Dòng chảy tín dụng, ai quyết định tốc lực
Ngân hàng không thể tự bơi
“Trong 8 tháng đầu năm nay, tín dụng tăng 7,8% đạt 35.103 tỷ đồng. Doanh số nợ được cơ cấu kỳ hạn trả nợ là 414 tỷ đồng, nợ được gia hạn là 1.992 tỷ đồng. Chỉ tính riêng chương trình kết nối NH - DN hồi đầu tháng 8/2014, 12 hợp đồng tín dụng đã được ký kết với tổng giá trị 507 tỷ đồng”, đó là những con số biết nói mà Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Nình Bình – ông Nguyễn Minh Khôi chia sẻ về những nỗ lực của hệ thống ngân hàng đã hỗ trợ, song hành cùng sự phát triển kinh tế của các DN, cá nhân của tỉnh Ninh Bình.
Bà Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại buổi gặp mặt
Thế nhưng, thông tin phản hồi của DN mà Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh chia sẻ tại buổi trao đổi mới đây khiến các TCTD không khỏi trăn trở khi những việc làm của mình chưa được xã hội và cộng đồng nhìn nhận một cách thấu đáo. “Trách nhiệm của NHTM không chỉ kinh doanh lấy tiền, mà còn vì mục tiêu chính trị, phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh cũng như đất nước”, như đại diện cộng đồng các TCTD trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Agribank chi nhánh Ninh Bình – ông Bùi Cao Thơi tâm huyết.
Giám đốc Chi nhánh NHNN Nguyễn Minh Khôi cho biết, Ninh Bình cũng là một trong số ít những địa phương có DN tham gia thí điểm chương trình cho vay theo chuỗi liên kết, khi cả nước hiện mới có 13 dự án được chấp thuận. Và để CTCP Giống cây trồng tỉnh Ninh Bình trở thành đối tượng tham gia chương trình cũng là sự dày công của ngân hàng.
Giám đốc Bùi Cao Thơi cho biết, năm 2012, DN đã có ý tưởng thực hiện dự án này nhưng vẫn chưa thể triển khai. Đến nay, khi có chương trình này, ngân hàng đã hỗ trợ cùng DN xây dựng hoàn thiện dự án theo mô hình nhà máy chế biến giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch để có thể vay vốn ưu đãi triển khai dự án. Hiện ngân hàng đang đề nghị DN viết lại dự án theo yêu cầu của chương trình, củng cố các điều kiện cần có để tháng 3 năm sau nhà máy có thể đi vào hoạt động.
“Nhanh hay chậm bây giờ là ở DN”, ông Thơi nói và khẳng định, “dù chưa cân đối được nguồn nhưng với sự trợ lực của Agribank Trung ương, chi nhánh chưa bao giờ thiếu vốn cho vay DN. Vấn đề còn lại là DN có đủ điều kiện vay vốn hay không?”.
Khẳng định ngân hàng không thiếu vốn cũng là ý kiến chung của các TCTD trên địa bàn. Trong bối cảnh trên địa bàn có tới 12 TCTD hoạt động, mức độ cạnh tranh của các TCTD trên địa bàn khá gay gắt nên không có chuyện ngân hàng tự “dựng rào” khi áp lãi suất trung, dài hạn lên tới 22% - như một DN thông tin đến ĐBQH khi lãi suất cho vay hiện tại chỉ dưới 10%.
Lại càng không có chuyện “ngân hàng định giá thấp giá trị tài sản đảm bảo để cho vay với mức thấp”, Giám đốc BIDV chi nhánh Ninh Bình - bà Nguyễn Thị Mai phân trần. Định giá tài sản của DN là do các công ty định giá thực hiện theo phương pháp thị trường, còn nếu định giá theo khung giá đất của tỉnh thì còn thấp nữa và ngân hàng cũng đã cho vay tới trên 75% giá trị tài sản thế chấp.
“Ngân hàng không cho vay thì ngân hàng chết. Ngân hàng phải đánh giá đúng khách hàng để cho vay nhiều hơn. Chợ không có người họp thì tan chợ”, ông Thơi luận giải và nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, thậm chí ngân hàng đang cùng chia sẻ gánh nặng với DN. Một giám đốc ngân hàng tiết lộ, có một số DN nếu ngân hàng cứ đằng thẳng không cơ cấu lại nợ thì phá sản lâu rồi.
Nhưng do xác định đây là khó khăn chung của nền kinh tế, DN có sống, ngân hàng mới thu hồi được nợ nên ngân hàng đã cùng chia lửa với DN hạ lãi suất, cơ cấu lại nợ, thậm chí lãi suất cho vay chấp nhận thấp hơn huy động dân cư. Giám đốc Nguyễn Thị Mai ví dụ, với đối tác Nhà máy kính nổi Tràng An, BIDV hiện đang tính hoà vốn để lấy ngắn nuôi dài, chấp nhận điều kiện hỗ trợ DN không có lãi. Với dư nợ tới 600 tỷ đồng, đây là một sự hợp tác chia sẻ với DN.
Hiến kế phát triển kinh tế tỉnh
Giám đốc Nguyễn Minh Khôi cho biết, trong những tháng cuối năm, Chi nhánh NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo, giám sát các TCTD đẩy nhanh các chương trình tín dụng của Chính phủ và NHNN cũng như tìm cách tháo gỡ khó khăn cho DN trong tiếp cận vốn, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, tiết kiệm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ những khó khăn với khách hàng.
Tuy nhiên, các TCTD trên địa bàn cũng khá băn khoăn khi nhiều mảng thị trường tiềm năng của tỉnh nhà đang còn quá trống vắng. Giám đốc Thơi cho biết vùng núi Nho Quan, Tam Điệp có đến 100 trang trại, nhưng ngân hàng mới chỉ tiếp cận được 5-6 trang trại. Đã có lần ông đề xuất địa phương phát triển nuôi trâu, nuôi dê nhưng thiếu cơ chế vận động của tỉnh nên vẫn không thể phát triển.
“Chúng ta có đồng cỏ không nuôi được trâu, có núi đá nhưng phần lớn dê được nhập từ Ninh Thuận. Trong khi dân ta còn nghèo, du lịch cần sản phẩm dịch vụ, nếu có cơ chế vận động của tỉnh, người dân có việc làm, ngân hàng mới cho vay được vốn”, ông Thơi đề xuất.
Bà Nguyễn Thị Mai trăn trở với kế hoạch 18 con tàu mà BIDV Trung ương giao cho chi nhánh giải ngân: “Chúng tôi cũng đã tiếp cận và đã lên được danh mục vay nhưng, nếu xét điều kiện cho vay cũng còn có những cái khó nhất định cần phải nghiên cứu thêm”. Trong khi đó bà Mai cũng như ông Thơi cho rằng, tỉnh nên tập trung đầu tư phát triển dịch vụ du lịch bài bản; có chiến lược phát triển du lịch rõ ràng, đó là cơ sở để các NHTM nghiên cứu cơ chế hỗ trợ.
Những kiến nghị của ngân hàng đã nhận được sự đồng thuận nhất trí cao của Đoàn ĐBQH tỉnh. Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thị Thanh tâm huyết: “Tôi cũng đã từng đặt vấn đề cho các lãnh đạo địa phương, liệu 5 năm tới có đưa du lịch vào thời kỳ tăng tốc, và đảo ngược trật tự kinh tế của tỉnh từ công nghiệp-du lịch-nông nghiệp thành du lịch-công nghiệp-nông nghiệp.
Dư nợ cho vay xuất nhập khẩu của tỉnh còn nhỏ bé, chỉ chiếm 1,3% tổng dư nợ, cho thấy nền kinh tế của chúng ta đang khép kín. Đây là con số đáng để chúng tôi phải suy nghĩ nhiều hơn các đồng chí vì các TCTD cho vay dựa trên chiến lược phát triển của tỉnh và những con số của ngân hàng cho thấy kinh tế tỉnh đang ở dạng như thế nào”.
Chia sẻ những khó khăn cùng ngân hàng, bà Thanh nói: “Ninh Bình có hai điểm nghẽn. Số DN theo báo cáo là 3.700, tôi nghe nhưng không tin và yêu cầu thống kê lại thì chỉ có 2.300 DN. 70% các DN là DNNVV trong ngành xây dựng. Tới đây, vốn đầu tư công của tỉnh sẽ giảm 2/3 cũng sẽ là câu chuyện rất khó với cả NH và chúng tôi trong việc huy động nguồn lực phát triển kinh tế cũng như thu hồi vốn…
Bà Thanh cũng đề xuất các TCTD cần bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công trong trung hạn của tỉnh để có thể chủ động cho vay các dự án cũng như thu hồi nợ. Đồng thời, bà Thanh “tiết lộ” những dự án tới đây sẽ là động lực thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh nhà và mở ra cơ hội đầu tư cho ngân hàng, như dự án Quần thể du lịch Nho Quan hiện đang thuê tư vấn của Nhật thiết kế, dự án Quốc gia cố đô Hoa Lư.
“Vốn là yếu tố trung tâm cho sự phát triển. Trong tư duy của tôi suy nghĩ như vậy, hệ thống các TCTD là công cụ điều chỉnh kinh tế cả vi mô, vĩ mô rất quan trọng. Mục tiêu quan trọng của ngân hàng là phát triển an toàn và mở ra nhiều hướng phát triển mới cho kinh tế tỉnh”, bà Thanh nhìn nhận.
Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh: “Có độ trễ trong chia sẻ thông tin” Để các ĐBQH thực sự trở thành cầu nối, thì chúng ta phải có cơ chế thông tin, cơ chế chia sẻ để mỗi ĐBQH khi phát biểu tại nghị trường của Quốc hội thì các cán bộ ngân hàng thấy hình ảnh của mình ở trong đó, kể cả cái được và cái chưa được, và không cảm thấy mình bị lạc lõng giữa nghị trường, thậm chí cảm thấy buồn đi khi việc mình làm chưa được ghi nhận. |
Nhất Thanh