Dòng vốn đầu tư dịch chuyển
Việt Nam đón dòng đầu tư dịch chuyển | |
Chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào ngân hàng |
Thủy sản có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ |
Bất động sản công nghiệp “dậy sóng”
Theo phân tích của Công ty CBRE Việt Nam, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc diễn biến phức tạp, việc dịch chuyển các nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam đã và đang tạo nên sức nóng rõ nét đối với thị trường bất động sản khu công nghiệp ở nhiều địa phương.
So sánh của CBRE cho thấy, ở thời điểm hiện tại giá đất công nghiệp tại một số thành phố chính ở Trung Quốc đang vào khoảng 180 USD/m2, trong khi đó giá đất công nghiệp tại Việt Nam chỉ khoảng 100-140 USD/m2, tùy khu vực. Do sự chênh lệch giá khá lớn và nhu cầu thuê đất công nghiệp tăng cao, các DN kinh doanh lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp tại Việt Nam hiện nay đang có sức hút khá mạnh đối với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Theo Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) đến thời điểm hiện tại những mã cổ phiếu của các DN ngành bất động sản khu công nghiệp lớn như: D2D, KBC, IDC, NTC, SZL… đều đang có mức tăng trưởng mạnh nhất trên sàn chứng khoán. Chẳng hạn, mã D2D (của CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2) hiện đã tăng 87% so với hồi đầu năm 2019. Trong khi đó, mã cổ phiếu NTC (của CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên) cũng đã tăng liên tiếp từ cuối năm ngoái và đạt mức 46% so với hồi đầu năm.
Không chỉ tăng mạnh về giá cổ phiếu, các giao dịch lớn ở thị trường bất động sản khu công nghiệp trong các tháng vừa qua cũng được ghi nhận là có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Ở miền Bắc, mặc dù không có những thống kê chi tiết nhưng Sở Kế hoạch - Đầu tư TP. Hải Phòng đã xác nhận, từ đầu 2018 đến nay đã có gần 30 công ty Trung Quốc đến thuê đất tại các khu Công nghiệp, với số vốn đăng ký trên 63 triệu USD. Riêng tại Khu Công nghiệp Đồ Sơn, hiện 80% DN đến đầu tư thuê hạ tầng phát triển các dự án may mặc, da giày, linh kiện điện tử… là các DN Trung Quốc.
Trong khi đó, ở khu vực miền Trung và miền Nam, trong quý I/2019 hãng Universal Alloy Corporatiion cũng đã đầu tư 170 triệu USD để phát triển nhà máy sản xuất linh kiện máy bay lớn tại Đà Nẵng. Tập đoàn TTI, Inc. của Hoa Kỳ cũng đã hoàn tất đăng ký đầu tư 150 triệu USD vào Khu Công nghệ cao TP.HCM để phát triển hệ thống nhà máy điện mặt trời. Hàng loạt các DN lớn khác đến từ Hàn Quốc như: Changshin, Hanwha Aero Engines… cũng đã đẩy mạnh thuê đất tại các khu công nghiệp thuộc tại tỉnh Đồng Nai, Bình Dương nhằm phát triển các dự án sản xuất giày dép và phụ tùng ngành hàng không.
Cơ hội của thủy sản và dệt may
Theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) việc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giảm giá mạnh trong thời gian gần đây đã bắt đầu gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của các DN Việt Nam. Bởi việc nhân dân tệ rớt giá mạnh so với USD, trong khi VND chỉ mất giá ở mức độ nhỏ hơn cũng đồng nghĩa VND lên giá so với nhân dân tệ. Điều đó sẽ làm sức cạnh tranh về giá của các sản phẩm thủy sản tại thị trường Trung Quốc giảm xuống và các DN Việt khó đàm phán hợp đồng.
Tuy nhiên, quan sát trên thị trường chứng khoán dường như đang có diễn biến trái ngược. Việc các nhà máy lớn dịch chuyển sang Việt Nam cũng như hệ quả của việc Mỹ đánh thuế cao với hàng hóa Trung Quốc lại đang tạo ra lợi thế cho một số DN thủy sản Việt. Bởi một mặt chi phí nhập khẩu nguyên liệu được tiết giảm (do phần lớn hợp đồng nhập khẩu đều thanh toán quy đổi bằng USD). Trong khi đó đa số các DN ngành thủy sản có lượng vay nợ USD không đáng kể và ít chịu rủi ro về tỷ giá.
Diễn biến trên các sàn HNX và HoSE cho thấy, đến hiện tại những mã cổ phiếu lớn trong ngành thủy sản như: ALC (của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang), CMX (của Camimex Group), ANV (của CTCP Nam Việt)… đều có mức tăng từ 175% - 275% so với đầu năm 2018. Những mã khác như: VHC của CTCP Vĩnh Hoàn, NGC của Thủy sản Ngô Quyền cũng tăng từ 72-86% trong quý I/2019. Trong khi đó, báo cáo tài chính của hầu hết các DN đến hiện nay đều ghi nhận lãi lớn. Chẳng hạn, ACL lợi nhuận sau thuế 2018 đạt 230 tỷ đồng, tăng gần 11 lần so với năm 2017; CMX lãi sau thuế 81 tỷ đồng, ANV hơn 600 tỷ đồng, lần lượt tăng gấp 3-4 lần so với năm trước.
Hiện một số DN lớn trong ngành thủy sản hầu như đã hoàn toàn vượt qua được những bước khó của thời điểm giữa năm 2018 khi Mỹ áp dụng các rào cản thuế chống bán phá giá ngặt nghèo với sản phẩm từ tôm. Công ty Minh Phú đã bán thành công 30% vốn cho đối tác Mitsui của Nhật Bản, trong khi đó từ vùng đáy 50.000 đồng/cổ phiếu (giữa 2018), mã VHC của CTCP Thủy sản Hùng Vương đã có mức tăng gần 37% trong quý I/2019 và bán vốn thành công ở nhiều công ty trực thuộc.
Trong khi đó, ngành dệt may, diễn biến dịch chuyển dòng vốn đầu tư cũng khả quan không kém. Từ đó, các mã cổ phiếu: MPT (của CTCP Tập đoàn Trường Tiền), GMC (của May Sài Gòn), TNG (của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG), TVT (Tổng công ty Việt Thắng, FTM (của CTCP Đức Quân)… trong quý I/2019 đều có mức tăng trưởng trên 20%.
Như vậy có thể thấy dòng tiền đang nối gót các dự án dệt may lớn đổ vào các địa phương có thế mạnh, trái với những dự báo khó khăn hồi đầu năm 2019. Dự báo trong năm nay ngành dệt may lại là một trong những ngành hàng có dòng vốn luân chuyển sôi động nhất trên thị trường chứng khoán và nằm trong top những ngành dẫn đầu về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Việc các nhà máy lớn dịch chuyển sang Việt Nam cũng như hệ quả của việc Mỹ đánh thuế cao với hàng hóa Trung Quốc lại đang tạo ra lợi thế cho một số DN thủy sản Việt. Bởi một mặt chi phí nhập khẩu nguyên liệu được tiết giảm (do phần lớn hợp đồng nhập khẩu đều thanh toán quy đổi bằng USD). Trong khi đó đa số các DN ngành thủy sản có lượng vay nợ USD không đáng kể và ít chịu rủi ro về tỷ giá. |