Du lịch và sự cộng sinh
Cáp treo: Lợi và hại | |
Bảo vệ di sản, trách nhiệm của cộng đồng |
Khu du lịch Vườn quốc gia Ba Vì (huyện Ba Vì, Hà Nội) đang đón khách đến tham quan và chụp ảnh bên những vạt hoa dã quỳ của năm nay. Cuối thu, thời tiết, khí hậu mát mẻ, tạo cảm giác thoải mái dễ chịu cho những người muốn “phượt núi”, khám phá vẻ đẹp hùng vĩ của núi Ba Vì. Nhiều bạn trẻ thốt lên, nơi đây có những cảnh đẹp chẳng kém gì… Sa Pa, bởi có những vạt đồi thông tuyệt đẹp, bình dị mà vẫn gợi lên vẻ lãng mạn.
Tọa đàm về phát triển du lịch bền vững |
Hiện nay, khu vực cốt 400, khu du lịch đang mở rộng, làm đường bậc đá và bê-tông đi lên đồi, tăng diện tích trồng cây dã quỳ. Điều đó có nghĩa là rừng cây sẽ bị thu hẹp. Nhiều ý kiến cho rằng, Ban quản lý Khu du lịch cần có những biện pháp gìn giữ, bảo vệ rừng tốt hơn. Trước đây, có những dự án đã xâm hại đến Vườn quốc gia Ba Vì và đã được các cơ quan chức năng đình chỉ, xử lý.
Nhìn vào vẻ đẹp của Ba Vì, lá phổi xanh của Hà Nội, chúng ta đều hy vọng rằng nơi đây sẽ được phát triển du lịch bền vững, phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường. Chúng ta từng chứng kiến sự thay đổi quá nhiều của Sa Pa (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái), Đà Lạt (Lâm Đồng)… Những nơi mà con người đang tác động một cách có thể nói là thô bạo vào tự nhiên.
Giờ đây đến Sa Pa, du khách từng được biết đến một thị trấn du lịch trữ tình, mờ sương trong bình yên sẽ cảm thấy thất vọng Sa Pa đang bị cày nát bởi quy hoạch, mở rộng và nhiều công trình xây dựng nhà nghỉ, khách sạn… Tất cả những điều đó khiến cho không khí Sa Pa bị ô nhiễm nặng nề, lúc nào cũng bụi mù và chẳng khác gì một đại công trường xây dựng.
Có một điều là, những chuyện đó đang được cộng đồng nhìn thấy và có những ý kiến góp ý mạnh mẽ. Tiếp tục phản đối du lịch hủy hoại môi trường, vào ngày 28/10 vừa qua, Tọa đàm về phát triển du lịch bền vững có tên “Điểm đến trước khi chết” tại Trung tâm văn hoá Pháp tại Hà Nội thu hút hàng trăm người. Không ít ý kiến nêu ra: Nhiều khu du lịch như Sa Pa, Mù Cang Chải, Sơn Đoòng... có nguy cơ “chết” trước khi những người yêu thích tìm đến.
Vì sao vậy? Vì môi trường bị phá hủy, cấu trúc văn hóa bản địa bị phá vỡ hoặc hủy hoại. Tại tọa đàm, anh Nguyễn Biên Thùy và các cộng sự khởi xướng phong trào phản đối xây dựng cáp treo, bảo vệ hang Sơn Đoòng khiến người nghe xúc động bởi những lý lẽ, lập luận thuyết phục.
Phải nói rằng, trước đây nhiều chuyên gia văn hóa phản đối việc xây dựng cáp treo vào Sơn Đoòng, như đã từng phản đối xây cáp treo lên Phan Xi Păng, bởi với bất cứ dự án nào đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên đều gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Khi rục rịch dự án xây cáp treo lên Phan Xi Păng, nhiều chuyên gia văn hóa đã phản đối, bởi nơi đó là biểu tượng về độ cao, sự hùng vĩ của đất nước. Hãy để biểu tượng đó mãi đẹp, để những đoàn du khách được “phượt” và chinh phục độ cao ấy bằng sức người. Nhưng cuối cùng dự án vẫn được thực hiện. Và chuyện thay đổi môi trường sinh thái của cả khu vực Sa Pa đang rất nghiêm trọng.
Thiên nhiên vốn rất nhạy cảm. Bất cứ sự tác động thô bạo nào cũng làm suy giảm vẻ đẹp và sự bền vững môi trường. Thiên nhiên cần con người cộng sinh. Kể cả làm du lịch, con người dựa vào thiên nhiên để khai thác sản phẩm du lịch, thì cũng phải làm sao để môi trường thiên nhiên tại đó được bền vững. Từ đó thiên nhiên sẽ tác động lại, phục vụ tốt nhất mong muốn của con người.
Những năm vừa qua, việc phát triển du lịch ồ ạt và thiếu bền vững đã khiến chúng ta phải trả giá và nhiều vẻ đẹp thật sự đang mất đi, chỉ còn lại sự xô bồ. Chúng ta phát triển, đồng thời phải tạo cơ hội cho cộng đồng bản địa được biết cả những mặt trái của phát triển du lịch để họ được lên tiếng, lựa chọn cách phát triển mà họ muốn. Cuối cùng để núi rừng, thiên nhiên được tồn tại, phát triển ôn hòa cùng với con người, rất cần sự tỉnh táo trước khi thực hiện một dự án.