Việt Nam đón dòng đầu tư dịch chuyển
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng DN tại Việt Nam được liệt kê vào danh sách nhà cung cấp của Apple đã tăng từ 16 (năm 2015) lên 22 (năm 2018). Tất cả trong số đó đều là công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Gần đây, một nhà cung cấp của Apple (GoerTek) đã quyết định dời trụ sở sản xuất AirPods (tai nghe không dây) của họ vào Việt Nam.
Ảnh minh họa |
Tại Việt Nam, tỷ lệ sản xuất nội địa nhảy vọt từ 34% tổng giá trị sản phẩm trong năm 2014 lên 57% trong năm 2017. Hiện tại, 35 công ty Việt Nam đang đóng vai trò là nhà cung cấp số 1 của Samsung, năm 2019, có thể sẽ là 42 và đến 2020 đạt con số 50. Hay Tập đoàn điện tử LG đã công bố dừng sản xuất điện thoại di động ở Hàn Quốc và chuyển sang nhà máy tại Hải Phòng, Việt Nam. Quyết định này sẽ tăng công suất sản xuất tại Việt Nam lên 83%, đạt 11 triệu thành phẩm từ nửa cuối năm 2019…
Thực tế, trong năm qua, thị trường ghi nhận sự gia tăng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Xu hướng này không còn quá mới mẻ nhưng ngày càng rõ nét khi chi phí sản xuất tại Trung Quốc tiếp tục tăng, khiến cho việc di dời dường như trở thành một sự lựa chọn rất hiệu quả về mặt tài chính đối với nhiều nhà sản xuất.
Kết quả khảo sát của UBS Evidence Lab dựa trên phản hồi từ hơn 200 công ty sản xuất có lượng xuất khẩu đáng kể hoặc cung cấp cho các nhà xuất khẩu từ Trung Quốc chỉ ra, nguyên nhân chính thúc đẩy sự dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc đến Việt Nam là do các nhà sản xuất nhận thấy sự tích cực từ các chỉ số kinh tế quan trọng của Việt Nam như tăng trưởng GDP, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, lạm phát… trong khi Chính phủ tiếp tục đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng và giúp cho những nhà sản xuất tiếp cận được tốt hơn đến với các thị trường xuất khẩu bằng việc tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương. Trong khi đó, tính cạnh tranh của Việt Nam về chi phí đầu tư đất và lao động đang được cải thiện rõ rệt.
Theo Thống kê của Ngân hàng Phát triển châu Á và Bloomberg, tỷ trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Việt Nam trong những năm gần đây thường cao nhất Đông Nam Á. Việc cải thiện các dự án hạ tầng trọng điểm như những tuyến đường cao tốc mới, mở rộng các cảng biển và sân bay, đã thu hút các chủ đầu tư khu công nghiệp xây dựng mới hoặc mở rộng các khu công nghiệp gần đó và cùng đó, các chủ đầu tư khu công nghiệp có thể giới thiệu các dự án cơ sở hạ tầng mới này như một phần của đề nghị để thu hút các khách thuê.
Thời gian gần đây, Việt Nam tích cực tham gia vào các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Lợi ích chính từ các hiệp định thương mại này là giúp xóa bỏ các rào cản thương mại giữa các nước thành viên, giúp thu hút các doanh nghiệp thiết lập quy trình sản xuất tại Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu tới thị trường các nước thành viên. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, mức thuế của Mỹ áp đặt lên hàng xuất khẩu từ Trung Quốc do căng thẳng thương mại giữa 2 nước, cũng khiến Việt Nam có lợi tương tự một hiệp định thương mại.
“Điều đó cũng có nghĩa là, trong ngắn hạn, các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam như dệt may, giày dép, thiết bị di động, điện tử tiêu dùng, đồ gỗ, thủy sản, va li, túi xách và máy móc có thể tìm thấy hướng tiếp cận tốt hơn vào thị trường Mỹ”, các chuyên gia phân tích.