng rừng kinh tế như gia đình ông Sùng A Lu ở bản Hú Trù Lình phát triển chăn nuôi lợn và trồng rừng, hàng năm xuất trên chục tấn lợn thịt, thu nhập 80 triệu đồng/năm; gia đình ông Giàng A Chu ở bản Dào Cu Nha cũng phát triển chăn nuôi và trồng trọt, cho thu nhập 30 triệu đồng/năm; gia đình ông Lờ A Gà ở bản Hú Trù Lình chăn nuôi 10 con bò, 30 con lợn và trồng thêm lúa, ngô, cho thu nhập 50 triệu đồng/năm…
Đạt được những tín hiệu đáng mừng như trên, theo Chủ tịch xã Giàng A Lử, trước hết Đảng bộ xã đã tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đến các hội, đoàn thể, các Đảng viên trên địa bàn xã, đưa nội dung liên quan đến nguồn vốn tín dụng chính sách vào các cuộc họp giao ban, các văn bản chỉ đạo.
Ngoài ra, UBND xã chỉ đạo các thành viên Ban giảm nghèo xã tăng cường công tác kiểm tra giám sát nguồn vốn tín dụng ưu đãi; các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác phối hợp với Trưởng bản, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức họp bình xét công khai, dân chủ hộ có nhu cầu vay vốn; hướng dẫn Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn hoàn thiện hồ sơ xin vay vốn.
Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Cáng Dông, Phùng A Hảng cho hay: “Tổ hiện có 45 tổ viên tham gia sinh hoạt với dư nợ từ 5 chương trình tín dụng ưu đãi đạt 729,6 triệu đồng. Mặc dù các tổ viên sống không tập trung, mỗi hộ ở một quả đồi hay sườn núi, đường đi lại khó khăn nhất là vào mùa mưa, tuy nhiên các thành viên trong tổ chấp hành rất tốt quy ước hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, duy trì và tổ chức sinh hoạt tổ vào ngày cố định hành tháng để thực hiện bình xét cho vay, thu lãi, thu tiền gửi tiết kiệm. Ban quản lý tổ đã khắc phục mọi khó khăn, kiên trì tới từng hộ để kiểm tra tình hình sử dụng vốn, vận động nộp gốc và lãi đúng kỳ, đúng hạn không để lãi tồn”.
Từ đó không những chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách mà còn mang lại hiệu quả rõ rệt đối với sự phát triển kinh tế của địa phương. Các hộ vay vốn đều hiểu rõ về ý nghĩa của nguồn vốn tín dụng ưu đãi, từ đó sử dụng vốn có hiệu quả, trả gốc và lãi đầy đủ nên chất lượng tín dụng chính sách tại xã luôn được đảm bảo.
Trên con đường đổi mới, Lao Chải đã có nhiều khởi sắc để vươn lên. Tuy vẫn còn không ít những khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền xã với đội ngũ cán bộ NHCSXH huyện Mù Cang Chải tận tâm với công việc, xã Lao Chải chắc chắn sẽ thành công hơn nữa trong công cuộc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.