Chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào ngân hàng
Đề xuất mới về tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng | |
Tài sản của các TCTD tăng gần 0,6% trong tháng đầu năm |
Các nhân tố chủ quan và khách quan tác động đến hoạt động kinh doanh của TCTD được đánh giá đều cải thiện hơn trong quý I/2019. Tình hình kinh doanh của TCTD trong quý đầu năm 2019 diễn biến tương đối tốt. 70,4% TCTD nhận định tình hình kinh doanh cải thiện tốt hơn, trong đó 14,3% là “cải thiện nhiều” so với quý trước. 88% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2019 “cải thiện” hơn so với năm 2018. Vừa qua, Việt Nam cũng được Standard & Poor’s nâng hạng tín nhiệm sau 9 năm.
Nhiều đối tác ngoại đang mong muốn tham gia tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam |
Có thể thấy, đây là những yếu tố có thể tạo điều kiện thu hút thêm vốn của các nhà đầu tư (NĐT) ngoại vào hệ thống tài chính - ngân hàng Việt Nam thời gian tới. Thực tế cho thấy các nhà băng có xu hướng bán vốn cho nhiều tổ chức nước ngoài, hơn là việc chỉ tập trung ở một hai NĐT.
Đơn cử như Nam A Bank, trong kế hoạch tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng năm nay có nội dung thu hút thêm vốn từ cổ đông nước ngoài. TPBank trong đợt phát hành riêng lẻ vừa qua thu hút được nhiều NĐT trong và ngoài nước thu về hơn 2.100 tỷ đồng.
HDBank cũng là trường hợp nhà băng thu hút nhiều vốn từ một số quỹ đầu tư và ngân hàng ngoại như: Credit Saison (Nhật), Aozora Bank (Nhật), Deutsche Bank AG (Anh), JPMorgan Vietnam Opportunities Fund (Anh), Dragon Capital (Anh), RWC Frontier Markets Opportunity Master Fund (Anh), Chalemass (Anh), Macquarie Bank (Úc)…
Trong đó mỗi NĐT sở hữu không quá 3%. Hay Techcombank bán cổ phần cho hai NĐT Vesta VN Investments B.V và COG Investments B.V (Hà Lan) vào tháng 6/2018, trị giá 370 triệu USD.
Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia tài chính - ngân hàng cho hay: Không phủ nhận vai trò của cổ đông chiến lược là vô cùng quan trọng, đóng góp trong việc định hướng, xây dựng hay tái cơ cấu ngân hàng. Nhưng cũng có rủi ro, bởi họ đổ vào với một lượng đầu tư lớn thì khi rút vốn sẽ tạo khoảng trống tương ứng. Bởi thế một số ngân hàng Việt Nam mới thay đổi quan điểm từ chỗ cố mời gọi cho được một cổ đông với tư cách chiến lược, chuyển sang mời nhiều NĐT vào với tư cách cổ đông lớn từ 10% trở xuống.
“Điểm lợi là ngân hàng có thể phân bổ được rủi ro, khi không bị lệ thuộc quá nhiều vào một NĐT. Một mặt khác, sự góp mặt của nhiều NĐT ngoại trong ngân hàng cũng giúp hỗ trợ trong việc phát triển thị trường, kinh doanh, quản trị rủi ro”, vị này chia sẻ.
Kỳ vọng là một chuyện, song thực tế là thị trường những năm gần đây cũng ghi nhận trường hợp các NĐT ngoại rút vốn khỏi nhà băng Việt. Mới đây nhất, sau hơn 10 năm đầu tư vào SeABank, Tập đoàn Société Générale đã thoái vốn khỏi ngân hàng này khi tỷ lệ sở hữu đã tăng lên mức 20%. Trước đó là ANZ chia tay Sacombank năm 2012, cuối năm 2013 OCBC thoái vốn khỏi VPBank sau hơn 7 năm đầu tư; 9/2016 HSBC “dứt áo” với Techcombank, Standard Chartered thoái vốn ACB, BNP Paribas rút khỏi OCB cuối năm 2017.
ANZ, HSBC, Standard Chartered Bank đều là ba ngân hàng có 100% vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Chuyên gia nhận định, động thái rút vốn khỏi các ngân hàng Việt của ba đơn vị trên có thể để tập trung đầu tư cho ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Đó là chưa kể tại NHTW một số quốc gia thi hành việc thắt chặt CSTT, theo đó chiến lược của một số tập đoàn mẹ cũng khiến các NĐT thoái vốn khỏi ngân hàng Việt để tái cơ cấu danh mục đầu tư.
Đó là nhìn từ bên ngoài, còn trong nội tại của ngân hàng Việt Nam, phải thẳng thắn rằng vẫn còn có những yếu tố ảnh hưởng tới quyết định của các NĐT nước ngoài. Những vấn đề như nợ xấu, tỷ lệ sinh lời còn thấp, tính minh bạch chưa cao, rủi ro hệ thống… khiến các NĐT không thật sự thoả mãn với kết quả kinh doanh của ngân hàng Việt.
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, việc các NĐT phương Tây thoái vốn khỏi nhà băng Việt đã nhường chỗ cho các NĐT châu Á, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan… Với các NĐT châu Á, Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn phần nhiều do họ tương đối hiểu văn hoá kinh doanh của người Việt và họ theo chân các khách hàng của mình đang có đầu tư tại Việt Nam. Đặc biệt với Nhật Bản, Hàn Quốc là hai quốc gia có quan hệ kinh tế khá chặt chẽ với Việt Nam.
Tuy nhiên, trong thời đại hội nhập kinh tế quốc tế, việc hấp dẫn các NĐT ngoại, đặc biệt là NĐT phương Tây vẫn là mục tiêu của không ít ngân hàng. Vấn đề không mới, nhưng một phần không nhỏ để tạo hấp lực với các đối tượng này nằm ở tỷ lệ sở hữu. Không khó hiểu khi họ muốn có sự kiểm soát với dòng tiền bỏ vào, nếu tỷ lệ là thiểu số rất khó để các NĐT này có thể hỗ trợ cải thiện.
Theo chuyên gia, các NĐT này cho rằng rót vốn vào với một kế hoạch lớn thì đồng nghĩa với việc “tiếng nói” của họ phải có trọng lượng nhất định. Hiện đã có nhiều NHTM chạm mức trần quy định về tỷ lệ sở hữu của khối ngoại, nên nhiều ngân hàng mong muốn được “nới room” cho khối ngoại để tăng vốn, xử lý nợ xấu và thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.